Bảo tồn, phát huy di chỉ gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu rất nổi tiếng, di chỉ khảo cổ gốm Chu Đậu cũng đã được công nhận là Di tích quốc gia, nhưng những hiểu biết về gốm Chu Đậu hay lịch sử làng gốm Chu Đậu vẫn còn nhiều khoảng trống, cần tiếp tục nghiên cứu, đầu tư sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di chỉ này cũng cần được quan tâm.

Các sản phẩm gốm, bao nung tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ khảo cổ Chu Đậu lần này.


Lần đầu tiên, những thông tin về làng gốm cổ Chu Đậu (một làng nhỏ nằm ven đê bên tả ngạn sông Thái Bình, thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) được L.R. Hobson phát hiện qua dòng minh văn ghi trên vai bình gốm hoa lam đẹp, trưng bày tại Bảo tàng Tokapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), vào những năm 1933-1934. Nhưng phải đến 50 năm sau (năm 1984), quê hương của bình gốm nổi tiếng này mới được khám phá một cách tình cờ, trong một chuyến điều tra về nghề dệt chiếu ở thôn Chu Đậu của Bảo tàng Hải Hưng khi đó (nay là Bảo tàng Hải Dương). Cũng từ đó, địa điểm gốm Chu Đậu chính thức được điền vào bản đồ khảo cổ học và mở ra một chương mới trong lịch sử nghiên cứu gốm cổ thời Lê ở Bắc Việt Nam.

Ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho biết, di chỉ gốm Chu Đậu được Bảo tàng Hải Dương chính thức khai quật vào năm 1986, 1987, 1989, 1990, 1991. Qua 5 lần khai quật, đã đào ở đây 140,5m2, thu được một số lượng rất lớn di vật, bao gồm đồ gốm men và các loại công cụ sản xuất. Từ những kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học đã nhận định, Chu Đậu là một trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp xuất hiện vào cuối thế kỷ 14, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15-16 và tàn lụi vào cuối thế kỷ 17.
Đặc biệt, vào những năm cuối thế kỷ trước, hàng loạt con tàu đắm ở dưới lòng đại dương chở gốm Việt Nam thế kỷ 15 được phát hiện, như tàu đắm ở Hội An (Việt Nam), Pandanan (Philippines), Turian (Malaysia). Riêng con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Hội An, Việt Nam) đã phát hiện tới 240.000 món đồ gốm còn nguyên vẹn, trong đó có số lượng lớn là gốm Chu Đậu. Bằng chứng này cho thấy rõ, từ thế kỷ 15, sản phẩm của các lò gốm ở Chu Đậu đã từng được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nhận thức rõ tầm quan trọng và để bảo vệ di tích, năm 1992, Chu Đậu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích quốc gia. Đây cũng là di chỉ sản xuất gốm sứ ở Việt Nam đầu tiên được xếp hạng.

Mặc dù là di chỉ quan trọng, nhưng phần lớn các cuộc khai quật ở đây đều chưa làm rõ được vấn đề địa tầng, do đó vấn đề xác định niên đại các loại hình đồ gốm Chu Đậu còn có rất nhiều hạn chế. Mặt khác, các cuộc đào trước đây người ta chưa phát hiện nên chưa thể nghiên cứu các di tích lò gốm. Vì thế, diện mạo lò gốm Chu Đậu như thế nào, quy mô, cấu trúc và kỹ thuật sản xuất của các lò gốm đó ra sao vẫn là một khoảng trống lớn. Trong giới khoa học vẫn còn có những nghi ngờ về nhiều loại hình gốm Chu Đậu, như trong lô hàng gốm trên con tàu đắm Hội An khai quật năm 1997 - 2000, có nhiều loại hình gốm chưa từng tìm thấy tại di chỉ này.

Chính vì vậy, việc phát hiện được lò nung, khu vực xưởng sản xuất, thu được nhiều tư liệu hiện vật đồ gốm… đã giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu về gốm Chu Đậu, trong đó có việc xác định được mối quan hệ về loại hình, dòng men và kỹ thuật sản xuất gốm giữa Chu Đậu với lò gốm Thăng Long, đặc biệt là nghiên cứu, xác định được những loại hình sản phẩm gốm Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê Sơ.

PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, sau khi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, toàn bộ 2 hố khai quật sẽ được lấp để bảo tồn kỹ thuật, đến khi có điều kiện sẽ xây dựng bảo tàng ở đó. Cũng theo PGS.TS Bùi Minh Trí, việc đầu tư, nghiên cứu khai quật khảo cổ học ở Chu Đậu cần được tiếp tục, để có thể làm sáng rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Bên cạnh đó, cần có chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm cổ Chu Đậu, đồng thời tuyên truyền quảng bá sâu rộng và đúng hơn nữa, để trả lại giá trị đích thực cho gốm Chu Đậu.

Ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cho biết, sau cuộc khai quật này, Bảo tàng Hải Dương sẽ kiến nghị với các cấp chính quyền về việc bảo tồn, phát huy di chỉ gốm Chu Đậu. “Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Nam Sách cùng các ban, ngành địa phương hỗ trợ để xây dựng một bảo tàng nhỏ tại điểm khai quật này, nhằm giới thiệu các loại hình sản phẩm gốm thu thập được từ các cuộc khai quật tại đây và giới thiệu lịch sử gốm Chu Đậu. Đồng thời có thể gìn giữ, bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả, thiết thực di chỉ này”, ông Vũ Đình Tiến cho biết.

TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đánh giá, việc khai quật tìm thấy cấu trúc phần nền của lò và nhiều hiện vật trong đợt khai quật này ở Chu Đậu đã giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu gốm cổ Việt Nam thời Lê Sơ. Theo TS Nguyễn Đình Chiến, chúng ta cần tổ chức một nhà bảo tàng nhỏ tại đây để giới thiệu phát hiện này với công chúng. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến công tác phát huy, bảo tồn di tích này. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Chiến cũng cho rằng, lâu nay nhận thức về gốm Chu Đậu vẫn có nhiều sự chênh lệch, nên trong việc tuyên truyền cần hết sức khách quan, dựa trên cơ sở khoa học. Thông qua quá trình phân tích, so sánh, đánh giá một cách kỹ lưỡng, đến khi có kết quả chắc chắn rồi mới kết luận, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để mọi người có những hiểu biết đầy đủ về lịch sử, văn hóa và những giá trị của gốm Chu Đậu.


Bài và ảnh: Phương Lan

Phát hiện thú vị về gốm Chu Đậu - Bài 1
Phát hiện thú vị về gốm Chu Đậu - Bài 1

Nhiều năm qua, những nghiên cứu về di tích lò gốm và sản phẩm gốm Chu Đậu đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN