Làng văn hóa du lịch - lịch sử

Với gần 20 điểm di tích lịch sử và những nét văn hóa truyền thống còn được lưu truyền, đồng bào Tày ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) luôn tự hào về ngôi làng của mình. Làng Tân Lập năm 1945 được biết đến là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”.

 

Đến nay làng Tân Lập đang trở thành làng văn hóa du lịch - lịch sử trên quê hương cách mạng Tuyên Quang, nơi du lịch “về nguồn” của người dân cả nước.


Những dấu ấn


Những chiếc ô tô chở khách du lịch ra vào tấp nập là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về thôn Tân Lập, nơi còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc, nơi các cơ quan trung ương đặt trụ sở làm việc trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 

Người dân thôn Tân Lập tự hào vì vẫn giữ được nếp nhà sàn truyền thống.


 

Ông Ma Anh Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập, cho biết: Làng Tân Lập trước đây gọi là làng Kim Long (Rồng vàng), khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ làng Kim Long đổi thành làng Tân Lập (nền độc lập mới). Làng Tân Lập không chỉ có phong cảnh “sơn thủy hữu tình”, mà còn có một vị trí chiến lược quân sự, thuận tiện cho phong trào cách mạng phát triển, khi thuận tiện có thể dễ dàng tấn công, khi gặp khó khăn có thể phòng ngự. Từ vị trí chiến lược quan trọng này, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Tân Lập được chọn là “Trung tâm Thủ đô lâm thời khu giải phóng”, là nơi liên lạc giữa các vùng Việt Bắc, Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ. Khi đó, làng Tân Lập chỉ có 23 hộ gia đình dân tộc Tày, nhà nào cũng được sử dụng phục vụ cho cách mạng, nhà đặt cơ quan in báo, nhà đặt điện đài, nhà dành cho bộ đội đóng quân. Trong đó, có những ngôi nhà đã trở thành di tích lịch sử, như nhà của ông Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở khi chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào; nhà của ông Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc trong thời gian tiến tới Tổng khởi nghĩa, từ ngày 21/5 đến ngày 16/8/1945.


Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Tuấn cho biết: Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử. Dưới gốc đa Tân Trào, ngày 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân, đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội...Từ giây phút đó, cây đa Tân Trào trở thành biểu tượng của Cách mạng tháng Tám, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. Từ lễ xuất quân này, đội quân giải phóng đã phát triển, trở thành những binh đoàn hùng mạnh, đi suốt dọc dài đất nước, đánh thắng kẻ thù xâm lược, làm nên những chiến công vang dội của quân đội nhân dân Việt Nam.


Phát huy bản sắc văn hóa


Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, làng Tân Lập còn lưu giữ được những giá trị văn hóa của dân tộc Tày trong những ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người. Tân Lập có 181 hộ gia đình, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 97%, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ.
Là một trong rất ít những hộ gia đình trong làng còn lưu giữ được ngôi nhà sàn cổ, ông Nguyễn Văn Bế chia sẻ: Nhà sàn của dân tộc Tày thường được xây dựng theo những nguyên tắc số lẻ. Nhà làm bằng gỗ, lợp bằng lá cọ dày, thường từ 3 đến 5 gian, nhà có hai cửa, một cửa chính, một cửa phụ và rất nhiều cửa sổ ở phía trước; cầu thang lên nhà cũng phải có 9 bậc... Nhà sàn của dân tộc Tày không đơn thuần chỉ để ở, nó còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa: Nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc biệt là những làn điệu then, cọi đặc trưng của người Tày...

 

Những sản vật của địa phương, hay những bức ảnh và sách viết về lịch sử cách mạng được người dân bày bán phục vụ du khách.

 

Đánh giá công tác bảo tồn những ngôi nhà sản cổ, ông Ma Anh Tuấn, Trưởng thôn Tân Lập chia sẻ: Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân trong thôn giữ gìn nếp sống văn hóa, thôn còn vận động các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ giúp người dân trong làng xây dựng những ngôi nhà sàn bằng bê tông giả gỗ, vừa giữ được văn hóa truyền thống vừa bảo vệ rừng. Đồng thời, vận động người dân thường xuyên vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan khuôn viên nhà ở sạch, đẹp; phổ biến đến người dân văn hóa làm du lịch, phát triển dịch vụ, gắn bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch với chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương...


Đang say sưa trong câu chuyện về những ngôi nhà sàn cổ, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng đàn hát then và tiếng đàn tính rộn ràng từ ngôi nhà bên cạnh. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, ông Bế giải thích: Đó là đội văn nghệ của làng đang tập văn nghệ để tối nay biểu diễn phục vụ du khách.

 

“Làng văn hóa du lịch” Tân Lập xanh tươi, trù phú.


Chị Lưu Thị Phương, Đội trưởng văn nghệ làng Tân Lập cho biết: Đội văn nghệ được thành lập từ năm 2006, với 11 người. Ban đầu đội văn nghệ được thành lập với mục đích bảo tồn làn điệu then, cọi của dân tộc, nhưng khi Tân Lập phát triển thành “Làng văn hóa du lịch”, đội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang tập huấn thêm về hát then, cọi, phong cách biểu diễn,để phục vụ du khách.


Chị Phương cũng cho biết thêm, hát then là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của dân tộc Tày. Các khúc hát then thường nhằm cầu cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng bội thu, luôn hướng con người làm điều thiện, tránh điều ác... Hiện nay, nghi lễ then của người Tày đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, trong thời gian tới đội văn nghệ đang tiến hành sưu tầm và học thêm nhiều làn điệu then, cọi và vận động người dân địa phương tham gia vào đội văn nghệ...


Ông Hoàng Cao Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Thôn Tân Lập nằm trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Tân Trào, nên việc xây dựng Tân Lập trở thành “Làng văn hóa du lịch” là cơ hội để bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ và nâng cao thu nhập... Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu phát triển Tân Lập trở thành “Làng văn hóa du lịch” vào năm 2015, UBND xã đang kêu gọi sự ủng hộ, các tổ chức, doanh nghiệp cho người dân trong thôn. Đến nay đã huy động được hơn 2 tỷ đồng và đang tiến hành giúp người dân trong thôn Tân Lập xây dựng 13 nhà sàn bằng bê tông giả gỗ. Bên cạnh đó, xã cũng đang giúp người dân xây dựng gạo “Kén” Tân Lập trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch với khách tham quan...


Bài và ảnh: Phạm Yến

Những người “gác” đình Hồng Thái
Những người “gác” đình Hồng Thái

Với mong muốn bảo vệ di tích lịch sử của quốc gia và cũng là ngôi đình của làng, các thành viên của Hội Người cao tuổi xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã tự nguyện trông coi đình Hồng Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN