Vỡ bờ bao, hơn 16 ha lúa và hoa màu ở Đồng Tháp bị ngập sâu

Đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch, mực nước dưới sông dâng cao cộng với đoạn bờ bao tại khu vực ấp An Phú, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đấu nối vào chân cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ quá “mỏng manh” nên đã bị vỡ, khiến hơn 16 ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước nhiều ngày qua, nguy cơ cao thiệt hại về kinh tế.

Chú thích ảnh
Đoạn bờ bao bị vỡ ngay khu vực đấu nối vào chân cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đoạn bờ bao bị vỡ dài khoảng 4 m và đoạn bị tràn nước khoảng hơn 50 m. Đến sáng ngày 13/4, 15 ha lúa và 1,5 ha hoa màu đã bị ngập nước 3 ngày 3 đêm. Thời điểm nước lớn, tràn vào, ngập trắng cả cánh đồng lúa hơn 20 ngày tuổi. Bà con nông dân rất lo lắng về sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa nếu chậm khắc phục.

Ông Lê Văn Nhàn ở An Khánh, huyện châu Thành đang “đứng ngồi không yên” vì hơn 4.000 m2 ruộng bị ngập nước nhiều ngày qua. Ông Nhàn cho rằng, việc bờ bao bị vỡ đã ảnh hưởng rất nhiều, gây thiệt hại trong sản xuất. Ông vừa bón phân cho lúa xong lại bị cuốn trôi hết do nước tràn vào, lá lúa bị dập và rễ dần chuyển sang màu đen.

Chú thích ảnh
Lúa hơn 20 ngày tuổi bị ngập sâu trong nước.

Còn anh Phạm Hoài Nhân ở xã An Khánh, huyện châu Thành cho biết, 5.000 m2 lúa của anh đang trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng bị ngập sâu trong nước nhiều ngày. Lúa bị suy giảm sức sống và khó phục hồi lại như bình thường. Tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu đoạn bờ bao không sớm được khắc phục.

Đa số diện tích lúa ở khu vực này là do nông dân thuê đất để canh tác với chi phí mỗi công (1.000 m2) là 20 giạ lúa/năm. 4 ha lúa mà ông Lưu Anh Thắng ở xã An Khánh, huyện châu Thành đang canh tác cũng là đất của người khác được ông thuê lại. Mỗi năm, ông Thắng phải trả cho chủ đất 800 giạ lúa (16 tấn). “Hiện tại, lúa bị ảnh hưởng vì bờ bao bị vỡ. Vụ mùa năm nay chưa biết thu được lợi nhuận bao nhiêu, trong khi tốn chi phí thuê đất, vật tư nông nghiệp nên tôi rất lo lắng” - ông Thắng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Lưu Anh Thắng ở xã An Khánh, huyện Châu Thành có 4 ha lúa bị ngập nước vì vỡ bờ bao.

Theo người dân địa phương, trong quá trình thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nhà thầu đã không xây dựng lại đoạn bờ bao đấu nối vào chân cao tốc một cách chắc chắn như hiện trạng ban đầu. Đoạn bờ bao nhỏ hẹp này bị vỡ vào sáng ngày 10/4, người dân địa phương cùng nhau gia cố tạm và thông tin với Ban nhân dân ấp An Phú để báo cấp trên yêu cầu đơn vị chức năng xử lý. Tuy nhiên, việc khắc phục của cơ quan chức năng chậm trễ nên đoạn bị vỡ ngày càng rộng hơn.

Theo lãnh đạo UBND xã An Khánh, huyện Châu Thành, ngay sau khi nhận được thông tin vỡ bờ bao, UBND xã đã báo với đại diện đơn vị chủ quản của tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đơn vị có hứa khắc phục vào chiều ngày 11/4 nhưng đến trưa ngày 12/4, đoạn bờ bao bị vỡ vẫn chưa được gia cố lại, nước vẫn tràn vào, ngập cả cánh đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Trần Văn Hòa cho biết, chính quyền địa phương đề nghị nhà thầu, đặc biệt là đơn vị quản lý của cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phối hợp đơn vị thi công sớm khắc phục đoạn bờ bao bị vỡ này. Nếu diện tích lúa, hoa màu của người dân có hư hại thì đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ cho bà con về diện tích bị thiệt hại. Địa phương mong muốn chủ đầu tư và nhà thầu quan tâm xây dựng lại các đoạn bờ bao đấu nối vào chân cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vững chắc như hiện trạng trước đây.

Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án dài gần 23 km, trong đó, đoạn qua địa bàn 2 xã An Khánh, An Phú Thuận (huyện Châu Thành) hơn 10 km. Dự án đã khánh thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, làm ảnh hưởng đến hệ thống cầu, đường, kênh thủy lợi, bờ bao… của huyện Châu Thành. Chính quyền địa phương, cũng như người dân rất mong chủ đầu tư, các nhà thầu quan tâm khắc phục, trả lại hiện trạng ban đầu để thuận lợi trong sản xuất, sinh hoạt.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Bảo vệ vựa lúa Than Uyên trước khô hạn
Bảo vệ vựa lúa Than Uyên trước khô hạn

Những ngày qua, nông dân trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu lo lắng vì phải đối mặt với khô hạn kéo dài, lúa bị thiếu nước trầm trọng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với nhân dân triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản lượng lương thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN