Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: Giao lưu, lan tỏa 'Vẻ đẹp vầng trăng khuyết'

Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, ngày 16/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2024. 

Chú thích ảnh
Đại diện phụ nữ khuyết tật tham gia giao lưu tại chương trình.

Chương trình là cầu nối cho nhiều gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu, trò chuyện và chia sẻ về con đường vượt lên số phận. Cuộc sống càng khó khăn, họ càng sáng tạo, nỗ lực tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và giúp ích cho xã hội.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Phương Hoa cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn nhằm chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật trên địa bàn, hỗ trợ họ vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề, trao phương tiện sinh kế, sửa chữa và trao mái ấm tình thương, tổ chức khám, chữa bệnh… Từ đó, quyền của phụ nữ khuyết tật được đảm bảo, tạo sự bình đẳng trong các hoạt động xã hội. Hội Phụ nữ các cấp đã quan tâm đến hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng dân cư nhằm giúp các chị tự khẳng định bản thân, thay đổi hành vi, có cơ hội hòa nhập và phát triển.

Theo bà Trần Thị Phương Hoa, đáp lại sự quan tâm, tình cảm yêu thương, trân trọng của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều phụ nữ khuyết tật đã tự tin hơn, không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt lên số phận bằng tất cả nghị lực, trí tuệ và năng lực của mình. Trong đó, nhiều chị trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức tặng quà cho các phụ nữ khuyết tật khó khăn.

Dù khuyết tật cả tay và chân nhưng với niềm yêu thích vẽ từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Hoa (thành phố Thủ Đức) tự tìm hiểu để vẽ tranh bằng chân. Qua từng nét vẽ, chị muốn truyền tải tình yêu, khát khao hạnh phúc và niềm vui cuộc sống đến mọi người. Chị Hoa cho rằng, dù bản thân có nhiều khiếm khuyết, cuộc sống còn khó khăn nhưng chị luôn cố gắng, nỗ lực, hy vọng để vẽ nên cuộc đời tươi đẹp cho chính mình.

Tương tự, chị Phạm Thị Thu Thủy (Quận 1) mồ côi, bị khuyết tật vận động, phải di chuyển bằng hai đầu gối. Hiện, chị Thủy là giáo viên tại một trung tâm dành cho các trẻ khuyết tật. Ngoài ra, chị còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Theo chị Thủy, chị tham gia phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu và truyền thông với mong muốn lan tỏa loại hình ngôn ngữ này đến các trung tâm dành cho người khiếm thính. Chị cũng dành thời gian tham gia các diễn đàn cho người kém may mắn, chia sẻ nghị lực sống, tinh thần không ngừng vươn lên trước nghịch cảnh cuộc đời.

Dịp này, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho 20 phụ nữ khuyết tật vượt khó; trao vốn hỗ trợ 18 phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế gia đình và tặng quà cho 300 phụ nữ khuyết tật khó khăn. 

Ngoài ra, tại chương trình còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm do phụ nữ khuyết tật thực hiện. Đa số sản phẩm là hàng thủ công như: túi, balo, tranh ốc, tranh giấy xoắn, trang sức… đều được làm khéo léo, mẫu mã độc lạ, thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Thu Hương (TTXVN)
Kết nối việc làm cho người khuyết tật
Kết nối việc làm cho người khuyết tật

Ngày 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội phối hợp Hội Người khuyết tật TP Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN