Ma Văn Kháng - tận tâm từng phút với đời, văn

Nhà văn Ma Văn Kháng (ảnh) chia sẻ rằng, thực ra, văn chương đến với ông cũng là một sự tình cờ. Ngày bé ông thích văn, đã viết tham gia các cuộc thi của nhà trường nhưng không nghĩ mai này sẽ là nhà văn. Lớn hơn một chút, trong thâm tâm ông bắt đầu tâm niệm mình sẽ phải viết. Chuyến đi lên Lào Cai lập nghiệp cũng là bởi ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn. Có gì đó đầy hào hứng lôi cuốn, thực sự rất hấp dẫn và mới mẻ cứ lớn lên trong tâm hồn anh giáo viên trẻ tìm được lý tưởng.


Rồi mọi thứ theo chiều hướng ấy cứ vần xoay. Dạy nhiều năm ở miền núi, đang làm hiệu phó của một trường cấp III thì ông bị điều về làm thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Đến thời kỳ sáp nhập ba tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, thừa nhân sự, thì ông mới có cơ hội xin về Hà Nội, làm cán bộ ở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, rồi sang NXB Hội Nhà văn, sau đó sang Hội Nhà văn rồi nghỉ hưu… Ông chia sẻ: “Về Hà Nội rồi, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra mình đã ở miền núi đến một phần tư thế kỷ. Tỉnh lẻ rất tình cảm, rất gắn bó, như một phần cơ thể mình vậy, nhưng nếu để làm văn chương chuyên nghiệp thì hóa ra mình cần nhiều điều hơn thế. Mảnh đất Lào Cai mang lại cho tôi vốn sống về dân tộc rất lớn thậm chí còn là “nguồn” để bè bạn hỏi mỗi khi cần cho sáng tác.

May mắn là tôi được sống lăn lóc như một người bình thường, có thể ở mãi với nghề nhà giáo viết mãi cũng sẽ thành nhà văn, nhưng cái nhãn quan sẽ không như một nhà văn chuyên nghiệp. Điều không may nhưng lại rất may đó là khi đang yên vị chức danh Hiệu trưởng trường cấp III tôi bị điều phắt lên làm thư ký cho ông Bí thư Tỉnh ủy, có nghĩa là mình được gắn bó với những gì thuộc về vận mệnh con người, vận mệnh của đất nước. Tôi nhận ra rằng, ngẫu sự rất quan trọng, cứ để cho cuộc sống chủ động đến với đời mình, nhiều khi sự rủi ro đối với người làm nghệ thuật lại là điều may mắn”!

Lẽ ra tôi nên về Hà Nội sớm hơn chục năm để học được nhiều hơn cho tác phẩm của mình nó bớt đi chất tỉnh lẻ. Nói vậy không phải tôi chê tỉnh lẻ, nhưng thực sự cái gọi là “văn hóa tỉnh lẻ” nó cản trở và làm mình bé đi ghê lắm, cảm giác nơi đó như cái lồng chật chội dù tình cảm rộng mênh mông, nhưng muốn bứt phá được là rất khó. Chuyển đổi không gian văn chương khiến mình đầy lạ lẫm nhưng thức ngộ, bừng sáng. Bởi vậy mà tôi về từ năm 1976, đến năm 1982 mới viết lại được tác phẩm “Mưa mùa hạ”, một tác phẩm thể hiện sự khai sáng cuộc đời mình. Hồi đó, một ông bạn văn đã nói với tôi: “Lão Kháng này mới ở miền núi về thấy cái gì cũng lạ nên cứ kêu toáng lên, còn bọn mình ở đây quen rồi nên thấy cái gì cũng quen hết cả”.

Ít người biết được rằng để có một “gia tài văn” Ma Văn Kháng, thì để có sự chuyển đổi không gian văn chương ấy, ông đã phải đánh đổi những gì. Đó là những ngày ăn nhờ ở đậu tại nhà tập thể Tổng liên đoàn lao động Việt Nam: 6 con người ở gồm hai vợ chồng, 2 con, mẹ già và cậu em trai xuất ngũ chỉ ở trong 8m2. Ban ngày đi ra công viên ở, tối mới được về nhà. Bốn năm sau, hai vợ chồng ông vất vả lắm mới lo toan để xin được cấp căn hộ chung cư ở Thành Công rộng khoảng 28 m2. Nhà văn Ma Văn Kháng kể lại rằng, ông chở vợ trên xe đạp, cầm cái giấy nhận nhà mà đi trên đường run rẩy chỉ sợ bị xe ô tô cán chết. Đến khi chuyển về nhà mới, ông vẫn chưa tin mình có nhà, chưa có cảm giác là nhà của mình, nằm ngủ vẫn chỉ mê thấy chuyện nhà cửa. Khi “an cư” cũng là thời gian nhà văn Ma Văn Kháng viết được nhiều nhất và thăng hoa nhất. Nhiều tác phẩm của ông trong thời kỳ này đã trở thành những dấu ấn không thể mờ phai trong nền văn xuôi hiện đại.

Có lẽ vì là người “đi sau về muộn” nên nhà văn Ma Văn Kháng là một trong số người có tốc độ viết nhiều nhất trong số những nhà văn thế hệ ông. Dường như ít thấy ông ở những cuộc trà dư tửu hậu, những cuộc xôm tụ bạn bè, mà chỉ thấy ông tranh thủ từng giây khắc của cuộc đời để cần mẫn gieo trồng trên cánh đồng chữ nghĩa. Nói về điều này, nhà văn Ma Văn Kháng khiêm tốn tự nhận mình là người cần cù, chịu khó và vẫn giữ được ngọn lửa men say trong cảm xúc. Bởi vì, văn chương là thứ mà ông đã sống với nó, chết với nó nên ngày nào còn sức khỏe, là ông còn đọc, còn viết. Rồi ông bảo,thực sự thì văn chương cũng mang lại cho ông nhiều thứ. Từ ngày khốn khó sống bằng nhuận bút, đến xây nhà dựng cửa cũng có phần của nhuận bút, đến tự cứu mình bằng việc mổ tim đặt stant động mạch vành cũng là tiền nhuận bút bao năm tích cóp.

Một điều buồn nhất vào tuổi xế chiều của ông, chính là sự ra đi của người con rể ông rất mực yêu thương, để lại hai đứa cháu nhỏ và cô con gái ông góa phụ khi tuổi đời còn quá trẻ. Hơn 10 năm qua, ông lặng lẽ khép cửa phòng văn, khép cửa tâm hồn, khép cửa những vui buồn bên ngoài cuộc đời ồn ã, để làm nhiệm vụ thay cha của những đứa trẻ, để chăm nom, bảo ban và làm chỗ dựa tinh thần, gắng gỏi bù đắp vết thương đau đớn, xót xa cho con gái và các cháu. Giờ đây, các cháu của ông đã vào đại học, con gái ông cũng đã vững vàng hơn, ông mới thanh thản để xếp sắp lại những thành quả của mình vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa.

200 truyện ngắn, 17 cuốn tiểu thuyết, trong cả một đời làm nghề. Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: “Có hai việc cần thiết vào cuối đời thì tôi đã nỗ lực để làm trong những năm qua, vì con cái tôi không ai quan tâm đến gia tài văn chương của bố, nên nếu mình không làm thì không ai làm cho mình cả, bởi thế tôi hệ thống hóa những điều đã viết, gom góp để hoàn thành nốt những tư liệu dở dang, tổng kê lại những cuốn sách đã xuất bản, những bài báo người ta đã viết về mình. Điều thứ hai là tôi soạn xong di chúc, tài sản chẳng có gì nhiều nhưng không ít những người ra đi đã quên mất việc làm có ý nghĩa này với thế hệ mai sau. Không ít bạn bè văn chương của tôi, sau khi biết tôi làm di chúc đã… mượn để tham khảo. Nói thì vui vậy, nhưng thực sự phải hoàn toàn thanh thản chuẩn bị cho mình mọi tâm thế an lành nhất, để có thể yên tâm một điều rằng, sinh ra trên cõi đời này, mình đã tận tâm, tận lực đến cùng để có thể có một cuộc đời tròn vẹn nhất…”.

Thiên Kim
Giới thiệu tác phẩm 'cuối đời' của Ma Văn Kháng
Giới thiệu tác phẩm 'cuối đời' của Ma Văn Kháng

Tiểu thuyết “Chuyện của Lý” của nhà văn Ma Văn Kháng đã chính thức ra mắt bạn đọc Thủ Đô. Hoạt động do Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức có sự tham dự của nhiều nhà văn, lý luận phê bình, đông đảo bạn bè, người yêu văn học trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN