Ghi dấu 1 năm ngành văn hóa, thể thao, du lịch

Năm 2014, lần đầu tiên cuộc bình chọn hàng năm “10 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” được giao cho báo Văn hóa chủ trì, với sự phối hợp của Văn phòng Bộ, báo Thể thao Việt Nam và báo Du lịch. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc bình chọn chỉ “chuyên tâm” vào các sự kiện, thay vì chuỗi sự kiện hay hoạt động tiêu biểu của Bộ như gần 10 năm qua.

Ông Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập báo Văn hóa, Trưởng BTC bình chọn, chia sẻ về hai điểm mới nổi bật của việc bình chọn năm nay: Mọi năm, việc bình chọn chủ yếu là bình chọn chuỗi sự kiện hoặc hoạt động tiêu biểu của ngành, nhưng năm nay là bình chọn sự kiện cụ thể. Năm nay, cũng lần đầu tiên các cơ quan quản lý không tham gia vào hoạt động bình chọn, mà chỉ giới thiệu sự kiện của đơn vị mình; trên cơ sở đó, BTC chọn các sự kiện nổi bật nhất để đưa vào danh sách bình chọn.

Các phóng viên bỏ phiếu bình chọn. Ảnh: BTC cung cấp


Cụ thể, có tổng cộng 35 sự kiện được các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao, du lịch đưa ra. Cùng với đó, các phóng viên chuyên trách của các báo cũng có đề cử của mình. Căn cứ vào danh sách này, BTC bình chọn năm nay đã chọn ra 15 sự kiện nổi bật nhất để các phóng viên bình chọn trong buổi sáng ngày 25/12, tại Hà Nội.

Trong số 15 sự kiện BTC đưa ra, không phải sự kiện nào cũng nhận được sự đồng thuận của đông đảo phóng viên tham gia bình chọn, nhiều sự kiện lớn theo đánh giá của các phóng viên không được đưa vào như việc phát tờ rơi cảnh báo trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hồ Chí Minh),  Liên hoan âm nhạc Gió Mùa… Về vấn đề này, theo như trả lời của BTC, mọi sự kiện đưa ra bình chọn đều phải căn cứ vào quy định trong quy chế bình chọn: Chỉ bình chọn sự kiện tiêu biểu, độc lập diễn ra trong năm (từ 1/1-31/12/2014), do Bộ VH, TT & DL tổ chức; sự kiện phải mang ý nghĩa, giá trị và tầm vóc quốc gia, có tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của đất nước, của ngành VH,TT &DL và đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cơ bản các sự kiện cũng đã khái quát được những nét nổi bật của đời sống văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong năm 2014. Về văn hóa, có 7 sự kiện, trong đó có những sự kiện khá xứng đáng để được “vinh danh” như việc quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới; sự kiện dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hay hai sự kiện đều gắn với vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo: Liên hoan tuyên truyền lưu động “Biên giới và biển đảo Việt Nam” và sự kiện “Đại gia đình Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đặc biệt nổi bật là sự kiện “Sự hưởng ứng mạnh mẽ của dư luận và xã hội đối với chủ trương của Bộ VH,TT &DL trong việc khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử văn hóa, công sở, nơi công cộng… trong cả nước. Về sự kiện này, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ: Trước thực trạng sử dụng tùy  tiện, tràn lan các sản phẩm, biểu tượng, hiện vật ngoại lai… không phù hợp tại nhiều di tích lịch sử văn hóa, trụ sở cơ quan, không gian công cộng… trong cả nước thời gian qua, Bộ VH, TT & DL đã ban hành Công văn 2662 ngày 8/8/2014 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

“Ngay sau khi ban hành, chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của xã hội, các cơ quan, đoàn thể và đặc biệt là các cơ quan thông tấn, báo chí. Nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo, ngăn chặn và loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp đã được đồng loạt triển khai. Nhiều địa phương trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương này bằng việc tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý, di dời... các hiện vật không phù hợp. Các hoạt động  sản xuất, mua bán, cung tiến và sử dụng đã được các đối tượng trong xã hội ý thức rõ ràng, sâu sắc hơn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn  sự xâm lấn của các biểu tượng, hiện vật  không phù hợp. Đáng chú ý, tại các địa chỉ như làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình), làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)... trước đây chủ yếu sản xuất, chế tác và kinh doanh các mặt hàng sư tử, tỳ hưu, đèn đá... dáng dấp ngoại lai nay đã chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuần Việt. Các biểu tượng linh vật Việt theo bộ mẫu được Bộ VH,TT&DL ban hành đã bắt đầu được những làng nghề này đưa vào chế tác, sản xuất”, ông Khoa khẳng định.

Với lĩnh vực du lịch, nổi bật nhất là sự kiện tổng thu từ du lịch năm 2014 đạt 230.000 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2013), cao nhất từ trước tới nay, dù năm qua là năm có nhiều khó khăn cho du lịch. Lý giải về việc chọn tổng thu thay vì chọn số lượng khách như những năm trước, ông Trần Đăng Khoa khẳng định: Năm 2014 là một năm có nhiều khó khăn với ngành du lịch, nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt bằng với năm 2013 và tổng thu thì tăng tới 15%, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành du lịch Việt Nam. “Việc chúng tôi nhấn mạnh tổng thu cũng bởi đây là xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam: Phát triển theo chiều sâu và tập trung cho yếu tố chất lượng”, ông Khoa cho biết.

Cuối cùng, với lĩnh vực thể thao, sự kiện đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại ĐH Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II và việc VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh xác lập kỷ lục thế giới ở nội dung 10m2 súng ngắn hơi và giành HCV tại Cúp Bắn súng thế giới; là những sự kiện được khá đông đảo phóng viên đồng thuận.

Dự kiến, danh sách 10 sự kiện sẽ được công bố vào những ngày cuối cùng của năm 2014, căn cứ trên cơ sở bình chọn của các phóng viên.    


P.V
10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2014
10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2014

Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á, nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công vắcxin phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em có tên Rotavin-M1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN