TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ 2

Lợi ích mà các nước châu Á tham gia TPP sẽ nhận được là quá rõ ràng. TPP không chỉ giúp hồi sinh xuất khẩu (vốn đang trì trệ) trong vài năm tới mà còn mở cửa các thị trường nội địa vốn được bảo vệ, thúc đẩy những cải cách cần thiết.


LỢI ÍCH KHÔNG THỂ CHỐI BỎ

Đối với Nhật Bản, những tác động của TPP trong việc thúc đẩy cải cách cơ cấu rộng hơn có thể tạo động lực cho chương trình kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe. Tham gia TPP có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận ngành dịch vụ nội địa Nhật Bản, nơi mà hiệu quả sản xuất giảm mạnh trong một thời gian dài do thiếu tham vọng.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo ngày 6/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đánh giá việc đạt được thỏa thuận cuối cùng đối với TPP là một thành công. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, các nền kinh tế thành viên TPP cũng được hưởng lợi. Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia sẽ nhận được quyền tiếp cận ưu đãi đến các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Canada. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các nền kinh tế này sẽ tăng lên, tăng sức cạnh tranh với bên ngoài cũng như trong nước. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm và xuất khẩu đang đối mặt với trở ngại lớn, TPP được kỳ vọng là cú hích cần thiết để các thị trường khôi phục đà tăng trưởng.

TPP cũng củng cố vai trò của cả Mỹ và Nhật Bản với tư cách là những nước lãnh đạo một trật tự mới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thiết lập dựa trên các quy định. Washington và Tokyo được nhiều nước ở châu Á nhìn nhận là những nước vô địch của hệ thống kinh tế công bằng và công khai, hệ thống đã tạo ra sự thịnh vượng cho toàn khu vực.

Có bốn góc nhìn về các tác động của TPP. Đó là lý luận kinh tế, vai trò của TPP đối với nền chính trị của các nước thành viên, tác động địa chính trị và tiềm năng của TPP với tư cách là nền tảng cho một loạt các thỏa thuận kinh tế sâu rộng hơn giữa các nước lớn.

TPP sẽ tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ, dỡ bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài và tăng cường sự minh bạch quy định, chính sách giữa các nước thành viên. Nó sẽ giúp mở rộng các ngành kinh tế nhạy cảm như ô tô và nông nghiệp mà cho đến nay vẫn đang nhận được sự bảo hộ nội địa. TPP thúc đẩy các ưu tiên kinh tế mới như tự do thương mại đối với các sản phẩm kỹ thuật số và củng cố thị trường Internet mở giữa các nước thành viên. TPP sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các ngành kinh tế có tính sáng kiến như dược phẩm. Các nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson dự đoán TPP sẽ giúp GDP toàn cầu tăng thêm gần 300 tỷ USD/năm. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang bị suy giảm, một dấu hiệu đáng lo ngại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ vào toàn cầu hóa.

Đối với các nước tham gia TPP, hiệp định này sẽ tạo ra một "cú sốc" tích cực từ bên ngoài, đó là làm tăng sự cạnh tranh, mở cửa hơn nữa các thị trường cho các đối tác thương mại chính và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ giá cả hàng hóa và dịch vụ giảm. Đối với một số nước, trong đó có Mỹ, TPP sẽ giúp tăng số lao động trong các ngành kinh tế liên quan đến xuất khẩu, khu vực được đánh giá có mức lương cao hơn so với các ngành kinh tế hướng nội khác. Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang các nước trong TPP lên tới 1,9 tỷ USD/ngày. Con số này dự kiến sẽ còn cao hơn sau khi TPP có hiệu lực. Viện Nghiên cứu Peterson ước tính đến năm 2025, TPP sẽ giúp xuất khẩu Nhật Bản tăng 140 tỷ USD và xuất khẩu Mỹ tăng 123 tỷ USD, nâng GDP hàng năm của hai quốc gia này tương ứng là gần 100 tỷ USD và 80 tỷ USD. TPP không chỉ đem lại lợi ích cho các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế nhỏ hơn như New Zealand, với ngành công nghiệp chế biến sữa số một thế giới, sẽ mở rộng tiếp cận các thị trường rộng lớn ở Vành đai Thái Bình Dương.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại Washington ngày 26/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này sẽ tham gia TPP. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điều quan trọng không kém là tình hình chính trị của các quốc gia tham gia TPP. Những yếu tố chính trị trong nước khiến cho nhiều lãnh đạo khác ủng hộ TPP. Thủ tướng Nhật Bản Abe coi TPP là chất xúc tác cho nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chương trình Abenomics. Tại Canada, cuộc bầu cử ngày 19/10 mà phe đối lập chiến thắng, đặt Thủ tướng Stephen Harper vào quan điểm khai thác những lợi ích của TPP trước khi người kế nhiệm ông có thể sử dụng nó. TPP cũng mang khía cạnh địa chính trị. Đối với ông Obama, nó là trọng tâm của chiến dịch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương vốn đang bị chỉ trích là nói nhiều hơn làm. Ông Obama hiểu rằng việc duy trì vai trò của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà còn cả kinh tế với khả năng hình thành các thể chế xuyên Thái Bình Dương hướng đến mục tiêu hòa bình và thịnh vượng.

TPP sẽ củng cố liên minh Mỹ - Nhật và tạo ra mối quan hệ ràng buộc với các đối tác mới. TPP không chỉ nhằm kiềm chế Trung Quốc mà còn giúp đoàn kết Washington với các quốc gia châu Á khác trong một sự tuân thủ chung các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về công khai, minh bạch và các tiêu chuẩn toàn cầu.

TPP của Mỹ không nhằm tạo ra một đối trọng kinh tế với Trung Quốc. Do sự trì trệ của Vòng đàm phán Doha, TPP có thể hình thành một trụ cột mới cho một thể chế thương mại tự do hơn, một thể chế có thể thu hút thêm các nền kinh tế khác tham gia. Những lời mời của TPP về việc chào đón thêm thành viên tham gia là nhằm khích lệ các cải cách đối với các nền kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ, những nền kinh tế mà có thể một ngày nào đó sẽ gia nhập sân chơi chung này.

Một TPP mở rộng có thể hình thành những liên kết với các nhóm thương mại khác, bao gồm cả Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương trong tương lai, Liên minh Thái Bình Dương các nền kinh tự thị trường tự do Mỹ Latinh. Với con đường này, nó có thể tạo ra một trật tự tự do thương mại liên khu vực, kết nối các nền kinh tế Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Theo nhà phân tích kinh tế Peter Petri và Michael Plummer, một TPP mở rộng tạo ra một khu vực tự do thương mại của châu Á - Thái Bình Dương có thể đem lại lợi ích kinh tế lên tới gần 2.000 tỷ USD. Bộ Thương mại Mỹ ước tính đến năm 2030 sẽ có gần 3 tỷ người tiêu dùng trung lưu trên toàn châu Á - Thái Bình Dương, đưa khu vực này trở thành thị trường kết nối lớn nhất. Vì vậy, TPP không phải là đích đến cuối cùng mà là tạo ra nền tảng cho những thỏa thuận kinh tế tham vọng hơn để xác định tương lai của khu vực được đánh giá là năng động nhất thế giới này.

Xem Kỳ 3: Rào cản nội địa hóa

Nguyễn Tuyến (Theo Tạp chí Nikkei Asian Review)
TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ cuối
TPP: Hoạch định một hành trình - Kỳ cuối

Tokyo và Washington đã kết hợp để hoàn tất TPP. Mỹ và Nhật Bản không chỉ là hai thành viên lớn nhất của TPP, mà còn là các đối tác đàm phán chính đem lại thành công cho TPP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN