Chụp ảnh dạo - nghề cũ, hồn mới

Chụp ảnh dạo là một nghề đã có từ rất lâu và cho tới cách đây vài năm gần như không còn đất “sống”. Vậy nhưng, một thế hệ người chụp mới với cách làm mới đã làm hồi sinh nghề này.

Không chỉ còn là… dạo

Từ khoảng đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, hình ảnh các phó nháy cổ đeo máy ảnh dạo quanh các khu di tích, bảo tàng, công viên đón khách đã rất đỗi quen thuộc. Giờ đây, thợ ảnh không chỉ chụp cho khách ở các vị trí tương đối cố định và góc chụp cũng… khá cố định như thế nữa. Theo nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng, các bức ảnh ngày càng phải đẹp và đặc biệt là lạ hơn, nên việc xây dựng tour chụp dã ngoại là đòi hỏi tất yếu cho mỗi nhiếp ảnh gia hay nhóm nhiếp ảnh.

Khách hay chọn những địa điểm ngoài trời có khung cảnh đẹp để chụp ảnh.


Đối tượng khách chụp ảnh ngày nay khá đa dạng, nhưng chủ yếu nhất và thường xuyên nhất là các bạn nữ trẻ. Họ hay muốn được thể hiện cá tính của mình thông qua các bức ảnh. Vì thế, địa điểm chụp được thay đổi liên tục, ý tưởng tạo hình cũng phải “độc”.

Thu Nguyệt (sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) đang chụp ảnh tại vườn hoa Quảng Bá (Hà Nội), vui vẻ cho biết: “Bạn em hầu như ai cũng có 1 vài bộ ảnh, hôm nay đi chụp cúc họa mi là album ảnh thứ 3 của em trong năm”. Chia sẻ về việc tại sao nhóm bạn không tự chụp ảnh cho mình mà thuê thợ ảnh, Nguyệt nói: “Máy ảnh của tụi em không phải là máy chuyên dụng, hơn nữa ảnh chụp có qua chỉnh sửa làm album mới đẹp, em muốn có những bức ảnh đặc biệt nhất để lưu giữ về sau. Vả lại, giá tiền làm 1 bộ ảnh không quá cao với khả năng chi trả của em”.

Thời nay, nhu cầu chụp ảnh có quanh năm, không chỉ giới hạn vào dịp lễ Tết như trước nữa: 4 mùa xuân hạ thu đông, các mùa hoa, mùa kỉ yếu… Cầu tăng ắt có cung. Từ những buổi chụp chủ đề như sinh nhật, tiệc cưới, bà bầu, thôi nôi… địa điểm tại gia hoặc nhà hàng tương đối đơn giản, cho đến những yêu cầu đa dạng hơn cần tạo bố cục không gian như chụp bộ ảnh cưới ngoài trời, chụp album mùa hoa…, một số khách hàng cầu kỳ còn thuê thợ chụp ảnh đi du lịch. Khi ấy, các phó nháy lại theo chân khách “dạo” đến mọi nơi được yêu cầu.

Đam mê và bài toán kinh tế


Vậy những thợ chụp ảnh tự do thời nay họ là ai? Phần lớn đó là những người trẻ, tuổi đời không quá 30, chủ yếu là nam. Bởi theo những người trong nghề chia sẻ, công việc này khá vất vả, mức độ ổn định về thời gian cũng như thu nhập thấp, nên không phù hợp với phụ nữ. Và, nghề chụp ảnh dạo giờ đây không còn là nghề cha truyền con nối, mà hầu hết xuất phát từ sở thích cá nhân. Họ có thể là sinh viên, hoặc mới tốt nghiệp đại học, có những người đã đi làm một công việc ổn định, nhưng đều có điểm chung là đam mê với nhiếp ảnh. Có người mua máy ảnh chỉ để đi chụp theo ý muốn mà không làm nghề. Có người làm nghề một cách chuyên nghiệp, họ thành lập công ty hay studio với quy mô lớn, cho thu nhập cao. Còn những người chụp ảnh tự do thì làm nghề để vừa được giữ đam mê, vừa có kinh tế bù đắp vào các chi phí mua sắm máy ảnh, hay giản đơn hơn là mưu sinh.

Ngọc Lân Trần (Hà Nội) - một người chụp ảnh tự do - đã trên 2 năm làm nghề, hào hứng chia sẻ: “Nghề chụp ảnh có nhiều thú vị, như khi tiếp xúc, chụp ảnh cho các bạn trẻ, em học hỏi được tính sáng tạo, sự giao tiếp cởi mở, cũng như biết thêm nhiều xu hướng của giới trẻ, điều đó rất có ích cho công việc chụp ảnh nói riêng và trong cuộc sống nói chung”.

Thợ ảnh Ngọc Tuấn Nguyễn nói thêm: “Khi đi chụp ảnh cho khách bọn em được thỏa sức với đam mê, tìm tòi góc chụp chủ thể mà mình ưng ý nhất, rồi được chia sẻ quan điểm về các bức ảnh với khách hàng, tạo không khí vui vẻ trong công việc. Còn khi đi chụp cho khách ở những địa điểm xa là cơ hội để được đến những nơi mới, tìm tòi khung cảnh mới”.

Bên cạnh niềm vui nghề mang lại, thợ ảnh tự do cũng gặp không ít khó khăn khi trời quá nắng nôi, hay vừa chụp được vài tấm thì bắt đầu đổ mưa, hoặc những cảnh cần nhiều đạo cụ phụ trợ cũng như thêm người hỗ trợ. Công nghệ phát triển liên tục nên họ phải thường xuyên nâng cấp máy ảnh tốt hơn, phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa, máy tính, máy in… vô cùng tốn kém.

Ngọc Lân Trần chia sẻ: “Mỗi buổi chụp của tụi em trong phạm vi khoảng 15 km, cho 1 mẫu, từ 20 - 25 bức ảnh là khoảng 500.000 đồng, cho nhóm mấy người cũng chỉ đến 1 triệu đồng. Ngoài thời gian đi chụp, em phải mất khá nhiều thời gian để lựa chọn ra các bức ảnh ưng ý, chỉnh sửa làm tông... Khách hàng thì không đều, lúc đơn hàng nhiều quá làm việc bị oải, và thấy nhàm chán, khi ngày nào cũng chụp cùng một chủ đề. Lúc lại ít khách, có khi nhiều ngày em chỉ đi chụp chơi”.

Để được theo đuổi đam mê, các nhiếp ảnh gia tự do đang tìm cách cân bằng cuộc sống bằng việc làm nghề để kiếm tiền. Nhưng họ cũng phải luôn nuôi dưỡng niềm đam mê ấy bằng các buổi sáng tác ngẫu hứng, để sao cho không bị rơi vào trạng thái “tiền càng tăng, đam mê càng giảm” như Ngọc Lân Trần nói: “Ngày nào mà cũng đi chụp, tối về cặm cụi sửa, rồi trả ảnh, hôm sau lặp lại guồng quay liên tục như thế, thì chả còn sức đâu mà yêu nhiếp ảnh nữa”.

Bài và ảnh: Bùi Thu Hằng

Đại hội Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam

Ông Vũ Quốc Khánh,Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, hơn 500 đại biểu, đại diện cho các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong cả nước sẽ tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, diễn ra từ ngày 5-7/12/2014 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN