Đưa nghệ thuật truyền thống xuống phố để bảo tồn

Trước thực tế Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) quyết định “xuống phố”, như một cách để bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này; nhiều người đã “phản ứng” và cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế; còn việc bảo tồn vẫn phải đúng “quy củ”, mang tính hàn lâm. Nhưng thực tế đã chứng minh hiệu quả của cách làm này, bởi quan trọng nhất với nghệ thuật truyền thống lẽ nào không phải là việc phục vụ đông đảo công chúng bình dân...

Hào hứng với từng đêm diễn


Triển khai từ ngày 12/7/2015 và diễn ra vào mỗi chủ nhật cho tới hết tháng 9/2015, các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chọn bờ đông sông Hàn để dựng sân khấu. Và trong cái gió phần phật, trong cái đơn sơ của sân khấu ấy, họ - các nghệ sĩ, cả nổi tiếng, cả mới vào nghề, ngồi luôn trước mặt khán giả để tự trang điểm, tự vẽ mặt tuồng. Rồi hướng dẫn luôn các khán giả cách vẽ mặt tuồng cũng như giảng giải về các tích tuồng sắp diễn. Khán giả, cũng chẳng cần “mũ cao, áo dài” gì, đôi khi là trang phục ở nhà, thêm cái quạt nan phe phẩy, người đứng, người ngồi, tìm được chỗ nào ưng ý thì chọn và xem tuồng với cái “mộc” nhất của bộ môn truyền thống này.

Một tích tuồng được diễn trong chương trình.


Tại mỗi chương trình này, khán giả sẽ được xem các tiết mục như hòa tấu nhã nhạc cung đình, một số làn điệu dân ca Việt Nam và quốc tế, hát văn, trích đoạn tuồng “Ôn Đình chém tá”, “Kim Lân qua đèo”, hay tiết mục nghệ thuật truyền thống trống trận Tây Sơn... Tiết mục thay đổi theo từng buổi, bởi vậy không có nghĩa là tuần này đã tới thì tuần sau có thể bỏ, khán giả cứ đến đúng ngày, đúng giờ là tìm đến, như một điểm hẹn sau một tuần vất vả bon chen. Và quan trọng là hoàn toàn miễn phí.

Những buổi tối bên sông Hàn vì thế đều đông kín khán giả. Đông nhất là những người dân, những người lao động, những gương mặt lam lũ có khi chưa từng bước chân vào nhà hát tuồng xem biểu diễn. Cùng với đó là những khách du lịch trong và ngoài nước. Không còn cảm giác quen hay lạ, không còn là hiện tại hay quá khứ; chỉ là những câu chuyện, những lời ca, điệu múa, tiếng trống tuồng khiến người xem mê đi...

Cụ Ngần, 75 tuổi, chia sẻ: “Xem diễn tuồng thế này tôi như được sống lại những ngày xưa, khi cùng cha mẹ đi xem tuồng. Xưa tôi mê tuồng lắm, giờ còn thuộc khá nhiều trích đoạn, được xem lại, nghe lại thế này, thấy rất vui”.

Cùng đi xem với cụ Ngần là các con cháu. Cả nhà nghe tin về chương trình là kéo nhau cả vài cây số lên xem từ sớm. Hết đêm đầu tiên ngày 12/7, lại quyết định “đặt lịch” để cùng nhau đi xem đêm 19/7 và nay là đêm 26/7. “Càng xem càng mê, cách làm này thật là hay quá, giúp chúng tôi được biết tới bộ môn tuồng để thêm yêu và trân trọng những giá trị của nghệ thuật truyền thống dân tộc”, cháu cụ Ngần chia sẻ.

Sống với những khán giả đích thực

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa tuồng ra phố không phải vì không có khán giả. Nghệ thuật tuồng vốn được bảo tồn và phát huy tốt tại Đà Nẵng và đêm đêm Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn đỏ đèn, tiếng trống chầu vẫn giục giã, lời ca tiếng hát vẫn vút cao. Song khán giả đến nhà hát chủ yếu là khách du lịch, đó là điều khiến lãnh đạo và nghệ sĩ đều trăn trở. "Làm thế nào để đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo công chúng và du khách là vấn đề mà chúng tôi luôn đặt ra... Mới đây, thành phố đã đồng ý chủ trương triển khai các mô hình hoạt động giải trí về đêm, trong đó có biểu diễn nghệ thuật tuồng, theo đề xuất của Sở VH - TT&DL. Đây là cơ hội để người dân tiếp cận tuồng dưới nhiều góc độ", đại diện Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết.

"Tôi biết vẫn có nhiều người cho rằng, tuồng chỉ nên diễn ở sân khấu trong nhà hát. Tôi muốn nói rằng, diễn tuồng ở đường phố thì chưa cần chất lượng cao của nghệ thuật nhưng không phải dễ dãi trình diễn những cái chưa đạt nghệ thuật. Đưa tuồng xuống phố nhằm lôi kéo khán giả. Ban đầu, có thể họ thấy lạ, dừng chân vài phút vì tò mò, vì con cái thích thú sự rực rỡ của trang phục, mặt nạ... Dần dần trở thành thói quen, rồi nghệ thuật sẽ thấm vào họ một cách tự nhiên”. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Theo kế hoạch, chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ diễn ra từ 19 giờ - 20 giờ 45 chủ nhật hằng tuần. Nội dung chương trình gồm 2 phần. Phần 1 giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng (vẽ và bán sản phẩm tại chỗ); cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng; cho thuê phục trang và tổ chức chụp ảnh cho du khách có thu phí. Phần 2 là chương trình biểu diễn trên sân khấu. “Chương trình giúp người xem hiểu thêm về nghệ thuật tuồng, đặc biệt là mặt nạ tuồng. Mỗi mặt nạ toát lên tính cách nhân vật như trung hiếu, gian manh, xu nịnh... Mỗi tông màu gắn với từng mô - típ nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, mặt đen thường đại diện cho sự rắn chắc. Mặt trắng thường chỉ sự bạc bẽo. Mặt mốc dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc. Mặt rằn chỉ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy... Vì thế, người xem tuồng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt là biết ngay nhân vật đó thuộc loại nào và nếu hiểu thì khi xem tuồng sẽ càng thích thú hơn”, một nghệ sĩ của nhà hát chia sẻ.

Trước Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa đã từng đưa tuồng xuống phố cách đây mấy năm và thực hiện tại thành phố Nha Trang. Thậm chí với những buổi diễn ấy, còn không cả sân khấu, phông màn, hay thảm đỏ..., nghệ sĩ chỉ có vài đạo cụ trong tay cùng dàn âm thanh gọn nhẹ và ánh sáng tinh giản. Thế nhưng khách ngồi dưới chăm chú nghe.

Rồi mới đây, tại Hội An, cứ tối thứ bảy hằng tuần và Đêm phố cổ hằng tháng, ngay bên chân Chùa Cầu, gia đình nghệ sĩ Lê Phú Hải dắt dìu nhau lên gian sân vuông, mắt hướng về phía An Hội, cùng tấu lên những tích tuồng xưa...

Vậy là cách làm này đã “minh chứng” được hiệu quả, khiến công chúng yêu hơn và biết trân trọng, gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng. Với các bộ môn nghệ thuật khác, chưa có nhà hát hay nghệ sĩ nào thử cả, nhưng chắc chẳng lâu nữa, cũng sẽ đến lúc chèo, cải lương, quan họ... xuống phố để đến gần hơn với công chúng bình dân...

Thu Trang
Người nghệ sỹ 'mắc nợ' với tuồng
Người nghệ sỹ 'mắc nợ' với tuồng

Từng là gương mặt trẻ đầy triển vọng của Đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa, nhưng Thúy Hường đã có một khoảng thời gian khá dài rời xa ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên như “mắc nợ” với tuồng, cô trở lại, gắn bó với bộ môn nghệ thuật này trong bối cảnh sân khấu chuyên nghiệp truyền thống đang gặp không ít khó khăn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN