Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với nhan đề "Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc".


Trong dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (gọi chung là dự thảo văn kiện), những nội dung về văn hóa, xã hội được trình bày thành 4 vấn đề, trong đó có một phần riêng, cụ thể nói về “Phát triển văn hóa, xây dựng con người”. 

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Với nhan đề "Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc" bài viết nhằm làm rõ hơn những điểm đáng lưu ý trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam:

Trong nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vị trí và vai trò của văn hóa. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Gần đây, trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", Đảng ta lại nhấn mạnh sức mạnh nội sinh của văn hóa, gắn văn hóa với con người, tập trung xây dựng và phát triển con người. Đó là những thành tựu lớn trên lĩnh vực nhận thức và lý luận về văn hóa.

Với sự phát triển về nhận thức như vậy, trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Đầu tư cho các hoạt động văn hóa dần dần được nâng cao. Bộ mặt về đời sống văn hóa của đất nước trên một số mặt, đã có thành tựu rõ rệt. 

Tuy vậy, có một thực tế mà không ai có thể phủ nhận: Cứ sau mỗi kỳ đại hội 5 năm, những nhận định về sự xuống cấp của môi trường văn hóa càng nghiêm trọng hơn, sự tha hóa của con người càng gay gắt hơn.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Có lẽ đó phải là câu hỏi lớn mà mỗi chúng ta phải suy nghĩ, phải trả lời.

Về vấn đề này, trong dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng, phần "Phát triển văn hóa, xây dựng con người" có viết: "Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên đây chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải".

Viết như vậy là đúng, vì cán bộ luôn đóng vai trò quyết định. Nhưng, đã thật trúng chưa? Nếu chỉ dừng lại đây thôi, thì e rằng chúng ta vẫn chưa tìm ra những giải pháp thật cụ thể, thiết thực để khắc phục tình trạng đó. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này... vì sao việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm... vì sao có lúc có nơi văn hóa bị coi nhẹ, thậm chí buông lỏng? 

Rõ ràng ở đây có vấn đề nhận thức và tư tưởng. Phải thấy rằng các quan điểm mới của Đảng về văn hóa là kết quả của một quá trình nghiền ngẫm, suy tư của toàn Đảng, toàn xã hội, trong đó giới tinh hoa của Đảng và của dân tộc đóng vai trò quan trọng. Thiếu sự nghiền ngẫm suy tư đó thì làm sao có quá trình đổi mới và phát triển nhận thức. 

Vì vậy để khắc phục tình trạng trên, vấn đề đầu tiên phải đặt ra là bồi dưỡng nhận thức lý luận mới cho toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành để họ tiếp cận đầy đủ các quan điểm mới của Đảng về văn hóa. Đây là việc làm khá công phu, mà một buổi giới thiệu về nghị quyết, như chúng ta thường làm, sẽ khó đạt mục đích. Nói cách khác, phải thay đổi cách học nghị quyết. 

Người học nghị quyết, đặc biệt những nghị quyết có tính chuyên đề, phải có thời gian để người học suy ngẫm về các nội dung mới, phải bàn luận, trao đổi, phải tự liên hệ với nhận thức cũ để vươn tới nhận thức mới, quan điểm mới của nghị quyết.

Ngoài hạn chế về nhận thức, còn một hạn chế khác không thể không bàn tới. Đó là hạn chế về tư tưởng. Ai cũng biết lĩnh vực văn hóa là lĩnh vực thuộc về đời sống tinh thần, ở đó cái nổi lên là các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Người sáng tạo ra các giá trị văn hóa và người chuyển giao các giá trị văn hóa đến với quần chúng đều phải tự khuôn mình vào các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Vì vậy văn hóa thường trở nên xa lạ với những ai còn là tù binh của chủ nghĩa cá nhân, những ai còn sùng bái đồng tiền và quyền lực, những ai còn bị trói buộc trong các giá trị vật chất.

Như vậy vấn đề đặt ra là phải có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao nhận thức và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Trong tất cả các giải pháp đó, việc triển khai một cách thật hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xây dựng chỉnh đốn Đảng, thực chất là hoàn thiện nhân cách con người, là đưa văn hóa vào trong Đảng, trong mỗi cán bộ, đảng viên và trong sinh hoạt Đảng, để Đảng là "đạo đức, văn minh" như Bác Hồ thường dạy. Khi Đảng là "đạo đức, văn minh", thì với vai trò lãnh đạo của mình, các cán bộ, đảng viên sẽ luôn có ý thức nêu gương sáng trong quần chúng. Sức lan tỏa của văn hóa ra toàn xã hội sẽ bắt đầu từ đó. 

Khi đó, và chỉ khi đó, các hoạt động văn hóa mới thực sự đóng vai trò nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng của dân tộc.

TTXVN/Tin Tức
Người phụ nữ Bố Y giữ gìn văn hóa dân tộc
Người phụ nữ Bố Y giữ gìn văn hóa dân tộc

Chị Lồ Lài Sửu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong những người đã khổ công suốt 20 năm sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và phục dựng những bài ca dao, dân ca cùng làn điệu múa dân gian truyền thống của người Bố Y với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN