Nâng cao ý thức giao thông: Tai nạn nhiều do ý thức kém

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng vi phạm Luật Giao thông, nhưng tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến khá phức tạp, thậm chí đến mức báo động. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông vẫn còn rất kém.


Người trẻ chủ quan


Hàng ngày, khi đi trên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phản cảm như người đi xe máy cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm; lấn tuyến, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... Nhất là ở những tuyến đường, giao lộ vắng bóng cảnh sát giao thông (CSGT), tình trạng này càng phổ biến.

Việc đưa vào sử dụng các cây cầu vượt bằng thép giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông (ảnh chụp tại khu vực cầu vượt bằng thép Thủ Đức).


Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông của thành phố có những chuyển biến đáng kể, nhưng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và số người chết vì TNGT lại tăng so với cùng kỳ 2012. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hơn 1.100 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 180 người và hơn 1.000 người bị thương, so cùng kỳ năm 2012, số người bị thương giảm gần 40% nhưng số người chết lại tăng 24%. Trong đó, số người thiệt mạng do TNGT ở lứa tuổi thanh niên đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm ngoái, đối tượng này chiếm khoảng 70% số vụ thì năm nay đã tăng lên 80%. Con số này cho thấy ngày càng có nhiều thanh niên đang xem nhẹ ATGT.


Ở góc độ khác, Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện, có đến 70% số vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia . Đặc biệt, tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào buổi tối các ngày cuối tuần, bởi những ngày này số người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia tăng lên cao. Trong khi đó, dịch vụ kinh doanh bia rượu về đêm ở TP Hồ Chí Minh, khó kiểm soát. Đây cũng là lời cảnh báo để các cấp, các ngành chức năng quan tâm đến việc giảm tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức:

Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông hoàn chỉnh

Địa bàn quận Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, nơi có mật độ người tham gia giao thông khá đông và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, TNGT. Tuy nhiên, do được đầu tư nâng cấp xây mới hạ tầng giao thông nên tình trạng TNGT đã giảm rõ rệt. Kết quả rõ nhất là việc đưa vào sử dụng cây cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức - trước kia từng là điểm đen về mất an toàn trật tự giao thông, nhưng từ khi có cây cầu không còn tình trạng kẹt xe triền miên, người dân an tâm hơn khi đi qua ngã tư này. Do đó, để giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, chúng ta phải chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông để người dân lưu thông được thuận tiện, an toàn hơn.

Thượng tá Lê Đình Phong, Phó Trưởng công an quận Gò vấp,
TP. HCM:

Áp dụng nhiều giải pháp

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực: số vụ tai nạn giao thông giảm, trật tự lòng lề đường ở nhiều nơi đã được lập lại… Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo tích cực của UBND TP, các cấp các ngành và sự ủng hộ của nhân dân trong việc áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt đưa các đối tượng thường xuyên đua xe trái phép, lạng lách, gây mất trật tự an toàn giao thông ra giáo dục, tuyên truyền kiểm điểm trước khu phố… Chúng tôi còn thực hiện tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông trên các tờ tin, trang web của quận, thông qua các cuộc họp khu phố, tổ dân phố; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vi phạm tại các giao lộ đông người để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm lỗi thường xảy ra tai nạn. Đồng thời, lực lượng CSGT nâng cao trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, từ đó tạo chuyển biến trong nhận thức, chấp hành của người tham gia giao thông.

Đại diện phòng văn hóa thông tin quận 1, TP Hồ Chí Minh:

Tăng cường lực lượng kiểm tra

Các điểm ùn tắc giao thông thường xuyên trên địa bàn đến nay đã cơ bản không còn xảy ra, hoặc không ùn tắc giao thông kéo dài trên 5 phút, đã giải quyết cơ bản tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn, đặc biệt trên đại lộ Võ Văn Kiệt, việc kinh doanh chiếm dụng vỉa hè được hạn chế… Đó là sự tăng cường các lực lượng trực chốt trong giờ cao điểm tham gia điều tiết giao thông như CSGT, đoàn thanh niên, nghiệp đoàn xe ôm…. Đồng thời, tăng cường lực lượng chức năng đi tuần tra và tăng tần suất kiểm tra triệt để và xử lý nghiêm các tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán kinh doanh, làm điểm giữ xe… để trả lại vỉa hè thông thoáng dành cho người đi bộ, giúp người dân thuận lợi hơn khi tham gia giao thông.


Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc để xảy ra TNGT dẫn đến số lượng người chết tăng là điều hết sức nghiêm trọng, nhức nhối và đáng báo động. Nguyên nhân sâu xa nằm ở ý thức của người tham gia giao thông.


Ý thức kém


Theo phân tích, đánh giá của Phòng CSGT đường bộ- đường sắt có gần 81% trong tổng số vụ TNGT đường bộ gây ra bởi người điều khiển xe mô tô. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là lưu thông không đúng phần đường quy định (chiếm 21%), vi phạm tốc độ (chiếm 15%), không chú ý quan sát chiếm (11%)… Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT đường bộ-đường sắt công an TP Hồ Chí Minh cũng đã xử lý hơn 3.000 trường hợp là người đi mô tô xe máy lưu thông không đúng phần đường quy định, hơn 2.783 trường hợp chạy quá tốc độ, hơn 11.000 trường hợp vượt không đúng quy định… Những con số trên cho thấy ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của người dân là yếu kém và cần có giải pháp giải quyết triệt để.


Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt công an TP Hồ Chí Minh, cho biết hầu hết người vi phạm ATGT đều chưa hiểu biết hết những nguyên tắc về giao thông dẫn đến chạy xe theo cảm tính. Họ không nắm được hết những cảnh báo nguy hiểm có thể xảy ra trên đường nên vi phạm an toàn giao thông. Tình trạng người đi đường tránh, vượt không đúng và vi phạm tốc độ…. diễn ra rất phổ biến, đã dẫn đến không ít vụ TNGT đáng tiếc gây chết người.


Ngoài ra, tình hình TNGT đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng phức tạp, nghiêm trọng còn do một số nguyên nhân khác như hạ tầng giao thông trên địa bàn TP còn chưa hoàn chỉnh, nhiều tuyến đường nhỏ, chật hẹp chỉ đủ xe chạy hai làn đường; hệ thống biển báo, phân chia làn đường chưa đầy đủ, một số tuyến đường xuống cấp, xuất hiện nhiều điểm sụt lún… Mặt khác, do áp lực cạnh tranh về kinh tế giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên nhiều trường hợp tài xế phải chở hàng quá khổ, quá tải, vi phạm trật tự an toàn, gây TNGT. Mặt khác, còn do sự thiếu sót trong công tác tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của lực lượng CSGT…


Nâng cao ý thức người dân


Để giảm TNGT, điều cần làm trước tiên là tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, trong đó tập trung tuyên truyền cho các đối tượng thanh thiếu niên từ 18-33 tuổi, bởi đây là độ tuổi gây TNGT chiếm tỉ lệ cao. Các cơ quan ban ngành, các cấp, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ đến từng người dân bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú…


“Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu về đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, giảm các vụ TNGT đáng tiếc xảy ra, trước tiên, các cơ quan ban ngành tổ chức rà soát lại toàn bộ hệ thống các điểm đen, điểm phức tạp về an toàn giao thông, chú trọng việc lắp đặt các biển báo tốc độ trên đường. Cần huy động tối đa các lực lượng CSGT tham gia phân luồng, tuần tra kiểm tra an toàn giao thông; tổ chức nhiều đợt tuần tra kiểm soát, trong đó chú ý tới các lỗi như có nồng độ cồn, vượt tránh sai quy định…. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc kiểm tra hành chính từ 23 giờ đêm tại các khu vực trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều quán ăn uống, kinh doanh rượu bia nhằm phát hiện ngay các trường hợp vi phạm để xử lý kịp thời. Chỉ khi các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì TNGT mới không trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi tham gia giao thông”- Thượng tá Trần Thanh Trà cho biết thêm.


Nhằm kịp thời ngăn chặn và giảm tai nạn giao thông từ nay đến cuối năm, với mục tiêu đặt ra giảm 10% về tai nạn giao thông so với năm 2012 trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT), Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đối với các sở ngành, Ban An toàn giao thông thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện tích cực triển khai những nhiệm vụ công tác trọng tâm. Đối với Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, nghiên cứu phân luồng tổ chức giao thông cho phù hợp với thực tế giao thông đô thị thành phố, khẩn trương rà soát, lắp đặt bổ sung kịp thời các biển báo giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn tín hiệu giao thông; đồng thời phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các quận huyện, lực lượng thanh niên xung phong thành phố để chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp điều tiết giao thông trong giờ cao điểm…

 


Hoàng Tuyết - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN