Ly nông, ly cả… việc làm

Khi thực hiện các dự án thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp (KCN), khu đô thị, các địa phương đều đặt ra vấn đề tạo việc làm mới, giúp người dân chuyển sang làm công nhân, dịch vụ, theo phương châm “ly nông, bất ly hương”. Tuy nhiên, việc chậm chuyển đổi nghề để thích ứng với hoàn cảnh mới, đã khiến nhiều cư dân khu vực bị thu hồi đất lao đao.


Không nhận lao động nam

Đẩy chiếc xe ép nước mía vào vỉa hè con đường chính của thôn Núi Hiển (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), Nguyễn Văn Chung (26 tuổi) lúi húi bày bàn, ghế nhựa chuẩn bị bán hàng. Chung cũng như hàng trăm thanh niên ở nông thôn đang lâm vào cảnh thất nghiệp vì không doanh nghiệp nào trên địa bàn nhận vào làm việc.

Thanh niên thất nghiệp tìm việc tại các trung tâm giới thiệu việc làm tại quận huyện tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Nguyễn Văn Chung, đã từ lâu, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn không tuyển dụng lao động nam, chỉ tuyển lao động nữ. Nếu là lao động nam, phải có hộ khẩu ở tỉnh khác, địa bàn khác đến dự tuyển. Nam giới có hộ khẩu ở địa phương là các công ty kiên quyết không nhận.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh:

Còn khá nhiều thanh niên các gia đình có đất bị thu hồi tại các quận, huyện ngoại thành TP Hồ Chí Minh không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định. Nguyên nhân là do công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng đủ để thanh niên có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Một bộ phận lớn thanh niên có đất bị thu hồi không có khả năng tìm kiếm việc làm mới do trình độ lao động không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề, thời gian đào tạo ngắn, năng lực lao động không cao nên sau một thời gian được nhận vào các KCX- KCN, các doanh nghiệp lại xin thôi việc, rơi vào tình trạng thất nghiệp từng phần hoặc toàn phần. Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động còn ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vào tiền đền bù mà chưa tự mình tìm kiếm việc làm. Đồng thời các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh cho số thanh niên có nhu cầu được vay vốn để tổ chức sản xuất, tự tạo việc làm chưa nhiều…

Hoạt động đào tạo nghề cho lao động thanh niên khu vực nông thôn nói chung và thanh niên có đất bị thu hồi nói riêng hiện chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Việc triển khai công tác này còn lúng túng và chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế, thiếu định hướng dài hạn và quy hoạch phát triển kinh tế của từng quận, huyện.

Hiện tượng doanh nghiệp chê lao động nam không chỉ xảy ra trong vài doanh nghiệp đặc thù ở KCN Quang Châu, mà theo khảo sát của phóng viên Tin Tức, tại các xã nông nghiệp dọc tuyến quốc lộ 1A mới, nơi tập trung 3 KCN lớn của tỉnh Bắc Giang như KCN Quang Châu, KCN Đình Trám, KCN Vân Trung..., người dân các xã đều cho biết, không doanh nghiệp nào nhận lao động nam của địa phương, lý do để “dễ quản lý” hơn.

Người dân tại thôn Dộc, xã Hoàng Mai, huyện Việt Yên cho rằng, trong khi các doanh nghiệp đối xử thiếu công bằng như vậy, thì chính quyền huyện Việt Yên và tỉnh Bắc Giang lại không có biện pháp can thiệp. Bà Nguyễn Thị Sen cho biết: “Khi Nhà nước lấy đất ruộng làm KCN, cán bộ luôn nói rằng KCN đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn sẽ được doanh nghiệp nhận vào làm việc. Yên tâm với cam kết như vậy chúng tôi mới đồng ý cho Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp làm KCN. Có ai ngờ bây giờ chúng tôi ra cảnh thất nghiệp thế này”.

Ông Nguyễn Quang Huynh, trưởng thôn My Điền 2, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên cho hay, thôn hiện có tới 250 lao động nam không có việc làm, chủ yếu từ 18 - 45 tuổi; cả ngày chỉ “lông bông”. “Thôn tôi bị lấy tới 95% đất nông nghiệp. Giờ thì dân không có đất, không có nghề, trong khi các doanh nghiệp xung quanh lại chỉ tuyển lao động nữ, chúng tôi chẳng biết kêu ai!”, ông Huynh bức xúc.

“Tình trạng nông dân mất đất, thanh niên không được các doanh nghiệp tuyển dụng, năm nào cũng được HĐND xã báo cáo phản ánh với tỉnh. Nhưng suốt từ năm 2002 lại đây, tỉnh thì cứ lấy đất làm KCN, còn nông dân thì thất nghiệp ngày càng nhiều”.

Bươn chải tự kiếm việc

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (phường Tân Phú, quận 9, TP Hồ Chí Minh) có hơn 350 m2 đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng Khu công nghệ cao Thành phố. “Năm 2005, gia đình tôi bị thu hồi đất nông nghiệp và được phường giới thiệu, tư vấn học các nghề như may mặc, sửa xe máy, cơ khí… Tuy nhiên, tôi thấy những nghề này không phù hợp với nhu cầu của xã hội, học xong cũng rất khó xin được việc, vì vậy, tôi đã tự đi học và tự đi tìm việc làm”, anh Dũng cho biết.

Cũng trong tình cảnh tương tự, nhà chị Nguyễn Hồng Oanh, (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị thu hồi gần 100 m2 đất để xây dựng KCN. “Chúng tôi có tham gia học nghề may theo chương trình đào tạo nghề nông thôn 1956 trước đây, nhưng chỉ làm việc một thời gian, doanh nghiệp viện nhiều lý do rồi không nhận làm việc tiếp. Thường công nhân may tại đây chỉ trụ được 3 năm là doanh nghiệp “thanh thải” để nhận lớp trẻ hơn. Do đó, để ổn định lâu dài, tôi chuyển sang học nghề mây tre đan, rồi nhận hàng về nhà làm”, chị Oanh cho biết.

Ông Trần Văn Phụng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: “Xã bị thu hồi hơn 40% diện tích đất nông nghiệp làm KCN. Điều lo lắng nhất là sau khi thu hồi đất là việc làm cho người lao động, nhất là thanh niên. Nếu không có việc làm sẽ dễ sa vào tệ nạn xã hội. Sau khi thu hồi đất, người dân muốn chuyển sang kinh doanh dịch vụ, tuy nhiên việc đào tạo nghề để người dân chuyển đổi còn rất hạn chế và đa số thanh niên tự tìm việc làm”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đối tượng hộ dân thuộc Quỹ 156 (quỹ hỗ trợ người dân bị thu hồi đất) rất lớn, nhưng đa số họ thường xuyên di chuyển chỗ ở, hoặc không xác định được chỗ ở sau di dời, không để lại thông tin liên lạc, vì vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số nhân viên mới tiếp nhận công tác không nắm rõ chính sách, chế độ, nên hướng dẫn chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến lợi ích người dân. “Để khắc phục việc này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu về hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất, cố gắng tốt nhất trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân sau di dời”, ông Xê cho biết.

Theo các chuyên gia lao động, đặc thù của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất chủ yếu là nông dân. Do quá khứ làm nông nghiệp, họ chỉ có thể phù hợp với công việc mới không quá phức tạp, cần hỗ trợ dạy nghề mới. Khảo sát tại một số vùng quanh Hà Nội bị thu hồi đất cho thấy, gần 50% nhu cầu tìm việc của người dân là các công việc lao động phổ thông như: Công nhân vận hành, bảo vệ, tạp vụ... Chỉ một phần nhỏ người dân có nhu cầu được đào tạo trình độ trung cấp và thợ nghề có nhu cầu tìm việc kỹ thuật như: Thợ hàn, thợ sửa chữa, nhân viên kế toán… Điểm yếu của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất là thiếu các thông tin về việc làm, học nghề. Lao động nông nghiệp tìm việc ở địa phương có 2 nhóm chính: Lao động thanh niên và trung niên. Trong đó, lao động trong độ tuổi thanh niên có nhu cầu học nghề, việc làm bức xúc nhất; tuy nhiên đa số họ lại chưa định hình cho bản thân việc chọn học ngành nghề gì. Do đó, việc định hướng nghề nghiệp và ưu tiên việc dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp tại địa phương.
Nhóm phóng viên
Sắp có chính sách mới hỗ trợ giải quyết việc làm
Sắp có chính sách mới hỗ trợ giải quyết việc làm

Giải quyết chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho lao động nông thôn bị thu hồi đất, nhất là thanh niên, đang có nhiều bất cập. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN