Chuyển rừng nghèo sang trồng cao su chưa hiệu quả

Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên đất chuyển đổi rừng nghèo ở tỉnh Gia Lai, qua 7 năm triển khai, vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện như dự án bị kéo dài và chưa có cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời.

Công tác giám sát thực tế của Hội đồng nhân dân tỉnh cho thấy, đến nay, các doanh nghiệp được giao đất trồng cao su trên đất rừng nghèo theo dự án chỉ mới trồng được 25.500 ha, đạt trên 51% kế hoạch. Một số diện tích khác đã khai hoang nhưng chưa trồng hoặc chuyển sang các loại cây trồng khác không đúng mục đích. Chất lượng phát triển vườn cây nhìn chung tương đối tốt (tỷ lệ cây sống hơn 90%). Tuy nhiên, có một số diện tích có chất lượng phát triển kém (tỷ lệ cây sống đạt 65%), có lô bị chết hoàn toàn. Có những vườn cây trồng được hơn 7 năm nhưng cây chỉ có chiều cao trung bình 4 m, đường kính thân cây khoảng 10 cm dẫn đến năng suất và khai thác chất lượng mủ thấp.

Một cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ trong rừng phòng hộ đông bắc Chư Păh.
Ảnh: Hoài Nam-TTXVN


Việc tuyển dụng lao động để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án còn ở mức thấp. Chỉ có 2.254 lao động được tuyển dụng dài hạn; trong đó, số lao động dân tộc là người tại chỗ có hơn 750 người; số lao động còn lại đều là người ở các địa phương khác đến do doanh nghiệp tuyển dụng. Mức lương và tiền công của công nhân cũng thấp: Lao động dài hạn có mức lương trung bình từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng và tiền công lao động thuê mướn theo thời vụ từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày.

Hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ theo cam kết mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ an sinh xã hội trong vùng dự án trồng cao su. Dự án đầu tư được phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 4.500 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2014 các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được gần 300 tỷ đồng. Riêng về phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu là đầu tư cho các doanh nghiệp như xây dựng nhà ở, nhà nghỉ trưa cho công nhân, khu nhà làm việc của đơn vị... chứ không phải đầu tư cho địa phương trong vùng dự án.

Kiểm lâm tiến hành đo đếm số gỗ bắt được. Ảnh: Hoài Nam-TTXVN



Qua 7 năm triển khai thực hiện dự án, theo quy định đến nay các doanh nghiệp chưa phải nộp một khoản kinh phí nào vào ngân sách nhà nước về việc giao đất. Trong khi đó, khoản tiền bán gỗ, củi trên diện tích khai hoang, các doanh nghiệp vẫn còn nợ ngân sách tỉnh hơn 8 tỷ đồng.

Theo ông Rơ Lan Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc tổ chức triển khai thực hiện dự án còn mang tính chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc giao đất, nên thiếu sự chặt chẽ trong khâu khảo sát về điều kiện thổ nhưỡng, địa hình phù hợp; chú trọng đến khâu phát triển diện tích trồng mới cao su chứ chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội. Các bộ ngành Trung ương và địa phương cũng chưa có cơ chế chính sách kịp thời trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án như trồng lại rừng trên diện tích trồng cao su bị chết hoặc kém phát triển, cũng như một số diện tích đã khai hoang nhưng chưa trồng hoặc các doanh nghiệp chủ động trồng một số khác không đúng mục đích.

Trước thực trạng này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quyết định kết thúc việc phát triển cây cao su trên đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo kiệt; đồng thời chỉ đạo triển khai các dự án trồng rừng, trồng rừng thay thế, phục hồi rừng nghèo tại các vùng dự án trồng cao su nhằm tránh lãng phí về tài nguyên đất. Đối với địa phương, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người trồng cao su, đảm bảo cho các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cũng như nghĩa vụ đối với địa phương theo cam kết ban đầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội...

Văn Thông
Chính sách về rừng phải đủ mạnh và khả thi
Chính sách về rừng phải đủ mạnh và khả thi

Hiện nay công tác quản lý và bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập. Tài nguyên rừng trên địa bàn ngày càng bị suy giảm, thu hẹp, đất rừng bị lấn chiếm trái phép ngày càng tăng, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN