Không sốt giá thực phẩm sau Tết

Ngày 16/2, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, mọi năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán , giá lợn hơi thường tăng cao hơn ngày thường từ 8 - 10.000 đ/kg, nhưng năm nay giá không tăng và đầu ra tương đối khó khăn kể cả những ngày sau Tết. Tại các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc là thủ phủ chăn nuôi lợn, một số chủ trang trại nuôi lợn cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, giá lợn hơi các trại bán ra chỉ khoảng 40.000 đ/kg.

Hàng Tết tại siêu thị CoopMart Hà Nội. Ảnh: TTXVN


Theo các thương lái ở Đồng Nai chuyên cung cấp lợn thịt về các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, thì trước, trong và sau Tết, giá thịt lợn tại các chợ đầu mối chỉ tương đương ngày thường và lượng tiêu thụ được chỉ bằng 2/3 mọi năm. Ông Bùi Văn Lợi, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, mọi năm vào khoảng mùng 4 Tết, thương lái từ ngoài Bắc thường vào mua lợn tại Đồng Nai khá nhiều, song năm nay đã đến mùng 6 Tết vẫn chưa thấy thương lái ngoài Bắc vào mua lợn nên đầu ra khá ế hàng.

Tuy giá lợn hơi bán tại các trại không tăng, nhưng thịt lợn bán ở các chợ thuộc TP. Biên Hòa dao động ở mức 85-95.000 đ/kg, cao hơn ngày thường 10-15.000 đ/kg.

Riêng các mặt hàng thủy sản ở các chợ giá tăng mạnh. Hiện các tiểu thương kinh doanh tại chợ chỉ bày bán các loại tôm, cá nuôi là chủ yếu nhưng vẫn không có hàng để bán. Còn mực, cá biển thì có một số ít hàng đông lạnh trữ lại từ trước Tết, vì vậy, giá những mặt hàng này đã tăng rất cao so với ngày thường. Cụ thể, cá điêu hồng tăng từ 45.000 lên 60.000đ/kg, cá lóc nuôi tăng từ 55.000 lên 75.000đ/kg, tôm tăng từ 150.000 lên 190.000đ/kg, cá chẽm tăng từ 90.000 lên 120.000đ/kg. Riêng cá lóc ruộng tăng từ 80.000 lên 110.000đ/kg mà vẫn không có hàng để bán.

Đặc biệt, tăng giá nhiều nhất trong số các mặt hàng tươi sống trong ngày mùng 4 Tết đến nay là thịt bò bắp, từ 200.000đ/ kg ngày thường nay tăng lên đến 350.000đ/kg.

Về mặt hàng rau xanh, giá vẫn ổn định không tăng so với Tết năm ngoái. Theo các hộ kinh doanh rau xanh, nhờ vụ đông xuân năm nay diện tích trồng rau ở các xã, thị trấn ở huyện, thành phố đã tăng mạnh, nên nguồn rau vẫn đủ cung cấp cho các chợ. Ngoại trừ rau sống (rau tổng hợp) đã tăng từ 15.000 lên 25.000 đ/kg, còn lại các loại rau cải khác vẫn giữ mức giá như trong Tết nhưng tăng nhẹ so với ngày thường. Cụ thể, cải xà lách tăng từ 8.000đ/kg lên 10.000đ/kg, bắp cải từ 7.000đ lên 9.000đ/kg, cà chua từ 12.000đ lên 15.000đ/kg.

Tại Thừa Thiên - Huế, lượng hàng hoá tiêu thụ trong dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với bình thường, nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn tương đối bình ổn. Tại các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, sau Tết, những mặt hàng bán chạy nhất là thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây chỉ tăng nhẹ từ 10-15%. So với những năm trước, ra Tết năm nay, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã hạ xuống gần bằng mức bình thường, thậm chí nhiều mặt hàng còn rẻ hơn. Thời tiết năm nay ở Huế tương đối tốt, mưa thuận, gió hoà nên những mặt hàng như rau, củ quả, hoa, trái cây giá còn thấp hơn so với ngày thường.

Lý giải điều này, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Võ Phi Hùng cho biết: Năm nay, nhiều đơn vị doanh nghiệp tăng số lượng hàng hóa, tăng thời gian phục vụ người tiêu dùng. Trong mấy ngày Tết vừa qua, hàng bình ổn giá được các doanh nghiệp đưa về phục vụ người dân ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh. Mỗi xã vùng nông thôn, miền núi đều có từ 1 đến 2 điểm bán với hàng trăm mặt hàng, giá thấp hơn thị trường từ 5 đến 10%. Nhờ vậy, hiện nay, tại Thừa Thiên - Huế giá thịt lợn chỉ từ 80.000 - 90.000 đ/kg, thịt bò 250.000 đ/kg. Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người tiêu dùng, các siêu thị, chợ không kinh doanh các loại thực phẩm kém chất lượng và hàng quá hạn sử dụng. Đặc biệt, tiểu thương ở các chợ lớn trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với tất cả các mặt hàng; giữ gìn môi trường và cảnh quan trong các chợ, siêu thị; sắp xếp các lô hàng trong từng khu chợ đảm bảo ngăn nắp, thông thoáng thuận tiện cho hoạt động mua bán...

Trước và sau Tết, tổng lượng hàng hoá dự trữ và bán ra khoảng 810 tỷ đồng, nhờ cung đủ cầu nên hàng hoá không có biến động hoặc tăng đột biến như các năm. Ở các siêu thị Thuận Thành, Big C, CoopMart và các chợ lớn Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc..., sức mua tăng gấp 2-3 lần ngày thường, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch dự trữ hàng hóa nên lượng hàng hóa Tết năm nay giá cả vừa ổn định lại rất phong phú, dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. HTX Thương mại - Dịch vụ Thuận Thành tổ chức gần 3.000 đại lý bán lẻ, tăng cường bán hàng tại các khu công nghiệp, bán theo đơn đặt hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng. Cơ sở chế biến hạt dưa Tân Ký năm nay cũng dự trữ và bán ra 150 tấn hạt dưa, không có tình trạng khan hiếm hàng và sốt giá như các năm trước.

Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh vào dịp Tết, nhiều nông hộ ở xã Quảng Thành mạnh dạn đầu tư trồng rau chất lượng cao, rau sạch để bán tự do cho thương lái, vừa phục vụ theo đặt hàng lên đến hàng chục tấn của siêu thị Big C, Thuận Thành, chợ Đông Ba và tổ chức thêm các quầy bán hàng lưu động tại khu vực chợ Tây Lộc. Các loại rau, như ngò thơm, xà lách, tần ô, cải bắp… được tiêu thụ mạnh, người trồng rau phấn khởi.


Lê Hiền, Quốc Việt
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN