Phụ huynh lo lắng khi Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè không nhận trẻ trên 15 tuổi

Hiện nay, nhiều phụ huynh có con bị khuyết tật bẩm sinh đang gửi tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lo lắng, không biết gửi con ở đâu khi nơi đây có thông báo không nhận trẻ trên 15 tuổi từ ngày 31/8. 

Chú thích ảnh
Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè có thông báo không nhận trẻ khuyết tật từ 15 tuổi trở lên. 

Nghỉ việc để chăm con

Vừa qua, một số phụ huynh có con học tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè gửi đơn kiến nghị cho một số cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ giải quyết chỗ học cho con ngay khi chuẩn bị bước vào năm học mới. Cụ thể, nhóm phụ huynh này cho biết vào ngày 9/7/2023 đã nhận được thông báo và kế hoạch về tuyển sinh cho năm học 2023 - 2024 của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. Đáng chú ý, từ sau ngày 31/8 (bắt đầu năm học mới), trung tâm chỉ nhận các trẻ không quá 15 tuổi.

Theo các phụ huynh, những năm qua các trẻ khuyết tật trên 15 tuổi vẫn được học bán trú tại trung tâm. Nay việc thay đổi bất ngờ khiến họ khó xoay xở tìm chỗ cho con em trước năm học mới. Ngoài ra, thời điểm hiện tại khá khó khăn để tìm chỗ học tập cho người khuyết tật và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Vào ngày 18/8, các phụ huynh đã có cuộc họp với Ban giám đốc của trung tâm để xin phép gia hạn để các con em được đến trường trong năm học 2023-2024, tuy nhiên trung tâm vẫn chưa đồng ý.

Chú thích ảnh
Các em khuyết tật tại Trung tâm  Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè được ban giám đốc, các cô giáo... chăm lo khá tốt và nhiệt tình. 

Bà N. bày tỏ: “Chúng tôi rất hoang mang, lo lắng. Con chúng tôi đã học và gắn bó với mái trường này hơn 10 năm qua. Tôi nghĩ, với thông báo này, ngay cả giáo viên cũng bất ngờ bởi trước đó, cô giáo và phụ huynh vẫn còn vui vẻ chuẩn bị các chương trình cho năm học mới”.

Theo bà N., không ít trẻ đang học tại cơ sở bán trú có hoàn cảnh rất đáng thương như: bị hội chứng Down và mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại nghèo khó, hay sống một mình với mẹ... vì vậy với thông báo đột ngột và thời gian quá ngắn khiến nhiều phụ huynh trở tay không kịp. 

Bà N. buồn bã cho biết: “Ở cơ sở này, các cháu được sinh hoạt, vui chơi, tập thể dục cùng nhau… khá vui vẻ. Mỗi khi đón các cháu ở trường ra, cháu nào cũng vui và không muốn ra về và nhắc đến đi học là đều thích thú. Còn hiện nay, mỗi gia đình phải tự chăm sóc con ở nhà, các con mất đi không gian vui chơi và bạn bè. Nhiều người không có tiền cho con học trường tư thì đành nhốt con một mình trong nhà, chứ nếu để con ra đường, nó đi luôn hoặc bị bắt nạt thì sẽ rất tội nghiệp vì đa số các bé đều không biết nhận thức. Có phụ huynh còn nhắn tin cho tôi là đang phải nghỉ làm ở nhà giữ con, do không biết gửi con ở đâu và không ai dám nhận chăm con. Đối với tôi, tôi cũng phải ở nhà trông con nhưng về lâu dài, tôi cũng không thể cứ nhốt con mãi trong nhà”.

Tương tự, anh Th., có con 17 tuổi chậm phát triển đang theo học ở đây cũng lo lắng cho rằng, hai tuần nay anh “tìm không ra” trường công chuyên dạy cho trẻ khuyết tật ở địa phương. Bởi mô hình trường công dạy trẻ khuyết tật bán trú chỉ duy nhất mình Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè. “Nếu gửi con vào trường chuyên biệt của tư nhân thì phải đóng 7 - 8 triệu đồng/tháng, gia đình không có khả năng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang lo các trẻ lớn tuổi rất khó xin vào những trường khác. Để có thể chăm con, vợ tôi bây giờ phải xin nghỉ làm”.

“Tôi chỉ mong trung tâm có lộ trình dài hơi hoặc mở một cơ sở bán trú xã hội hóa để phụ huynh chung tay chứ cứ thông báo đột ngột không nhận trẻ theo đúng quy định nhà nước thì rất khó cho phụ huynh. Theo thông báo của trung tâm, tháng 6 trình văn bản lên sở, tháng 7 ra quyết định tuyển sinh và có nội dung sẽ không nhận các bé khuyết tật trên 15 tuổi từ 31/8. Với lộ trình quá nhanh như trên, chính trung tâm đang khiến các phụ huynh không xoay sở kịp khi tìm chỗ học cho con. Bởi không phải phụ huynh nào cũng khá giả, có nhiều thời gian chăm sóc con cái, thực tế đa số phụ huynh gửi con tại trung tâm đều đang rất khó khăn phải buôn trải kiếm ăn hàng hàng ngày nuôi con, một số phụ huynh khác thì không có trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cũng khó khi các con nghỉ học thì họ phải nghỉ việc ở nhà chăm con, như việc kéo theo thu nhập gia đình giảm xuống...", anh Th. chia sẻ.

"Vì vậy, chúng tôi chỉ mong trung tâm có thể kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho kéo dài thời gian nhận các trẻ trên 15 tuổi thêm 1 năm để các phụ huynh có thể chuẩn bị tâm lý và sắp xếp công việc ổn thoả khi đưa các con hòa nhập cộng đồng. Về lâu dài, trung tâm có thể kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho nhân rộng mô hình chăm sóc trẻ khuyết tật theo mô hình bán trú. Bởi hiện nay, tại thành phố không có cơ sở nào chăm sóc trẻ em khuyết tật theo mô hình này và nhu cầu chăm sóc trẻ khuyết tật bán trú của phụ huynh thành phố cũng rất cao”, anh Th. kiến nghị.

Cần có thời gian, lộ trình cho trẻ

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Lý Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cho biết, chức năng nhiệm vụ được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho trung tâm là tiếp nhận, quản lý, giáo dục và nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có độ tuổi từ sơ sinh đến 15 tuổi trên địa bàn thành phố; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng này để phát triển tốt về thể chất và tinh thần đủ điều kiện tái hòa nhập cộng đồng xã hội. Mặt khác, ngay trong tên gọi của trung tâm là Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè cũng có thể thấy, đối tượng phục vụ là trẻ em.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh cần nhân rộng mồ hình chăm sóc trẻ khuyết tật trên 15 tuổi theo mô hình bán trú. 

Theo bà Ngọc Thu, tháng 5/2023, khi được phân công về ban giám đốc của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, qua rà soát, bà nhận thấy có nhiều trường hợp đang học bán trú tại trung tâm không đúng đối tượng trên. Cụ thể, số trường hợp vượt tuổi là khoảng 40 người, trong đó lớn tuổi nhất đến 36 tuổi, lớn hơn cả một số giáo viên. Trung tâm đã có báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, sau đó ban hành quy chế cho năm học 2023 - 2024 vào cuối tháng 6/2023 và thông báo quy trình tiếp nhận cho phụ huynh vào đầu tháng 7/2023. Theo đó, trung tâm sẽ làm đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định.

Ngoài ra, trong trường hợp được UBND TP Hồ Chí Minh mở rộng chức năng nhiệm vụ, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè mới có thể nhận thêm người khuyết tật trên 15 tuổi. Vì vậy, những phụ huynh có con quá độ tuổi được ban giám đốc trung tâm giải thích và vận động có thể đi tìm một số đơn vị hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn có tiếp nhận các em bán trú. Qua thống kê, hiện Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 320 trẻ em, phần lớn là trẻ khuyết tật và có bệnh nền. Mặt khác, trung tâm còn thực hiện công tác giáo dục chuyên biệt và trị liệu cho 73 em khuyết tật cộng đồng.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hòa, chăm lo cho trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng luôn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành TP Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em cho trẻ em khuyết tật, với hoạt động trọng tâm là chăm sóc trẻ khuyết tật trong các cơ sở bảo trợ, trung tâm chuyên biệt. Ở các trung tâm này, các em đươc phát triển trong môi trường đồng trang lứa, nhiều em ở nhà nhút nhát những khi được chăm sóc tốt thì các em lại cở mở hơn, vui vẻ hơn.

"Đối với những trẻ khuyết tật, tâm lý của các em không thể phát triển bằng các trẻ em bình thường. Vì vậy, không thể áp dụng hay so sánh độ tuổi của các bé 15 tuổi khuyết tật giống như tâm lý của các bé 15 tuổi bình thường. Các bé khuyết tật với hội chứng down dù lớn tuổi nhưng tâm lý của em chỉ như những bạn nhỏ từ 3 - 4 tuổi. Vì vậy, nếu muốn các trẻ em khuyết tật trên 15 tuổi hòa nhập được cộng đồng cần phải có một quá trình lâu dài để chuẩn bị. Trong đó, các phụ huynh, xã hội, thầy cô cần thời gian chuẩn bị tâm lý lẫn thể chất cho các em có sẵn sàng khi tái hòa nhập cộng đồng", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hòa nói. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Cảnh báo về tình trạng trẻ em béo phì tại châu Âu
Cảnh báo về tình trạng trẻ em béo phì tại châu Âu

Theo Bản đồ béo phì thế giới do Liên đoàn Bệnh béo phì thế giới (WOF) công bố tháng 5/2023, thừa cân và béo phì gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong mỗi năm tại khu vực châu Âu theo cách phân chia Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bao gồm 53 quốc gia ở châu Âu và khu vực Trung Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN