Lễ hội, những vấn đề cần chấn chỉnh

Mùa lễ hội Xuân Giáp Ngọ 2014 vẫn đang diễn ra, thu hút hàng vạn du khách mỗi ngày. Điểm qua những lễ hội lớn từ đầu năm đến nay, có thể thấy trong bức tranh đa dạng của mùa lễ hội năm 2014, vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ.


Được và chưa được


Lễ hội đền Sóc (Hà Nội) tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng năm 2014 diễn ra an toàn. Hiện tượng dùng gậy cướp hoa tre đã không còn tái diễn, bởi lực lượng an ninh đã được tăng cường tối đa trong khu vực hành lễ. Người dân tham gia các lễ hội gò Đống Đa, lễ hội Cổ Loa… cũng được hưởng trọn một lễ hội an toàn, không cờ bạc, không đốt vàng mã tràn lan, giá cả ăn uống được kiểm soát.

Cần nỗ lực để lễ hội ngày càng đẹp hơn.


Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều chuyển biến tốt đẹp, dòng suối Yến trong xanh, sạch sẽ, rác hầu như không còn. Hàng quán dịch vụ được sắp xếp gọn gàng, quy củ, trông khang trang hơn năm trước. Đường lên cáp treo du khách xếp hàng khá trật tự, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như những năm trước, tình trạng gài tiền lẻ lên tượng Phật đã giảm so với những năm trước. Nạn rải tiền xuống suối Giải Oan cũng đã giảm nhiều. Công tác dọn dẹp vệ sinh, giữ gìn môi trường từ trong nội tự từng di tích cho đến dọc đường đi là khá sạch sẽ, khang trang.


Kể từ hôm khai hội đến nay, trung bình mỗi ngày khu danh thắng Yên Tử đón hàng vạn lượt khách hành hương. Những ngày cao điểm lên đến hàng chục vạn lượt khách. Tuy nhiên, nhờ công tác tổ chức, quản lý lễ hội xuân Yên Tử được đảm bảo, nên hầu hết các du khách đều có những ấn tượng tốt đẹp khi đến đây. Các khu vực bến xe, ga cáp treo được sắp xếp, bố trí biển báo khoa học, các lối đi được vệ sinh sạch sẽ. Dọc tuyến hành hương từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng đã được quy hoạch sạch đẹp, gọn gàng, không còn cảnh bán hàng rong làm phiền du khách, không có cửa hàng nào treo bán thịt động vật sống, không thấy ăn xin, không cờ bạc và không thấy điểm đổi tiền lẻ ăn chêch lệch… tình trạng cài tiền giọt dầu vào tay chân tượng, chùa Đồng tuy vẫn còn, nhưng đã giảm rất nhiều.


Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn một số tồn tại diễn ra trong lễ hội gây ra nhiều hệ lụy xấu, làm phiền lòng du khách, không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo dư luận không tốt trong xã hội.


Câu chuyện đau lòng nhất là chuyện một nạn nhân bị đâm vào cổ dẫn đến tử vong trên đường đi cấp cứu ngay trong ngày khai hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) khiến dư luận bàng hoàng và trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia lễ hội. Hàng vạn du khách đi tham quan khu du lịch Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) đã phải chịu cảnh khóc dở, mếu dở bởi tình trạng chen chúc, lộn xộn trên bến đò Tràng An. Thậm chí, ngày 7/2/2014 đã xảy ra một vụ lật đò khiến 2 mẹ con chị Mai Anh (Mỹ Đình - Hà Nội) rơi xuống nước suýt bị chết đuối. Điều khiến nhiều du khách bất bình là trong khi người bị ngã xuống nước kêu cứu, nhân viên của ban quản lý lại tỏ ra khá thờ ơ. Chính vì vậy, hàng chục du khách đã đòi trả lại tiền vé đò.


Mặc dù BTC đã tăng cường an ninh, song Lễ khai ấn Đền Trần tại Khu di tích Đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định vẫn diễn ra tình trạng lộn xộn như ném tiền vào kiệu ấn, chen lấn xô đẩy nhau để vào hậu cung thắp hương, cướp sạch lộc nhà đền. Tình trạng ăn xin, sư hành khất xin tiền vô tư "tác nghiệp", mà không có lực lượng của BTC lễ hội đến giải quyết. Nạn trộm cắt, móc túi du khách vẫn hoành hành, nhiều du khách trong quá trình chen chân vào đền Trần đã bị kẻ gian lấy trộm điện thoại, ví tiền.


Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng lễ hội chùa Hương vẫn còn nhiều hình ảnh chưa đẹp, phản cảm trong lễ hội, khiến du khách hành hương phiền lòng. Những ngày đầu sau khi khai hội, hiện tượng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch vẫn còn hoạt động công khai. Nhiều hàng quán ở khu vực bến Thiên Trù vẫn vô tư treo móc, xẻ thịt động vật rất phản cảm. Chỉ đến khi các phương tiện thông tin phản ảnh, tình trạng này mới được xử lý.


Tăng cường công tác tổ chức, quản lý


Báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL) trong đợt sơ kết nhanh công tác tổ chức quản lý lễ hội năm 2014 đã khẳng định, để công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2014 có những chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nề nếp, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra do lãnh đạo và thanh tra Bộ VH,TT&DL làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương, kiểm tra thực tế tại trên 30 điểm di tích, của gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung nhiều nhất là các lễ hội thuộc các tỉnh, thành phố phía Bắc. Cục Văn hóa cơ sở cũng đã thành lập 7 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 25 lễ hội và di tích trên 21 tỉnh, thành phố trong cả nước.


Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức lễ hội tại các địa phương đã từng bước đi vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Bộ VH,TT&DL về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Những nét đẹp truyền thống được tuyên truyền nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Ban quản lý các di tích, BTC lễ hội đã bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, giọt dầu kịp thời. Hiện tượng thắp hương tràn lan trong nội tự, thả, ném, cài tiền lên tượng vẫn còn nhưng đã giảm hơn trước nhiều. Các hoạt động dịch vụ được quản lý tốt, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải được chú trọng.


Tuy nhiên, báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở cũng thừa nhận, vẫn tồn tại nhiều bất cập trong quản lý lễ hội như công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở một số lễ hội chưa tốt, hiện tượng ăn xin, cờ bạc, tổ chức trò chơi có thưởng ăn tiền vẫn còn. Dịch vụ đổi tiền lẻ, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ vẫn còn khá phổ biến, hiện tượng cài tiền vào tay tượng, tay Phật, ném tiền xuống giếng, cúng thuê, bán đồ mã, đeo bám, ép khách, mất an ninh trật tự bến tàu, bến xe, bến đò, ga cáp treo... vẫn còn.


Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về lễ hội, tập trung đi sâu vào giới thiệu các nghi thức, nghi lễ của lễ hội, tạo điều kiện cho người dân và du khách hiểu sâu hơn về lễ hội, góp phần phát huy giá trị của lễ hội, ngăn chặn những biến tướng trong lễ hội. Cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp về vấn đề tiền lẻ, triển khai đề án quy hoạch lễ hội, tăng cường tuyên truyền về giữ gìn nếp sống văn minh trong lễ hội. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra cần tăng cường phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm tại lễ hội, chú trọng về vấn đề vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ… để lễ hội luôn sạch, an toàn, thân thiện và hấp dẫn đối với du khách.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Tình trạng lộn xộn vẫn xảy ra trong lễ hội là do ý thức, nhận thức của nhiều người khi đến lễ hội chưa đầy đủ. Hiện nay có một xu thế, người dân đến lễ hội để cầu xin những điều mang tính chất vụ lợi và họ dâng lễ, đặt lễ rất nhiều, rất lớn. Những quan điểm này về mặt tín ngưỡng và văn hóa đều không đúng, phản văn hóa. Nguyên nhân nữa là do nhiều thập kỷ, người dân bị đứt đoạn hiểu biết về nhận thức, tri thức tham gia lễ hội và tín ngưỡng (do những hành vi này bị coi là mê tín dị đoan) nên đến nay, người dân không hiểu, hoặc chưa nhận thức một cách đúng đắn, dẫn đến những hành vi không đúng và dẫn đến tình trạng loạn chuẩn khi đến lễ hội như hiện nay.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Những hiện tượng phản cảm xảy ra trong lễ hội phản ánh sự phát triển, sự thay đổi của xã hội mà hệ thống giá trị không xác lập kịp, dẫn đến tình trạng con người không biết ứng xử như thế nào cho đúng. Chúng ta đừng nhìn góc độ phản cảm như những sai trái của con người, mà là sự thay đổi đang diễn ra, chính vì thế các cơ quan có trách nhiệm cần phải đứng ra quan tâm, giải quyết. Ví dụ, việc phản cảm nhất là rải tiền, vì nhiều người nghĩ rằng cả mặt bằng xã hội đồng tiền đang có giá trị, họ nghĩ cuộc sống tâm linh cũng tương tự như thế, nên sẵn sàng rải tiền tràn lan. Điều này cần có quá tình giáo dục, đưa ra những giải pháp vừa để đáp ứng yêu cầu ấy, vừa để phù hợp với yếu tố văn hóa.

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, Trưởng BTC lễ hội xuân Yên Tử: Để công tác quản lý lễ hội Xuân Yên Tử được đảm bảo, BTC đã triển khai đồng bộ công tác tổ chức phục vụ lễ hội, với sự tham gia phối hợp của nhiều ban, ngành trong tỉnh Quảng Ninh: Từ phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch vụ ăn uống... Các dịch vụ phục vụ du khách được quản lý và niêm yết giá, giám sát bởi các cơ quan chức năng của tỉnh. Mọi hành động “chặt chém” du khách, móc túi, cài cắm tiền lẻ vào tượng Phật... được nhà chùa cùng chính quyền địa phương triệt để khắc phục. Dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch trong khu vực di tích cũng bị nghiêm cấm.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN