Những "cổ thụ" của núi rừng Tây Nguyên

Người dân Tây Nguyên thường gọi các già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng với một cái tên thân thương và kính phục, đó là những "cổ thụ" của các buôn làng.

Già làng HMrile ở TP Plâycu là một trong những tấm gương tiêu biểu vận động đồng bào làm ăn, phát triển kinh tế.

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với 5,2 triệu dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 35%, chủ yếu là người Bahnar, J'Rai, Ê đê, S'triêng, Dẻ... Toàn vùng có hơn 10.000 già làng, trưởng bản và người có uy tín đang hoạt động tích cực trong các phong trào, vận động, lãnh đạo dân làng cùng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế để làm giàu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết; đồng thời kiên quyết chống những hành vi xúi giục dân làng gây rối và làm những điều trái pháp luật, ảnh hưởng đến sự yên bình của cộng đồng.


Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, những già làng, người có uy tín đã tập trung thực hiện tốt việc vận động bà con định canh, định cư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất. Cụ thể như: Già làng Hồ Khăm (92 tuổi), ở làng Pơ Nang, xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) hướng dẫn và giúp đỡ bà con mở rộng diện tích lúa nước, bỏ tập quán phát nương làm rẫy và đến nay cả làng đã thoát khỏi cảnh nghèo khó; Già làng K'Lếu, ở thôn 1, xã Tân Châu (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), vận động nhân dân thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế, từ chỗ nghèo khó và đến nay đạt mức thu nhập bình quân hơn 13 triệu đồng/người/năm - trở thành xã Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới...

 

Trên lĩnh vực giữ gìn an ninh trật, các già làng, trưởng bản và những người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các già làng ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã vận dụng tục "cầm vòng" để đưa những thanh niên đã mắc lỗi lầm ra trước cộng đồng để kiểm điểm. Bằng hình thức xử theo luật tục truyền thống, các đối tượng đã thấy được những việc làm sai trái của mình và đã tự nguyện xin lỗi gia đình, dân làng và hứa không bao giờ tái phạm.


Các già làng, trưởng bản và những người có uy tín cũng đã phát huy tốt vai trò trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ở tỉnh Gia Lai có nhiều già làng tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Toàn tỉnh còn lưu giữ được gần 6.000 bộ cồng chiêng - nhiều nhất trong vùng. Các già làng ở tỉnh Đắk Nông có nhiều đóng góp bằng của cải vật chất và tinh thần để khôi phục lại các lễ hội truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới...


Bài và ảnh: Văn Thông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN