Để người đẹp Việt Nam không 'lố' khi 'đem chuông đi gióng xứ người'

Sau khi gây bất bình trong dư luận với bộ áo dài mặc thử trước khi lên đường dự thi “Hoa hậu Thế giới 2014” (và “suýt” trở thành một trang phục được mang theo tới cuộc thi, nếu như dư luận không lên tiếng) có họa tiết độc quyền của một thương hiệu thời trang nổi tiếng quốc tế; mới đây, bộ trang phục truyền thống mà người đẹp Việt Nam Nguyễn Thị Loan trình diễn tại cuộc thi, lại lần nữa khiến dư luận “dậy sóng”.

Chiếc nón quai thao duyên dáng xưa của người dân xứ Kinh Bắc.


“Dậy sóng” không phải vì đẹp, mà bởi sự “lố lăng, kệch cỡm, lai căng, thiếu thẩm mỹ”. Những lời này, không phải lời của phóng viên, mà là nhận xét của công chúng và đã được làm nhẹ đi khá nhiều.

Có lẽ, chỉ hình ảnh mới “diễn tả” hết được cái rườm rà và “hổ lốn” của bộ trang phục này, cũng như cái thiếu thẩm mỹ của nó. Tuy nhiên, chỉ cần nghe diễn giải của NTK Võ Việt Chung, người thiết kế bộ trang phục, thì cũng đã thấy bộ trang phục này “có vấn đề”. Theo Võ Việt Chung, về màu sắc, NTK này muốn đem đến văn hóa đặc trưng của dân tộc qua màu sắc của trang phục là màu đỏ - vàng trên quốc kỳ của Việt Nam. Hai màu sắc này còn là màu sắc đặc trưng trong các triều đại phong kiến, đại diện cho sự vương giả với các đồ vật được sơn son thếp vàng, màu vàng còn là màu dành cho vua chúa. Còn cụ thể về thiết kế, bộ trang phục gồm chiếc áo choàng ngoài thường được mặc trong những nghi thức long trọng ở cung đình xưa, với hai tay áo được vấn lại bằng nhiều lớp vải lấy cảm hứng từ khăn mỏ quạ của miền Bắc; lớp áo trong vẫn giữ nguyên một số chi tiết truyền thống của áo dài, họa tiết màu vàng trên thân áo là hình ảnh của vảy rồng - linh vật quyền lực hiện thân cho vua chúa ngày xưa. Chất liệu của chiếc áo này được đặt hàng riêng tại Ấn Độ và dệt bằng một loại sợi đặc biệt có bọc chỉ vàng. “Nét đặc biệt” như nhấn mạnh của NTK trong bộ trang phục này là chiếc nón quai thao của phụ nữ Kinh Bắc cổ xưa được kết hợp 3 tầng, mỗi tầng là 1 họa tiết khác nhau, tầng trên cùng là hình ảnh của “Long vũ khúc”. Bên cạnh đó, vành nón được kết nối với nhau họa tiết bằng đồng lấy cảm hứng từ nón của thiếu nữ dân tộc Dao Đỏ.

Bộ trang phục truyền thống bị phê phán của người đẹp Nguyễn Thị Loan.


Ý tưởng của bộ áo dài này là tôn vinh truyền thống dân tộc, những giá trị văn hóa, đặc biệt những nét đặc sắc trong trang phục của người Việt cổ. Tuy nhiên, chính sự “tham” chi tiết, cũng như việc thiếu nhuần nhụy trong sự kết hợp (nón quai thao và nón của thiếu nữ dân tộc Dao), đã khiến bộ trang phục phản  tác dụng. Một bạn đọc chia sẻ: “Mũ thì như cái lọng che đầu các quan, rồi lại giống cái bánh ga tô 3 tầng, quả là sự “sáng tạo” khôn cùng”. Một bạn đọc khác bức xúc: “Trông như một bộ trang phục hầu đồng, mà lại còn lem nhem, lườm xườm, lớp áo ngoài thì giống lớp lưới đánh cá, không thể hiểu nổi bộ trang phục này có gì đẹp”. Một bạn đọc ở nước ngoài cũng lên tiếng khá gay gắt: “Cồng kềnh, khó hiểu và nặng nề là 3 từ để diễn tả về bộ trang phục này. NTK có lẽ đã quá tham lam khi góp nhặt quá nhiều thứ để đưa lên bộ trang phục và kết quả thì... không biết nó là vùng nào, miền nào của Việt Nam nữa. Theo tôi bộ trang phục đã làm mất đi hình ảnh đẹp vốn có của áo dài Việt Nam lâu nay và vùi dập chiếc nói quai thao vốn duyên dáng của người Kinh Bắc”.

Chắc cũng không còn gì để bào chữa nữa về sự thiếu phù hợp, làm mất đi nét đẹp của bộ trang phục truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là nếu nó chỉ là một thiết kế để trình diễn của NTK thì “tầm ảnh hưởng” của nó sẽ chưa phải là vấn đề phải bàn. Nhưng với tư cách là bộ trang phục “truyền thống dân tộc” Việt Nam, do một người đẹp là đại diện của Việt Nam trình diễn, tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế, thì sự lai căng, thiếu thẩm mỹ này thật sự đáng phải lên tiếng.

Cũng không thể hoàn toàn trách riêng người đẹp Nguyễn Thị Loan khi đồng ý chọn bộ trang phục này để dự thi, mà điều đáng bàn ở đây là việc liệu chúng ta có đang quá dễ dãi trong việc để các người đẹp “tự do” đi dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế, mà không có kiểm soát kỹ càng? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng nên chăng cần được đặt ra ở đây, khi cũng chỉ đơn giản cấp phép cho các người đẹp đi thi, mà không hề có sự chỉ đạo, thậm chí là tư vấn, hỗ trợ nào về những nội dung tham gia thi, những trang phục dự thi - một phần vô cùng quan trọng của các cuộc thi; khiến người đẹp của chúng ta đôi khi bị “lố” trong các sự kiện quốc tế này. “Không phải chúng tôi không cần sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chúng tôi đi thi là với tư cách đại diện của Việt Nam, nhưng ngoài tờ giấy cấp phép, chúng tôi không nhận được bất cứ sự hỗ trợ, thậm chí là động viên nào của các cơ quan chức năng cả, nhiều khi rất tủi thân. Không những thế, cũng do không được tư vấn, hỗ trợ nên cũng dễ dẫn tới những việc không đáng có, như vụ việc này”, một người đẹp đã từng dự thi Hoa hậu thế giới cho biết.

Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại về việc cử người đẹp Việt Nam đi dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, bởi lẽ, dù có thể là cá nhân đơn vị nào đưa đi, nhưng những người đẹp, trước “bàn dân thiên hạ” vẫn là đại diện của đất nước Việt Nam. Vì vậy, không thể để những người đẹp “đi thi chui” như một số vụ việc vừa qua, càng không thể để những người đẹp dự thi “chính thống” lại vấp phải những sự cố “phản tác dụng” kiểu như Nguyễn Thị Loan lần này.


Anh Minh
Vừa bị phạt, lại tiếp tục thi hoa hậu 'chui'
Vừa bị phạt, lại tiếp tục thi hoa hậu 'chui'

“Cố đấm ăn xôi”, Huỳnh Thúy Anh - cô người mẫu vừa bị phạt 22,5 triệu đồng hồi cuối tháng 9/2014, vì đi thi Hoa hậu chui tại Mỹ; lại vừa “rầm rộ” lên đường sang Magdeburg, Đức, để dự thi Hoa hậu Liên lục địa 2014 dù chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN