Công nghệ số khiến thông tin càng phải nâng cao để hút độc giả

Tại Hội thảo “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Liên chi hội nhà báo TTXVN và Hãng tin Reuters tổ chức ngày 6/11, các đại biểu đã chia sẻ các vấn đề về cách thức đăng tải thông tin kinh tế trong thời đại kỹ thuật số.

Tại Hội thảo “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Liên chi hội nhà báo TTXVN và Hãng tin Reuters tổ chức ngày 6/11, các đại biểu đã chia sẻ các vấn đề về cách thức đăng tải thông tin kinh tế trong thời đại kỹ thuật số; thực trạng, những câu chuyện thực tế cũng như giải pháp cho vấn đề phối hợp giữa cơ quan báo chí và doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục phó Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết: Hiện nay, vẫn còn nhiều nguyên nhân chủ quan khiến cách thức đưa thông tin kinh tế chưa được như kỳ vọng. Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu chính xác đã gây ảnh hưởng xấu tới bản thân các doanh nghiệp và nhận định của xã hội. Với lĩnh vực đặc thù là kinh tế, thông tin kinh tế cần phải đảm bảo tính trung thực.


“Trong bối cảnh kỷ nguyên kỹ thuật số, thay vì việc tạo ra sự khác biệt thì nhiều tờ báo lại chạy đua cạnh tranh theo hướng dễ dãi đưa tin, dễ dãi tuyển chọn nhân sự. Thậm chí có những phóng viên kinh tế còn lẫn lộn các khái niệm kinh tế, trong khi độc giả ngày càng thông minh", ông Lê Quốc Minh, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN, Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) nói.


Ông Lê Quốc Minh, Phó Chủ tịch Liên chi hội nhà báo TTXVN phát biểu tại Hội thảo.


Tại Hội thảo, hầu hết các diễn giả đều đề cập tới sức ép của báo chí cũng như doanh nghiệp trước áp lực kỷ nguyên kỹ thuật số, trước áp lực thông tin trên các tờ báo mạng, trên các trang xã hội... Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư chia sẻ: Theo số liệu thống kê mới nhất, cứ 3 người Việt Nam thì có 1 người đang sử dụng điện thoại thông minh, thiết bị góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng tốc độ phổ cập Internet lên 44% (cách đây một thập niên là 12%). Có đến 30 triệu người sử dụng Facebook thường xuyên tính đến Quý 1/2015 (năm 2012 là 8,5 triệu người), đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của mạng xã hội này.


Theo ông Tuấn, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của bạn đọc, đòi hỏi các tòa soạn báo đang phải thay đổi mô hình hoạt động và phương thức truyền tải thông tin để giữ và phát triển bạn đọc.


“Với sự xuất hiện của các mạng xã hội, blog, báo chí chính thống không còn là kênh thông tin độc quyền thậm chí là chủ đạo trong việc đưa tin tức ra cộng đồng. Hầu hết các doanh nghiệp lớn Việt Nam đã có website riêng và trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp còn đầu tư rất mạnh và thành lập các bộ phận chuyên nghiệp cho công tác truyền thông trên mạng xã hội, cứ nhân viên tham gia chủ động vào các diễn đàn trên mạng để cung cấp thông tin và phòng tránh khủng hoảng thông tin từ xa”, đại diện Báo Đầu tư nói.


Một số ý kiến cho rằng: Trước sự thay đổi đó, việc đưa tin kinh tế đòi hỏi phải thay đổi theo như: Tính cập nhật, độ chuyên sâu và đa chiều trong các tin tức và bài phân tích phải cao hơn rất nhiều so với trước đây. Việc phân loại thông tin tùy theo kênh phát hành qua báo giấy, báo điện tử, mobile phải kỹ lưỡng hơn và có sự khác biệt. Kênh điện tử thường được ưu tiên về tốc độ, còn trên ấn phẩm báo giấy chú trọng về thiết kế, mức độ chuyên sâu trong phân tích thông tin.


Các phóng viên khi tác nghiệp, không chỉ dựa vào các nguồn tin truyền thống mà phải hoạt động tích cực trên các mạng xã hội, tham gia vào các diễn đàn kinh tế để tìm kiếm đề tài, các vấn đề mà xã hội quan tâm.

Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN