Phim 'Ký ức Điện Biên' chiếu trong Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị điện ảnh tổ chức Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 năm 2024.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim "Ký ức Điện Biên". Ảnh: vtcnews.vn

Theo đó, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Đợt phim trong phạm vi cả nước, từ ngày 30/4 đến ngày 20/5/2024.

Các phim được chọn chiếu trong Đợt phim gồm: Phim truyện “Ký ức Điện Biên” (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất). Các phim tài liệu: “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất), “Điện Biên Phủ” và “Đồng hành cùng lịch sử” (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất). Các phim hoạt hình “Rừng xanh nổi giận” và “Bà già siêu quậy” (Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất).

Trong đó, bộ phim truyện “Ký ức Điện Biên” được chiếu trong Tuần phim lần này do đạo diễn Đỗ Minh Tuấn thực hiện, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vào năm 2004, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim được tái hiện qua trí nhớ của Bạo và Bernard. Câu chuyện xuyên suốt bộ phim là cuộc gặp gỡ giữa Bernard, Bạo và Mây. Bernard là một trung sỹ thuộc đơn vị Huguette 1 trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh. Vì quá chán ghét chiến tranh và không chịu nổi khi chứng kiến cảnh đồng đội bị cưa chân mà không có thuốc mê, Bernard đầu hàng để bảo toàn mạng sống của mình. Bạo là một chiến sỹ trong đơn vị bộ đội, anh được lệnh dẫn Bernard về hậu phương để khai thác thông tin.

Dọc đường đi, Bernard bị thương trong một trận rải bom của quân Pháp. Cả hai tình cờ gặp Mây, một y tá trong đơn vị dân công đang tải gạo lên chiến trường. Vì muốn nhanh chóng trở về đơn vị, Bạo đã nhờ Mây đi cùng mình để chăm sóc cho Bernard. Câu chuyện trở nên rắc rối khi Bernard đột ngột muốn quay lại chiến trường, để khai thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh, vì trên đường đi Bernard đã thấy rất cảm phục khi quân và dân ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tới cùng vì độc lập. Kéo theo sự trở về của Bernard là hàng loạt những hiểu lầm, những sự đau khổ của Bạo trong tình yêu đầu đời thầm lặng với Mây. Nhưng, vượt lên trên tất cả những tình cảm cá nhân ấy, họ vẫn chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì ngày toàn thắng.

Được đánh giá là bộ phim hay về Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ phim truyện “Ký ức Điện Biên” hấp dẫn khán giả ở sự đan xen giữa ký ức và hiện tại, sự kết hợp khéo léo giữa hồi tưởng quá khứ và mong ước tương lai. Những cảnh chiến đấu được đặc tả một cách chân thực, sống động, giúp khán giả cảm nhận rõ ràng sự nguy hiểm, hy sinh của bộ đội trong những trận đánh giữa quân ta và quân Pháp. Khán giả cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất Điện Biên với màu trắng tinh khiết của hoa ban hay vị ngọt thanh của hoa dong riềng…

Bên cạnh những hình ảnh đậm chất chiến tranh như những hào bốt, những tiếng bom đạn, cảnh chiến đấu hay những xác chiến la liệt trên thực tế chiến trường, khán giả còn thấy được khao khát hòa bình qua điệu múa cầu hồn hay hình ảnh những người lính Pháp hóa thành những con bồ câu trắng trong trí tưởng tượng của Bernard được đạo diễn thể hiện trong bộ phim.

Phương Hà (TTXVN)
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nguồn cổ vũ, cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nguồn cổ vũ, cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đó là nhận định chung của báo chí Argentina trong những ngày này nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN