Khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng

Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội và các ngành liên quan tổ chức trọng thể tối 19/4, tại Quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, đông đảo người dân, học sinh, sinh viên tham dự.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát động Ngày sách Việt Nam 2014. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Là người có tác động và có sức lan tỏa nhất trong xã hội trong thời điểm hiện nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tác giả lớn, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận

Việc chọn Ngày sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa to lớn và sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), việc tổ chức Ngày sách sát dịp này thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn khán giả. Đặc biệt, Ngày sách Việt Nam nhằm gắn kết với các hoạt động đã tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày sách và Bản quyền Thế giới, từ đó tạo thành chuỗi hoạt động phong phú, sôi nổi, tạo ra môi trường truyền thông tốt cả ở trong nước và quốc tế…

Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động phong trào đọc sách và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam; công bố kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Ngày sách Việt Nam sẽ được tổ chức thường niên với các hoạt động phong phú, đa dạng; đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các tổ chức xã hội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam bắt đầu được tổ chức từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm; trọng tâm từ ngày 19-23/4.

Được tổ chức tại Hà Nội, Ngày sách lần thứ nhất cùng với Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ là chuỗi hoạt động từ 19-21/4, gồm: đường phố sách với các gian hàng giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên toàn quốc; các chương trình tọa đàm, kể chuyện theo sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ … với công chúng; thi xếp sách nghệ thuật; triển lãm, hội chợ sách; trao giải thưởng sách…

* Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày đọc sách và bản quyền thế giới (23/4), ngày 19/4, Thư viện tỉnh Phú Yên khai mạc Ngày hội đọc sách tỉnh Phú Yên lần thứ III năm 2014.

Ngày hội đọc sách tỉnh Phú Yên lần này trưng bày hơn 3.500 đầu sách về các chủ đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Kỷ niệm Ngày giải phóng Phú Yên, Ngày giải phóng miền Nam; Ngày Quốc tế Lao động (1/5); Đại tướng Võ Nguyên Giáp; 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; thiếu nhi; sách ngoại văn; sách tổng hợp; tài liệu dành cho người khiếm thị. Ngoài ra, Ngày khai mạc còn có các hoạt động: Giao lưu bạn đọc, dành cho các học sinh Trung học cơ sở; giao lưu phụ nữ với thanh niên về mô hình Internet miễn phí đang hoạt động tại thư viện; thi vẽ tranh “Sắc màu tuổi thơ” dành cho các học sinh Tiểu học.

Ngày hội đọc sách tỉnh Phú Yên lần thứ III năm 2014 diễn ra từ 19 - 23/4.


Mỹ Bình- Trịnh Bang Nhiệm

“Vực dậy” văn hóa đọc
“Vực dậy” văn hóa đọc

Để khuyến khích văn hóa đọc đang bị mai một trong cuộc sống hiện đại, ngoài việc giáo dục từ gia đình, nhà trường, các hoạt động tuyên truyền là rất cần thiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN