Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Cờ Lao đỏ - Bài cuối: Nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống

Cùng sự phát triển chung của xã hội, người Cờ Lao ở Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã linh hoạt thích ứng với những thay đổi của cuộc sống nhưng vẫn gìn giữ, truyền từ đời này sang đời khác những giá trị truyền thống cốt lõi.

Chú thích ảnh
Người Cờ Lao đỏ tại xã Túng Sán thu hoạch lúa đổi công cho nhau. 

Gìn giữ giá trị truyền thống cốt lõi

Do địa hình dốc, người Cờ Lao đỏ ở Túng Sán phải canh tác trên những nương ruộng cao nên rất khó để có thể đưa máy móc lên tới nơi. Vì vậy, việc thu hoạch lúa của bà con chủ yếu phụ thuộc vào sức người. Để thu hoạch nhanh, người dân nơi đây thường cấy đổi công, gặt đổi công cho nhau. Mỗi khi đến mùa gặt, mọi người trong thôn, bản thường tập trung lại làm cho từng nhà. Nhà nào cần thu hoạch trước sẽ được mọi người ưu tiên đến giúp, lần lượt từng nhà. Việc này vừa đáp ứng hiệu quả công việc vừa tăng tình đoàn kết gắn bó.

Ông Sú Diu Hồ, Trưởng thôn 4 Tả Chải, xã Túng Sán, chia sẻ, bà con ở đây chỉ cần biết nhà nào đang chuẩn bị thu hoạch lúa hay đi cấy, đắp bờ là sẽ tự đến giúp, không cần gia chủ phải nhờ. Việc này đã truyền từ đời này qua đời khác, qua đó giúp tình cảm láng giềng thêm gắn bó.

Mọi công việc đều xuất phát từ tình cảm trên tinh thần tự nguyện, không phải trả công. Khi xong việc, gia chủ làm mâm cơm mời mọi người ở lại cùng ăn với những món dân dã, sẵn có tại địa phương, rồi quây quần bên bếp lửa, hát cho nhau nghe những bài dân ca cổ... Thông qua những công việc hàng ngày như vậy, tình cảm người cùng thôn, cùng bản càng bền chặt.

Một trong những nét đặc sắc văn hóa của người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán chính là âm nhạc. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân, người dân nơi đây được thừa hưởng và đang lưu giữ một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng người Cờ Lao. Khác với các dân tộc khác (dân ca chủ yếu được lưu truyền qua các thầy cúng), đối với dân tộc Cờ Lao, dân ca chủ yếu được lưu truyền qua các nghệ nhân dân gian hoặc các bậc cao niên.

Giai điệu và nội dung âm nhạc của người Cờ Lao xã Túng Sán tương đối đa dạng và phong phú; đề cập đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, trong đó nhiều nhất là những bài hát về tình yêu đôi lứa, hát giao duyên. Tuỳ theo từng hoàn cảnh, các nghệ nhân dân gian hát những bài hát có nội dung và giai điệu khác nhau. Ngoài ra, âm nhạc cũng được dùng trong đám cưới, hội hè, cúng tế hoặc tang ma và sử dụng cùng các nhạc cụ như: kèn, trống, chiêng, kèn lá, tù và...

Bảo tồn nét đẹp văn hóa

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều quyết định, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc nói chung và dân tộc Cờ Lao nói riêng đã được ban hành. Đơn cử như Quyết định 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao". Ngoài ra, còn nhiều quyết định, đề án khác đã đầu tư mở mới đường giao thông nội vùng, từ trung tâm UBND xã Túng Sán đi các thôn; hỗ trợ lắp ráp trạm truyền thanh không dây; hỗ trợ mua radio cho các hộ dân tộc Cờ Lao; tập huấn công tác khuyến nông, kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, thảo quả...; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản cho dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán…

Chú thích ảnh
Người Cờ Lao đỏ tại xã Túng Sán thu hoạch lúa đổi công cho nhau. 

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì Bùi Thanh Hưởng, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều chính sách được triển khai nhằm hỗ trợ sinh kế, giúp đồng bào dân tộc Cờ Lao phát triển kinh tế, đồng thời bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng bào đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để mua giống gia súc, gia cầm, vật nuôi, mua giống cây trồng và tạo các điều kiện khác để phát triển kinh tế; hỗ trợ cải tạo các cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm; hỗ trợ các cháu học sinh được học tập, được tầm soát về y tế, chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt là chính sách bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống của người Cờ Lao.

Trong thời gian tới, thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan để triển khai các chính sách, hỗ trợ đồng bào kinh phí, tiếp cận các gói tín dụng để phát triển kinh tế, xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, cải thiện đời sống.

Đối với vấn đề văn hóa, xã hội, huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về y tế, dân số, hỗ trợ học sinh đi học và duy trì, thực hiện tốt chính sách bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Cờ Lao gắn với phát triển du lịch, ông Bùi Thanh Hưởng cho biết thêm.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương, nhiều chương trình, chính sách… hỗ trợ đồng bào dân tộc đã được triển khai, từ đó giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Đồng thời cũng thông qua các gói hỗ trợ, sự tận tâm, tận tình, sự nỗ lực của những người làm công tác văn hóa, dân tộc, mà việc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của đồng bào Cờ Lao nói riêng, các dân tộc nói chung, được thường xuyên quan tâm triển khai.

Bài và ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Cờ Lao đỏ - Bài 2: Một số nét đặc trưng bị mai một
Gìn giữ nét đẹp văn hóa người Cờ Lao đỏ - Bài 2: Một số nét đặc trưng bị mai một

Theo thời gian cùng sự chung sống và giao lưu buôn bán với các dân tộc khác, một số nét đặc trưng của người Cờ Lao đỏ tại Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã bị mai một, mất đi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN