Hiểm họa từ chiếc cầu dây "tự chế" ở huyện Đức Cơ - Gia Lai

Những năm gần đây, tại xã Ia Dom thuộc huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) người dân địa phương đã "tự chế" một chiếc cầu dây bắc qua suối Đôi để sử dụng vào thời điểm mưa lũ, nước dâng cao và chảy xiết.


Người dân qua suối bằng cầu dây. Ảnh: Hoài Nam -TTXVN


Chiếc cầu dây do dân tự làm nên không có gì đảm bảo về mặt an toàn, mối hiểm họa luôn rình rập người dân khi qua lại trên cầu. Để làm cầu dây, người dân tận dụng hai cây gỗ đại thụ ở hai bên bờ suối có khoảng cách chừng hơn 20 mét và dùng một dây cáp treo bắt qua hai thân cây. Phía trên dây cáp là một trục lăn nhỏ nối liền với một khung sắt phía dưới đủ chỗ cho hai người ngồi và dùng dây kéo ở hai đầu để qua lại. Khi di chuyển bằng trục lăn trên dây cáp qua suối, người ngồi trên khung sắt bị tròng trành, đung đưa, nếu không chắc tay rất dễ rơi xuống nước.

Anh Trần Quốc An - một người dân thường đi lại trên chiếc cầu dây này cho biết: Hàng ngày, có 15 hộ ở các nơi khác đến dựng lán trại tạm tại bên kia suối Đôi để làm công (thu hoạch điều và phòng chống cháy rừng) cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ và một số ít người dân tại chỗ là đồng bào dân tộc thiểu số sang làm nương rẫy đi qua cây cầu này.

Trước khi có cầu dây, người dân qua con suối Đôi bằng chiếc cầu làm bằng gỗ thuộc dạng bán kiên cố được làm cách đây hơn chục năm. Cầu có bề ngang khoảng 2m (chỉ dùng cho xe máy và người đi bộ) và dài hơn 50m. Vị trí của chiếc cầu gỗ nằm cách xa chiếc cầu dây chừng 1,2 km về phía thượng nguồn của con suối. Đây là chiếc cầu dân sinh phục vụ hơn 600 hộ dân ở 4 làng Mooc Đen 1, Mooc Đen 2, làng Trang và làng Trê của xã Ia Dom qua lại để làm nương rẫy phía bên kia suối. Mùa khô, nước bị cạn, bà con đi bộ và vận chuyển hàng nông sản qua suối, còn vào mùa mưa, nước lớn nên người dân đi lại trên chiếc cầu gỗ này.

Theo ông Ngô Hữu Thiện - Chủ tịch UBND xã Ia Dom, xuất phát từ tình hình thực tế là có nhiều hộ dân ở một số làng dân tộc có quỹ đất canh tác nương rẫy xâm canh phía bên kia suối Đôi qua nhiều thế hệ với tổng diện tích hơn 800ha, nên việc làm chiếc cầu gỗ tại khu vực trung tâm để người dân qua lại là đúng với chủ trương và phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân. Còn chiếc cầu dây mới làm là tự phát, do người dân không muốn đi con đường chính để qua cầu gỗ bởi xa khu sản xuất và chỗ ở; hơn nữa, đường đi ở hai bên đầu cầu gỗ vẫn còn nhiều đoạn dốc và khó đi, nhất là vào mùa mưa.Tuy nhiên, việc đi lại trên chiếc cầu dây trong mùa mưa lũ là rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ khẳng định, không thể tiếp tục để bà con đi lại qua suối Đôi bằng chiếc cầu dây, nhất là vào thời điểm hiện nay đang là mùa mưa lũ, nước dâng cao và chảy xiết. Hiện, huyện đang chỉ đạo chính quyền xã Ia Dom phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con, trước mắt tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ gia đình làm lán trại tạm ở bên kia suối Đôi trở về nơi ở cũ để sinh sống và dần xóa bỏ chiếc cầu dây này. Đồng thời, đề nghị với tỉnh và các ngành chức năng có kế hoạch đầu tư vốn xây dựng một chiếc cầu vĩnh cửu bắc qua suối Đôi, nhằm đáp ứng lâu dài về nhu cầu mưu sinh của người dân trên địa bàn.

Văn Thông (TTXVN)
Sạt lở nghiêm trọng cầu vượt Thủ Đức
Sạt lở nghiêm trọng cầu vượt Thủ Đức

Đến trưa ngày 15/9/2015, lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa 1 nhánh cầu vượt Thủ Đức, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh để tiến hành khắc phục sự cố sạt lở nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN