Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên

Cuộc xâm lược Triều Tiên của Nhật Bản những năm 1590 là một cuộc chiến đáng kinh ngạc giữa những người khổng lồ Đông Á, vốn có những đội quân với quy mô mà các cường quốc châu Âu hiện đại cũng phải mơ ước. Trong cuộc chiến, Đô đốc Yi Sun-shin của Triều Tiên nổi lên như là một trong những vị đô đốc vĩ đại nhất trong lịch sử phương Đông. Tất cả bắt đầu từ năm 1592.

 

Kỳ 1: Trận Hansan

 

Bộ máy chiến tranh của lãnh chúa Nhật Bản Toyotomi Hideyoshi đã lên kế hoạch tấn công Triều Tiên vốn đang ở thế bị động vào năm 1592. Quân của ông tràn vào Triều Tiên, chiếm đóng tất cả các đô thị lớn trên đường từ Busan đến Bình Nhưỡng, khiến triều đình Triều Tiên hoảng loạn và gần như phải chạy trốn ra sông Áp Lục.


Tượng Yi Sun-shin ở Seoul, Hàn Quốc.


Tuy nhiên, nhà Joseon của Triều Tiên vốn là một chư hầu trung thành của triều Minh trong hơn 200 năm, và cuộc xâm nhập của những kẻ “man di” Nhật Bản vào khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa đã khiến hoàng đế nhà Minh phải huy động lực lượng chống lại. Với đội quân dày dạn của nhà Minh sắp tới trên đất liền, Hideyoshi rất cần một cách nào đó để cung cấp quân nhu nhanh chóng cho các đơn vị của mình ở Bình Nhưỡng. Không may là nông dân và nhà sư Triều Tiên đã tổ chức những nhóm du kích gọi là nghĩa quân và bắt đầu đánh phá quân nhu của Nhật khi đang được vận chuyển lên miền bắc. Lo sợ rằng quân đội của mình ở Bình Nhưỡng sẽ thiếu lương thực và ốm yếu nếu tình hình đó vẫn diễn ra, Hideyoshi tìm một con đường trên biển.


Cuối mùa hè, quân Nhật đã thua hai trận hải chiến nhỏ dưới tay một sĩ quan hải quân cho tới lúc đó vẫn còn vô danh - Yi Sun-shin. Hideyoshi biết rằng ông phải đánh bại Yi Sun-shin và giành quyền kiểm soát Hoàng Hải nhanh chóng. Tình hình của quân Nhật ở Bình Nhưỡng lúc này ngày càng nghiêm trọng, trong khi hàng vạn lính nhà Minh đang sẵn sàng vượt sông Áp Lục. Vì thế Hideyoshi phải tập hợp một hạm đội lớn.


Sau thất bại tủi hổ tại cảng Angol, Hideyoshi đã ra lệnh cho các chỉ huy tập trung tàu chiến trên Hoàng Hải. Tổng cộng, một hạm đội gồm 73 tàu chiến đã khởi hành từ cảng Busan ngày 14/8, đi tới phía đông đến cảng Yeosu, đồn chỉ huy của Yi Sun-shin. Đoàn tàu đương nhiên bị phát hiện và các chiến binh du kích theo dõi từ trên núi nhanh chóng báo lại Yi Sun-shin rằng quân Nhật đang tiến gần. Tập hợp được 50 tàu chiến Panokseon và một vài tàu Con rùa Gobukseon ở tỉnh Jeolla, Yi Sun-shin hướng về phía tây rồi nhanh chóng đặt chân đến con kênh nhỏ giữa đảo Geoje và bán đảo Triều Tiên. Yi Sun-shin biết rằng con kênh hẹp này có rất nhiều đá và không phải là nơi để giao chiến. Sẽ rất khó để ông đưa tất cả tàu của mình vào vị trí để chiến đấu cùng lúc, và như thế tạo điều kiện cho những chiếc tàu Nhật nhanh hơn tiếp cận và tràn lên hạm đội của ông. Nhưng nếu ông có thể dụ quân Nhật ra khỏi con kênh và ra biển khơi, hạm đội của ông có thể bao vây chúng.


Yi Sun-shin dùng đội hình cánh sếu để đánh bại quân Nhật.


Với chiến thuật thiên tài, Yi Sun-shin đã triển khai các tàu Panokseon bị áp đảo của mình thành đội hình cánh sếu, tức là các tàu xếp thành vòng cung với hai cánh ở hai bên. Yi Sun-shin hy vọng nhà chỉ huy Nhật Bản nóng tính sẽ bị lừa đưa tàu của mình vào giữa hạm đội của ông, nơi họ sẽ bị bao vây bởi các cánh ở cả hai bên và bị tấn công dồn dập. Sáu thuyền trưởng giỏi nhất của Yi Sun-shin đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ làm mồi nhử. Họ được phái đi trước để phát hiện hạm đội Nhật Bản và giả vờ trốn chạy một cách hoảng loạn. Đó là một chiến thuật đầy mạo hiểm vì các tàu chiến Atakebune Nhật có thể chạy nhanh hơn tàu Panokseon.


Khi trận chiến bắt đầu, 6 tàu Triều Tiên tiếp cận hạm đội Nhật Bản và đến gần tới mức chúng gần như đã chạm vào chiếc Atakebune dẫn đầu, trước khi quay đầu bỏ chạy. May mắn cho người Triều Tiên, chỉ huy Nhật đang ở rất xa tuyến đầu, và phải mất một lúc ông ta mới ra lệnh đuổi theo quân Triều Tiên. Diễn biến này cho phép các tàu Panokseon chạy trước. Người Nhật tràn theo, ra khỏi con kênh đào nhỏ hẹp và tiến vào biển khơi quanh đảo Hansan. Khi những người Nhật tự tin quá mức đuổi theo, họ không nhận thấy là ở mỗi bên, ở khoảng cách xa, là một nhóm tàu Triều Tiên. Họ không nhận ra rằng nếu tiếp tục tiến về phía trước, họ sẽ sớm bị bao vây.


Theo lệnh của Yi Sun-shin, các tàu Panokseon bắn các mũi tên bọc sắt dài ba mét khiến các tàu dẫn đầu của Nhật thiệt hại nặng. Tận dụng đáy tàu phẳng của mình, các thủy thủ được đào tạo kỹ lưỡng của Triều Tiên nhanh chóng xoay tàu sang bên còn lại, bắn loạt tên thứ hai. Bất ngờ, các tàu Con rùa cũng bắn tên từ khắp các phía, nhấn chìm nhiều tàu địch. Các thủy thủ tàu Panokseon của Yi Sun-shin duy trì đợt bắn yểm trợ, bắn tên, xoay tàu rồi lại bắn, tiêu diệt tất cả các tàu Atakebune trước khi chúng có thể tới đủ gần để quân Nhật có thể tràn lên tàu Triều Tiên. Vào cuối ngày, hạm đội của Yi Sun-shin đã nhấm chìm 59 tàu chiến của Nhật và đánh tan phần còn lại. Không thể tới bờ, đa số quân Nhật chết đuối ngoài biển quanh đảo Hansan.

 

Trần Anh


Đón đọc kỳ tới: Busan

Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên-Kỳ cuối:
Yi Sun-shin - Vị đô đốc vĩ đại của Triều Tiên-Kỳ cuối:

Chính “phép màu Myeongnyang” đã đưa Yi Sun-shin lên hàng ngũ của những đô đốc nổi tiếng như Horatio Nelson, Togo hay Chester Nimitz.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN