Số phận bi thảm của các tàu sân bay-biểu tượng sức mạnh Mỹ - Kỳ 2

Các tàu sân bay Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của chúng là những “ông hoàng” trên các vùng biển, biểu tượng về sức mạnh biển của Mỹ. Tuy nhiên, số phận của những chiếc tàu sân bay này lại rất khác nhau. Một số bị đánh chìm trong các cuộc chiến tranh, số khác thì bị thải loại.

USS Enterprise (CV-6)


Enterprise được đưa vào hoạt động năm 1938, có cùng kích thước và khả năng mang theo số lượng máy bay giống như tàu sân bay Yorktown. Con tàu đã tham chiến trong cả hai trận Midway và Guadalcanal nhưng bị hư hỏng nặng.

USS Enterprise (CV-6).


Sau chiến tranh, USS Enterprise trở thành vô dụng. Lúc đầu nó dự kiến sẽ trở thành một “đài tưởng niệm” vĩnh viễn, nhưng kế hoạch này bị hủy vào năm 1949 do thiếu kinh phí. Thay vào đó, nó bị bán cho công ty Lipsett Corp làm phế liệu kim loại; việc dỡ bỏ được hoàn thành vào năm 1960.

USS Wasp (CV-7)

Tàu sân bay này được đưa vào sử dụng năm 1940, có kích thước nhỏ hơn so với lớp Yorktown, nặng 14.700 tấn và dài 225m nhưng có thể mang tới 100 máy bay. Wasp đã tham gia cuộc tấn công mở đầu trong trận Guadalcanal vào tháng 8/1942 và bị người Nhật đánh chìm ở đó ngay tháng sau.

USS Hornet (CV-8)

USS Hornet trong trận Santa Cruz.


Tuổi thọ của tàu sân bay Hornet lớp Yorktown này khá ngắn. Được đưa vào hoạt động chỉ 2 tháng trước trận Trân Châu Cảng, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của nó là cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần trong cuộc tấn công Doolittle, Midway vào tháng 6/1942. Đến tháng 10, nó bị hư hại trong trận Santa Cruz và chìm ngoài khơi quần đảo Santa Cruz. Cũng giống như các tàu sân bay lớp Yorktown khác, CV-8 nặng 19.800 tấn, dài 246m và mang được 90 máy bay.

USS Essex (CV-9)

USS Essex (CV-9).


Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên trong số 24 tàu sân bay lớp Essex, được đưa vào biên chế năm 1942, nặng 27.100 tấn và dài 265m. Với thiết kế có thể mang theo 90 - 100 máy bay, con tàu dự kiến sẽ phát động các cuộc tấn công đổ bộ lớn vào Tokyo năm 1945, nhưng điều này đã không bao giờ xảy ra. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, tàu USS Essex được cải tạo và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm 1951, sau đó nó chuyển đổi thành một chiếc tàu sân bay hỗ trợ tác chiến tàu ngầm vào năm 1960. Năm 1975, Essex đã được bán để tháo dỡ.

USS Intrepid (CV-11)

Intrepid được đưa vào động trong tháng 4/1943 như là một thành viên của dòng họ tàu sân bay lớp Essex. Chiến dịch đầu tiên của nó tấn công vào quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, tiếp theo là các cuộc tấn công vào Philippines. Năm 1952, nó được nâng cấp thành một tàu sân bay hiện đại hơn và sau đó đã tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

USS Intrepid (CV-11).


Mặc dù kế hoạch ban đầu là sẽ bị tháo dỡ sau khi ngừng hoạt động năm 1974, nhưng sau đó Intrepid được chuyển đến Bảo tàng Hàng không-Không quân - Biển tại thành phố New York vào năm 1982. Tàu sân bay này từng là một trung tâm hoạt động của FBI sau vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Quốc tế ngày 11/9/2001.

USS Hornet (CV-12)

USS Hornet (CV-12).


Được đưa vào hoạt động năm 1943, Hornet giống như người tiền nhiệm của mình trong dòng họ tàu sân bay lớp Essex. CV-12 tham gia trong các cuộc chiến tranh: Chiến tranh Thế giới thứ 2, chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam. Con tàu này bị bỏ xó vào năm 1970.

USS Franklin (CV-13)


Tàu sân bay Franklin lớp Essex được đưa vào biên chế năm 1943. Trong khi tiếp cận gần các đảo chính của Nhật Bản năm 1945, nó bị quân Nhật tấn công bằng bom và thiệt hại nặng. 800 thủy thủ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom đó, nhưng con tàu vẫn được cứu.

Sau khi được phục hồi về mặt kỹ thuật, nó hoạt động trở lại cho đến năm 1964 thì không trở lại biển lần nào nữa. Năm 1966 đã được bán cho Công ty Cứu hộ Portsmouth.

USS Ticonderoga (CV-14)

Được đưa vào sử dụng năm 1944, cùng năm đó, USS Ticonderoga tham gia chiến dịch tại Philippines và tiếp tục tấn công các đảo chính của Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

USS Ticonderoga (CV-14) năm 1944.


Hai thập kỷ sau, CV-14 tham gia vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Đến năm 1973, kết quả thanh tra phát hiện ra rằng tàu sân bay này không thích hợp để tiếp tục phục vụ. Sau đó, Ticonderoga đã ngừng hoạt động và được bán để tháo dỡ vào năm 1975.

USS Randolph (CV-15)

Được đưa vào biên chế tháng 10/1944, Randolph (CV-15) nặng 27.100 tấn, dài 270m và chứa được 90-100 máy bay. CV-15 từng tham gia cuộc tấn công các đảo chính của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau đó chở quân về Mỹ từ châu Âu trong chiến dịch Magic Carpet.


Randolph ngừng hoạt động năm 1969. Năm 1975, nó đã được bán cho Liên minh Khoáng sản và Hợp kim với giá 1,5 triệu USD và bị tháo dỡ.

USS Independence (CVL-22)

Đây là tàu sân bay hạng nhẹ đầu tiên được Hải quân Mỹ chế tạo. Được đưa vào biên chế năm 1943, USS Independence nặng 10.662 tấn và dài 189m, mang được 30 máy bay. Independence đã tham chiến ở Philippines và Okinawa trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

USS Independence (CVL-22) bốc cháy vào tháng 7/1946.


Sau chiến tranh, vào tháng 5/1945, con tàu được bố trí trong đội hình tham gia Chiến dịch Crossroads thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini, trong vai trò là một tàu mục tiêu. Mặc dù bị hư hỏng nặng trong vụ nổ bom, nhưng tàu sân bay này vẫn không bị chìm. Sau đó, CVL-22 được đưa đến San Francisco năm 1951 và bị đánh đắm tại đây. Năm 2001, tờ Tuần báo San Francisco đặt ra lo ngại rằng thân tàu vẫn còn phóng xạ, góp phần làm ô nhiễm hạt nhân trong khu vực.

USS Princeton (CVL-23)

Vụ nổ trên tàu USS Princeton (CVL-23).


USS Princeton là tàu sân bay hạng nhẹ thứ 2 của Mỹ, có trọng lượng 13.000 tấn và dài 189m, được đưa vào hoạt động năm 1943. Tàu sân bay này được thiết kế để mang 45 máy bay. CVL-23 đã tham chiến trong suốt một năm rưỡi trước khi bị đánh chìm trong trận Vịnh Leyte năm 1944, khiến 108 thủy thủ thiệt mạng.

USS Cabot (CVL-28)

USS Cabot (CVL-28) bên bến tàu ở New Orleans. Ảnh: Merlin Dorfman


Được đưa vào hoạt động năm 1943, Cabot (CVL-28) nặng 11.000 tấn và dài 189m. Tàu sân bay này đã tham chiến dịch Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, sau đó bị bỏ xó 12 năm cho đến khi được cho hạm đội Tây Ban Nha mượn vào năm 1967. Năm 1989, CVL-28 được trả lại và chuyển đổi thành một bảo tàng neo ngoài khơi New Orleans. Tuy nhiên, năm 1999, Cabot được bán đấu giá và công ty Cứu hộ Hàng hải Sabe mua làm phế liệu.


Công Thuận

Còn tiếp
Số phận bi thảm của các tàu sân bay-biểu tượng sức mạnh Mỹ - Kỳ 1
Số phận bi thảm của các tàu sân bay-biểu tượng sức mạnh Mỹ - Kỳ 1

Các tàu sân bay của Mỹ vào thời kỳ đỉnh cao của chúng là những “ông hoàng” trên các vùng biển, vượt trội hơn bất kỳ đối thủ nào. Chúng là biểu tượng về sức mạnh trên biển của Mỹ, trị giá hàng triệu USD, có thể mang theo hàng nghìn người. Nhưng số phận của những chiếc tàu sân bay này lại khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN