Ổn định cuộc sống với người di cư

Để hạn chế tình trạng di cư tự do song song với việc giúp người đã di cư có thể ổn định cuộc sống, rất cần những chính sách đặc thù cho từng vùng.


Góc nhìn khác về di dân tự do


“Tôi chia sẻ với đồng bào về những khó khăn” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang bày tỏ với PV Tin Tức, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, về tình trạng những năm qua, từ một số tỉnh phía Bắc, có nhiều hộ dân tự ý di cư vào sinh sống ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, gây sức ép lớn về đất ở, đất sản xuất cho các địa phương.

Vườn ươm cao su ở huyện Than Uyên (Lai Châu).Ảnh: Minh Chí - TTXVN


Ông Nguyễn Minh Quang phân tích: Thực tế là ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên… có địa hình đồi núi dốc và cao, đi lại hết sức khó khăn. Đặc biệt tại các xã vùng cao núi đá ở Hà Giang, nước sinh hoạt và sản xuất thiếu thốn, nhìn bốn bên toàn là đá. Cá biệt có nơi những giáo viên vùng cao cắm bản, tuần chỉ tắm một lần vì thiếu nước. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên đất đai mầu mỡ, dễ canh tác. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến người dân phải rời bỏ quê tìm nơi ở mới.

Ngày 4/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015; cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 và Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2015. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2013.


Mặt trái của tình trạng người dân di cư tự do vào Tây Nguyên là gây sức ép rất lớn cho chính quyền các tỉnh nơi đây. Hiện tượng phá rừng lấy đất sản xuất, đất ở… đã xảy ra. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác thì đây là nguồn nhân lực lớn cho địa phương. Tại Đắk Nông khi mới tách tỉnh, dân số chỉ khoảng 300.000 khẩu, nay đã tăng lên 700.000 khẩu. Đây là nguồn lực rất lớn và Đắk Nông đã triển khai cấp sổ đỏ cho các hộ dân đã ổn định đất ở, đất sản xuất, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống.


“Cũng có ý kiến cho rằng khi cấp sổ đỏ cho những hộ dân đã di cư vào đây khác gì thúc đẩy làn sóng di cư. Theo tôi không hẳn là như vậy. Khi họ đã định cư rồi thì nên ổn định cuộc sống cho người dân, nên có mốc thời gian nhất định” - ông Nguyễn Minh Quang khẳng định.


Giúp dân “bén rễ xanh cây”


Đến nay, Đắk Lắk đã xây dựng 14 dự án sắp xếp bố trí dân cư cho người dân di cư tự do, với nguồn kinh phí trên 367 tỷ đồng. Tuy nhiên kinh phí từ Trung ương mới bố trí được gần 90 tỷ đồng, nên tỉnh mới chỉ hỗ trợ được cho trên 49.000 hộ ổn định cuộc sống, gần 10.000 hộ đang được triển khai thực hiện, và vẫn còn trên 6.000 hộ vẫn phải chờ kinh phí.

Kinh phí hỗ trợ cho người nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng theo quy định của Nghị quyết 30a là 200.000 đồng/ha/năm; mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho một ha rừng trồng phòng hộ, 5 triệu đồng cho một ha rừng trồng sản xuất. Mức này là quá thấp bởi trên thực tế chỉ đủ mua cây giống mà chưa có công trồng, chăm sóc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét nâng mức hỗ trợ từ 200.000 đồng lên 500.000/ha/năm cho các hộ gia đình nhận khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng. Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 25 triệu đồng/ha/năm.


“Dân di cư tự do đến tỉnh nhỏ lẻ, lại hay ở vùng sâu, vùng xa nên dự án này chưa bố trí, sắp xếp xong đã phát sinh những hộ di cư tự do mới đến. Theo rà soát, hiện tỉnh Đắk Lắk còn trên 6.000 hộ chưa được bố trí đất ở, đất sản xuất, thiếu khoảng 2.000 ha đất sản xuất; và trên 22.000 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt” - ông Nguyễn Minh Quang cho biết.


Hiện tại, người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên chủ yếu làm nông nghiệp. Một bộ phận người dân đã chuyển nhượng cho nhau đất ở và đất sản xuất nên cuộc sống cơ bản đã ổn định. “Về mặt pháp lý, chính quyền địa phương những nơi người dân chuyển đến cần sớm công nhận và cấp sổ đỏ cho dân, tránh tình trạng để họ lại tiếp tục di cư lần nữa” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lưu ý. Ông cũng nêu quan điểm: Về phía địa phương, cần có những chính sách cụ thể, nên coi dân di cư như là người của địa phương mình. “Đây là nguồn lực rất lớn, cung cấp một lượng lớn lao động cho các tỉnh Tây Nguyên. Cũng phải nói rằng có họ thì việc bảo vệ đất đai, giữ rừng tốt hơn. Vậy nên coi họ như người sở tại”.


Giải pháp cho lâu dài


“Vì cuộc sống mà bà con phải di cư, nhưng nói như thế không phải chúng ta cứ để đồng bào đi tự do. Như vậy là không nên”, ông Nguyễn Minh Quang nêu quan điểm. Các tỉnh phía Bắc cần có biện pháp để hạn chế người dân di cư tự do. Đây là vấn đề nan giải.


Thời kỳ ông Nguyễn Minh Quang là Chủ tịch, rồi Bí thư tỉnh ủy tỉnh Lai Châu, người dân khai hoang được một ha sẽ được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng, nên địa phương luôn khuyến khích bà con khai hoang. Đây là nguồn để tăng thêm quỹ đất cho người dân, cứ có ruộng nước là cuộc sống người dân ổn định. Tiếp theo là tìm cây, con cho phù hợp với từng vùng, ví như hỗ trợ người dân chăn nuôi đàn đại gia súc để phát triển kinh tế. Về cây trồng thì mở rộng diện tích cây công nghiệp như cao su.


Đối với vùng cao, khó khăn lớn nhất là nước sinh hoạt và nước sản xuất. Theo gợi ý của ông Nguyễn Minh Quang, để khắc phục tình trạng này, các tỉnh cần sử dụng nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Ví như ở Hà Giang, Chính phủ đã đầu tư xây dựng các bể chứa nước, hồ treo nhưng đó chỉ mới đáp ứng được một phần cho cuộc sống người dân.


Nhưng vấn đề cơ bản vẫn là phải giữ rừng tốt thì mới giữ được nước để sinh hoạt và sản xuất, bởi rừng là tài nguyên quan trọng đối với các tỉnh miền núi phía Bắc. Để người dân sống được từ rừng và làm giàu từ rừng thì cần có sự đầu tư bài bản, cần có sự hỗ trợ của nhà nước. “Hiện nay trồng mới một ha rừng sản xuất sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng, tiền khoanh nuôi bảo vệ môt ha rừng chỉ được 200.000 đồng/ha/năm thì làm sao người dân sống được từ nghề rừng?” - ông Nguyễn Minh Quang kiến nghị.


Nhà nước cần có chính sách dài hạn trong phát triển rừng. Bởi làm gì để người dân sống được bằng nghề rừng đang là câu hỏi lớn đặt ra với các cấp, bộ ngành ở Trung ương và các tỉnh. “Nếu chúng ta giữ được rừng, sẽ giữ được nước để phát triển thủy điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… Vậy thì cần có một chính sách đặc thù cho các tỉnh vùng cao Tây Bắc, có như vậy người dân mới ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Minh Quang đề xuất.


Nguyễn Viết Tôn

Cần có chính sách đối với đồng bào di cư tự do

Theo UBND tỉnh Hà Giang, từ năm 2005 đến tháng 3/2013, số dân di cư tự do (DCTD) trên địa bàn tỉnh là 1.011 hộ, với 4.723 nhân khẩu, trong đó số dân di cư ra ngoài tỉnh 878 hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN