Giải 'cơn khát' nhà ở cho công nhân Thủ đô - Bài cuối: Bài toán trách nhiệm và lợi ích

Chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Khu NƠXH Mê Linh - Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư đã được đưa vào sử dụng từ năm 2021. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh/TTXVN

Nhưng bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, việc xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia là yêu cầu tất yếu để đẩy nhanh tiến độ, tăng nguồn cung và sớm đưa các dự án phát triển nhà ở xã hội về đích như mong đợi. Thực tế từ đại dịch COVID - 19 đã chỉ rõ, việc công nhân được an cư trong những khu nhà ở đã giúp duy trì ổn định hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Thế nhưng, để là "bà đỡ" về chỗ ở cho công nhân thì không phải doanh nghiệp nào cũng "mặn mà".

Vắng bóng nhà đầu tư

Mặc dù nhu cầu rất lớn nhưng trên cả nước việc đầu tư nhà ở xã hội còn rất hạn chế so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Ngay như Hà Nội, đến hết quý I/2024 mới triển khai được 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% kế hoạch.

Các chuyên gia cho rằng, việc xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang gặp những vướng mắc và trở ngại, đặc biệt về cơ chế chính sách còn một số nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hàng loạt khó khăn được liệt kê như: ngân sách chưa bố trí được nguồn vốn vay ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; lãi suất vay xây nhà xã hội còn cao; tiếp cận quỹ đất khó; chính sách đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế nên không khuyến khích được chủ đầu tư.

Doanh nghiệp và người dân ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra các gói tín dụng, đặc biệt là gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai nhưng trên thực tế mức lãi suất vẫn còn cao so với khả năng sinh lời của loại hình nhà ở này bởi những ràng buộc về giá bán, lợi nhuận, định mức của nhà đầu tư và cả đối tượng được mua.

Đây chính là một trong những "rào cản" dẫn đến kết quả giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của Chính phủ đang rất chậm. Tại Phiên thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây (ngày 13/5), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay mới có 30/63 UBND tỉnh, thành gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với 71 dự án. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó, 12 dự án có nhu cầu giải ngân với số tiền là 956 tỷ đồng (gồm 947 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 8 dự án; 9 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án).

Một doanh nghiệp xây dựng nhà ở tại Hà Nội thông tin, hiện không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nhà ở xã hội do giới hạn về lợi nhuận và đối tượng khách hàng hay việc phải trình phê duyệt giá, danh sách khách hàng… Đầu tư nhà ở cho công nhân đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm. Thêm vào đó, quy định "lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án nhà ở xã hội không vượt quá 10% tổng kinh phí đầu tư" nên không có sức hút với doanh nghiệp.

Nhiều dự án không chỉ vướng mắc trong xác định giá bán khiến doanh nghiệp khó quyết toán,. Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội còn bất cập nữa là doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho thuê được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng luật thuế lại không có quy định này.

Với những rắc rối như vậy, doanh nghiệp sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo - doanh nghiệp phản ánh. Đó là chưa kể đến "cơn bão" tăng giá vật liệu xây dựng thời gian qua đã khiến một số doanh nghiệp không chủ động được nguồn vật liệu, chi phí từ đó bị "đội" lên rất cao. Nhiều dự án bị đình trệ, chậm tiến độ và một số dự án phải tạm dừng…

Đi thăm và chứng kiến cảnh sinh hoạt không đảm bảo an ninh trật tự, điều kiện sống của nhiều công nhân tại các khu nhà trọ, nhất là trong đợt đại dịch COVID-19, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội mong muốn thành phố tiếp tục có những khu chung cư, khu nhà ở dành cho công nhân ở một cách đàng hoàng, tiện nghi hơn.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội; trong đó, tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư và tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây nhà ở cho công nhân. Đồng thời, cần có chính sách và gói hỗ trợ tín dụng thúc đẩy xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân thuê, mua.

Cũng từ phân tích nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân (cả thuê và mua), bà Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với vai trò, trách nhiệm chăm lo cho công nhân cần kiến nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, đồng hành với công nhân lao động để họ có chỗ ở ổn định, yên tâm làm việc. Các cơ quan chuyên môn cần phải phân rõ trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân người lao động. Tất cả chính sách cho người lao động vay vốn ưu đãi để mua nhà phải cụ thể, minh bạch.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, công nhân là lực lượng tạo ra sản phẩm cho xã hội nên phải tạo môi trường làm việc cũng như nơi ở đảm bảo điều kiện cuộc sống cho công nhân. Giá nhà ở xã hội dù đã khá thấp nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của hầu hết công nhân có nhu cầu mua nhà. Chưa kể một số khu nhà công nhân thiết kế, công năng, cách thức quản lý chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thói quen, lối sống của người lao động…

Nỗ lực, quyết tâm, dồn nguồn lực

Xác định nhu cầu về nhà ở cho công nhân là chính đáng và cấp bách, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có 100% các khu công nghiệp được quy hoạch và xây dựng nhà ở công nhân cùng thiết chế văn hóa cho người lao động. Trước mắt, đến năm 2025, Hà Nội xây ít nhất 1 - 2 khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp đang hoạt động. Thành phố giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành rà soát nhu cầu nhà ở công nhân; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất cho nhà ở công nhân và công trình thiết chế văn hóa phục vụ người lao động.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu về nhà ở xã hội đến 2030,  Hà Nội dự kiến cần khoảng 6,8 triệu m2 sàn, tương đương 113.000 căn hộ. Thành phố sẽ triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô khoảng 280 ha, dự kiến cung cấp khoảng 2,3 triệu m2 sàn, khoảng 38.000 căn hộ. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm phát triển khu nhà ở xã hội độc lập; đồng thời, rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20% và 25% tại dự án nhà thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội…

Để đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, thời gian tới, các cấp chính quyền cùng tập trung triển khai chương trình phát triển nhà ở cho công nhân; sớm tháo gỡ những khó khăn về chính sách, quỹ đất, nguồn vốn, huy động nhiều nguồn lực… để công nhân các khu công nghiệp được tiếp cận, cải thiện điều kiện sống.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi Nhà nước và doanh nghiệp nhất quán mới có thể giải quyết được những điểm "nghẽn" trong phát triển nhà ở công nhân. Mặc dù không nên đề cao lợi nhuận, nhưng cần phải ưu tiên những giá trị cốt lõi phục vụ cho xã hội, chính là xây dựng nhà ở để công nhân an tâm lao động, sản xuất.

Tại cuộc đối thoại với công nhân lao động nhân Tháng Công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

"Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng. Thành phố sẽ làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Cùng với quyết tâm, nỗ lực của Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, sửa các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà, tiếp cận vốn vay gói tín dụng nhà ở xã hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua; đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.

Phát triển nhà ở cho công nhân là câu chuyện an sinh xã hội, là sức khỏe người lao động, ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Do đó, Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành lớn cần huy động mọi nguồn lực chứ không chỉ riêng tổ chức Công đoàn hay địa phương hay chủ doanh nghiệp. Cho đến khi nào, bài toán trách nhiệm và lợi ích cùng tìm được tiếng nói chung, khi những rào cản được gỡ bỏ thì mong mỏi an cư của người lao động mới trở thành sự thật.

Linh Khánh (TTXVN)
Giải 'cơn khát' nhà ở cho công nhân Thủ đô: Bài 1: Nhà ở xã hội vắng bóng, nhà trọ lên ngôi
Giải 'cơn khát' nhà ở cho công nhân Thủ đô: Bài 1: Nhà ở xã hội vắng bóng, nhà trọ lên ngôi

"An cư mới lạc nghiệp" - là quan niệm mà đại đa số người dân, đặc biệt là lớp trẻ luôn hướng tới. Tuy nhiên, câu chuyện về nhà ở ngày càng trở nên xa vời với lao động nghèo, thu nhập thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN