Bám quốc lộ mưu sinh - Bài cuối: Đường dẫn cầu Thanh Trì thành “chợ hoa quả”

Cầu Thanh Trì được xây dựng nhằm mục đích giảm tải lưu lượng xe cho cầu Chương Dương. Thế nhưng, hiện nay, đoạn đường dẫn lên cầu Thanh Trì, đầu phía Bắc, còn kiêm luôn chức năng của một cái chợ chuyên bán hoa quả.

Vất vả mưu sinh


Đoạn đường dẫn cầu Thanh Trì cách trạm thu phí đi quốc lộ 1 khoảng 5 km trở thành địa bàn buôn bán của nhiều người dân, chủ yếu là người dân địa phương. Họ tề tựu về đây bán ổi, táo và cả bánh mỳ. Mỗi khi có một chiếc xe đi sát bên phải đường là những người bán hàng lại tranh nhau ra mời chào khách, nhiều khi họ còn chạy ra giữa đường, đang tấp nập dòng xe qua lại để tranh khách.

San sát những hàng ổi trên đường dẫn cầu Thanh Trì.


Vùng đất Cự Khối, Đông Dư vốn nổi tiếng xưa nay với hai loại trái cây là ổi và táo. Trước đây, khi chưa có cây cầu Thanh Trì, người dân ở đây thường bán các loại trái cây này cho thương lái, hoặc mang bán tại các chợ trên địa bàn. Song từ khi cây cầu này hình thành với lưu lượng phương tiện qua lại khá đông đúc, một số người dân địa phương đã mang ổi, táo ra đây bán. Ban đầu chỉ có một vài người, sau đó, thấy người nọ, người kia bán được, người dân trong xã đua nhau ra bám mặt đường để bán đặc sản địa phương.


Bà Yến, một người bán ổi, cho biết: “Nhà có 3 đứa con thì 2 đứa đang học đại học, chồng tôi đi khuân vác và làm ruộng thuê chẳng kiếm được bao tiền, còn tôi thì bán ổi ở đoạn đường này. Biết là vi phạm luật giao thông nhưng tôi vẫn cố bán vì khách mua hàng ở đây đông, họ cũng không kì kèo giá cả như khách ở chợ. Trung bình, mỗi ngày tôi cũng thu được khoảng 100.000 đồng tiền lãi”.


Không chỉ có người dân địa phương, mà còn nhiều người từ các địa phương khác đến đây buôn bán. Họ thường lập thành từng nhóm từ 3- 4 người cùng thuê nhà để giảm chi phí. Chị Thu, một người bán bánh mỳ cho hay: “Mấy chị em chúng tôi người thì quê Thái Bình, người thì ở Hưng Yên cùng ra đây bán ổi, táo kiếm sống. Ở quê, sau vụ cấy gặt, chúng tôi chẳng có nghề gì làm thêm; lên trên này kiếm việc còn có đồng ra đồng vào”. Đang trò chuyện với tôi, chị Thu vội lao ra vẫy vẫy tay khi thấy một chiếc xe ô tô 4 chỗ màu đen bật xi nhan hướng về chỗ chị đứng. Chiếc xe chậm chậm đi tới. Xuống xe, 4 nam thanh nữ tú tíu tít nói chuyện rồi nếm thử và chọn ổi. Họ chẳng quan tâm đến giá một cân ổi là bao nhiêu, chỉ kêu chị Thu đưa cho mấy chiếc túi thật to. Họ cũng quên luôn rằng, nơi họ đứng là đường giao thông nên vừa mua, họ vừa cười đùa với nhau. Chị Thu mừng rơn vì gặp được khách sộp. Chỉ những người đi sau chiếc xe ô tô kia là bực mình. Trong khi đường vốn hẹp, nay lại có thêm chiếc ô tô này đỗ chình ình giữa đường nên mỗi khi đi qua điểm này, không ít người tỏ thái độ khó chịu. Nhiều người không giữ được bình tĩnh còn quát ầm lên: “Muốn chết à?”. Chị Thu biết việc làm của mình ảnh hưởng đến việc đi lại của những người tham gia giao thông nhưng “cực chẳng đã mới phải làm như vậy”, chị Thu nói.


Chị Thu kể tiếp, nếu không lao ra vẫy khách thì cả ngày chẳng bán được bao nhiêu cả. Với bánh mỳ, không bán hết hôm nay thì có thể để đến hôm sau bán cũng chẳng sao, nhưng với táo và ổi, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, để từ sáng đến chiều đã “xuống sắc” rồi, nói chi là để đến ngày hôm sau. Vậy nên, những người bán hàng ở đây phải lao ra đường mà vẫy để thu hút được nhiều khách. Bà Tế, một người bán ổi, cho biết: “Năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi nhưng tôi vẫn phải lao ra lòng đường để mời chào khách mua ổi, nếu mình không làm như vậy thì không thể cạnh tranh nổi với những người bán hàng trẻ”.


“Đùa” với tính mạng


Giống như những người bán bánh mỳ ở quốc lộ 5, những người mưu sinh trên cầu Thanh Trì cũng gặp nhiều nguy hiểm. Hầu hết những người bán hàng ở đây cho biết họ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp và mắt do phải đứng bán hàng trong môi trường nhiều khói bụi.


Ngoài ra, những người bán hoa quả ở khu vực này còn phải đối mặt với một mối nguy hiểm khác- đó là khách hàng trả tiền giả khi mua hàng. Ông Thiện, một người bán ổi kể: “Ở đây có không ít người nhận được những tờ tiền giả do khách trả. Tất nhiên, lúc đầu chúng tôi không biết đó là tiền giả hay tiền thật. Sau này mang tiền đó đi mua hàng thì mới phát hiện ra là giả”.


Nguy hiểm hơn là việc bán hàng ngay trên đường dẫn lên cầu khiến họ dễ gặp tai nạn giao thông và cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông cho người khác. Bác Phòng, một người bán ổi và táo tại đây cho hay: “Mặc dù trên đoạn đường này có đèn cao áp nhưng khi trời tối, xe cộ qua lại nhiều, nên nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Bản thân tôi có lần bán hàng vào buổi tối bị xe máy đâm gẫy chân, phải bó bột mấy tháng sau mới đi lại bình thường được”.


Mặc dù chính quyền các phường Cự Khối, Thạch Bàn đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền, thông báo, bắt ký cam kết không tái phạm nhưng tình hình bán hoa quả ở đây vẫn không được cải thiện. Khi nhác thấy bóng công an là những người bán hàng tìm mọi cách bỏ chạy, thậm chí họ sẵn sàng băng qua dòng xe đang tấp nập qua lại để trốn.


Anh Nguyễn Duy Hà, Công an phường Cự Khối cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Công an quận Long Biên, Công an phường Cự Khối bố trí xe tuần tra nhắc nhở, thậm chí thu giữ hàng hóa của những người thường xuyên tái phạm, cắt cử cán bộ dân phòng cắm chốt tuần tra. Khi có mặt lực lượng chức năng, đường thông, không thấy bóng dáng của người bán hàng nào, nhưng khi chúng tôi vừa đi khỏi là họ xuất hiện ngay. Với những người nhiều lần tái phạm, chúng tôi kiên quyết tịch thu hàng, nhưng chỉ vài hôm sau, là họ lại hành nghề ở đây. Nếu dùng biện pháp mạnh như truy đuổi thì họ sẵn sàng ném cả thúng hoa quả về phía lực lượng chức năng. Phải thú thực là cho đến nay, địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng này”.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN