Huyện Đắk Song cần trả ngay "tiền tăng thay" cho giáo viên

Nhiều tháng nay, hàng chục giáo viên tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song rất bức xúc vì khoản tiền mà giáo viên được hưởng khi đứng lớp dạy thêm ngoài số tiết theo quy định (tiền tăng thay) năm học 2012 - 2013 và học kỳ I năm học 2013 - 2014 đến nay vẫn chưa được quyết toán.


Tiền trợ cấp đối với công chức, viên chức, cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa được giải quyết dù theo quy định các thầy cô công tác tại đây được hưởng từ đầu năm 2014. Sự chậm trễ này khiến nhiều giáo viên rơi vào tình cảnh vất vả, nhất là tại khu vực còn nhiều khó khăn như xã Thuận Hạnh.

Việc các giáo viên bị chậm quyết toán tiền tăng thay không phải là lỗi do giáo viên. Ảnh:Hiền Hạnh – TTXVN

Theo một số giáo viên đang giảng dạy tại Trường tiểu học Kim Đồng, xã Thuận Hạnh: Trước đây, tiền tăng thay được quyết toán vào cuối mỗi năm học và chi trả đều đặn cho giáo viên. Nhưng riêng năm học 2012 - 2013 và học kỳ I năm học 2013 - 2014 thì chưa thấy chi trả. Các giáo viên đã nhiều lần hỏi thăm, khiếu nại lên Ban giám hiệu nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời rõ ràng.

Thêm nữa, theo quy định, từ tháng 1/2014, các giáo viên công tác tại Trường tiểu học Kim Đồng, cũng như một số trường trên địa bàn xã Thuận Hạnh được hưởng chế độ trợ cấp đối với công chức, viên chức, cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đến nay đã gần hết năm 2015 vẫn chưa được giải quyết.

Cô Vũ Thị Ninh, một giáo viên đã công tác 26 năm tại trường cho biết, bản thân cô và nhiều giáo viên trong trường rất thắc mắc về vấn đề này nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng.

Thầy Phan Duy Hòa, Phó hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần hỏi thăm và chỉ được lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện trả lời là chưa được quyết toán hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho Nhà trường do chậm trễ trong việc làm hồ sơ; lúc thì trả lời là nhà trường tự cân đối chứ không được quyết toán nữa. Cho nên, đến nay nhà trường vẫn chưa thể trợ cấp cho giáo viên.

Theo cô Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Kim Đồng: Các giáo viên đều hoàn thành việc kê khai hồ sơ vào cuối mỗi tháng. Vì vậy, nếu có chậm trễ trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục để thanh quyết toán thì không phải là lỗi giáo viên. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện có trách nhiệm xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan. Liên quan đến tiền trợ cấp theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ, tập thể giáo viên nhà trường đã có đơn khiếu nại gửi các đơn vị liên quan đề nghị xem xét, giúp đỡ.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Song: Việc nhiều giáo viên tại Trường tiểu học Kim Đồng cũng như một số trường khác trên địa bàn huyện chưa được quyết toán tiền tăng thay trong năm học 2012 - 2013 và học kỳ I năm học 2013 - 2014 là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do việc mở lớp tăng thay không hợp lý; giáo viên được chọn đứng lớp tăng thay có hệ số lương cao nên tiền trợ cấp rất cao; một số đơn vị chậm trễ trong việc làm hồ sơ thanh, quyết toán… Tại một số cuộc họp mới đây, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã yêu cầu Ban Giám hiệu các trường liên quan tự cân đối kinh phí để chi trả cho giáo viên, với lý do hiện nay không có nguồn từ ngân sách nhà nước để thanh, quyết toán.

Được biết, tổng số tiền hiện nay gần 900 triệu đồng.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hương, yêu cầu của Phòng Giáo dục - Đào tạo về việc Ban Giám hiệu các trường tự cân đối, chi trả đã được lãnh đạo các trường đồng ý và không ai có ý kiến khác. Về hạn định cho việc các trường tự cân đối, bà Hương cho biết đã nêu rõ là cuối năm học 2015 - 2016 các trường phải giải quyết xong. Nếu có khó khăn, vướng mắc gì thì báo lại sớm để Phòng biết và xử lý. Liên quan đến tiền trợ cấp theo Nghị định 116, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng do chưa được cấp nên chưa thể chi trả về cho các trường.

Rõ ràng, việc các giáo viên bị chậm quyết toán tiền tăng thay không phải là lỗi do giáo viên. Việc bà trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk Song cho rằng không quyết toán được là do chậm trễ, hay do Ban Giám hiệu một số trường mở lớp trái quy định, hoặc hiện nay đã chậm trễ nên không thể thanh quyết toán là không hợp lý. Bởi lẽ, các lý do mà lãnh đạo ngành giáo dục huyện Đắk Song đưa ra đều là lỗi của các bên liên quan như Ban giám hiệu, bộ phận kế toán, chức năng một số trường hoặc của Phòng Giáo dục - Đào tạo. Việc giáo viên phải gánh chịu trong khi không phải lỗi của họ là không hợp lý. Thêm nữa, yêu cầu các trường tự cân đối để chi trả số tiền này cũng không thuyết phục, nhất là nhiều trường trong số này nằm trong khu vực còn nhiều khó khăn, cả kinh phí ngân sách cấp lẫn kinh phí xã hội hóa đều rất hạn chế.
Hưng Thịnh
Nỗi khổ của giáo viên văn hóa kiêm dạy nghề
Nỗi khổ của giáo viên văn hóa kiêm dạy nghề

Kể từ năm 2006 đến nay, hầu hết các trường THPT, thầy cô giáo bậc học này rất đau đầu, với nhiều nỗi khổ nhọc không thể diễn tả hết được khi tổ chức thực hiện hoạt động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN