Phân loại rác thải tại nguồn: Khó khăn trước mắt, lợi ích lâu dài

Ngày 17/5, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức Diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”.

Chú thích ảnh
Công nhân thu gom rác sinh hoạt trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt cũng như lãng phí tài nguyên từ rác. Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, điều kiện đủ là quy trình phân loại - thu gom  - xử lý rác thải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, phân loại rác thải sinh hoạt mang lại lợi ích lâu dài nhưng là khó khăn trước mắt, là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng sẽ rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Thực trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày.

Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69%. Cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó 340 cơ sở đốt (chiếm 21,96%); 30 cơ sở xử lý thành mùn/phân hữu cơ (chiếm 1,94%); 1.178 cơ sở chôn lấp (chiếm 76,10%), trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Về thách thức trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ông Nguyễn Thành Lam cho biết một số tồn tại như: chưa triển khai phân loại tại nguồn đồng bộ tại các địa phương; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng rác thải kéo dài gây ô nhiễm môi trường; các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Bên cạnh đó, trong công tác xử lý, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%); nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn…

Trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính thí điểm, mô hình, chưa thành công. Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, một số địa phương đã triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Điển hình là Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải. Các địa phương đang đợi hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu. Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm.

Xử lý rác thải tại các địa phương

Tại Diễn đàn, đại diện của trên 30 Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nêu ra thực trạng, vướng mắc trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt. Đó là những khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như kinh phí thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương. 

Thạc sĩ Đào Thu Huyền - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý chất thải, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng chia sẻ, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng phát sinh khoảng 1860 tấn/ngày; trong đó tại khu vực đô thị khoảng 1.000 tấn/ngày, nông thôn khoảng 860 tấn/ngày (số liệu thống kê năm 2023). Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt tỷ lệ thu gom, xử lý là 100%; khu vực nông thôn được xử lý tăng dần qua các năm: 2016 đạt 85% đến năm 2023 đạt 98%.

Khó khăn đối với Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác là công nghệ xử lý rác thải đơn điệu (chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh); chưa khai thác được các lợi ích kinh tế từ rác thải; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi…

Từ năm 2016, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo thực hiện phân loại rác tại nguồn. Năm 2018, các chợ, nhà hàng, khách sạn đã phân loại rác tại nguồn. Năm 2019 đến nay, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại các tổ dân phố, khu dân cư. Hải Phòng phấn đấu đến ngày 31/10/2024, cơ bản 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành và tiếp tục duy trì công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Theo bà Đào Thu Huyền, từ kinh nghiệm của Hải Phòng để việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày một tốt hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, vì cộng đồng; thường xuyên phân loại rác thải đảm bảo theo đúng hướng dẫn. Các ngành đoàn thể, các thôn cần tích cực thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải. 

Không chỉ khó khăn với các địa phương, những đơn vị thực hiện thu gom, xử lý rác thải cũng có những vướng mắc trong quá trình triển khai. Ông Nguyễn Hoàng Lân - Đại diện Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương cho biết, với đặc thù rác thải ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung không có công nghệ nào xử lý được nếu không tiến hành phân loại rác ngay từ đầu. Một số doanh nghiệp xử lý trong nước hiện nay thiếu kinh phí đầu tư công nghệ và thiếu các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm phụ thu hồi.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lân, khác với rác sinh hoạt ở khu vực châu Âu và Nhật Bản đã được phân loại và có độ ẩm thấp, đa phần rác thải sinh hoạt ở Việt Nam có độ ẩm cao, nhiều chất hữu cơ và chưa được phân loại. Vì vậy, nếu áp dụng nguyên mẫu công nghệ của các nước Âu – Mỹ hay Nhật sẽ không hiệu quả cả về tài chính và kỹ thuật.

Còn theo ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Vệ sinh môi trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện chỉ có khoảng 17% rác thải được tái chế. Các dòng rác thải có tính tái sử dụng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn chung thống nhất nên nhiều dự án tái chế không hiệu quả. Nguyên nhân là do rác thải không được phân loại đã tạo nên khối lượng phế thải hổ lốn, có độ ẩm cao, không thể đốt được. Để đạt hiệu quả trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cần phải đạt được các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư, kinh phí và quan niệm luôn coi rác thải là nguồn tài nguyên.

Liên quan đến phân loại rác tại nguồn, một số đại biểu cho rằng, có rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn là một bài toán khó. Bởi thực tế, đã có những địa phương, việc phân loại rác dù đưa vào thực hiện hơn 5 năm qua nhưng vẫn chưa thể hình thành tính chủ động của người dân.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định Diễn đàn không chỉ là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, chuyên gia cùng các cơ quan ban, ngành địa phương trình bày thực trạng, những khó khăn, thách thức trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt mà còn là kênh thông tin hữu ích cho Quốc hội tham khảo trong việc quy định chi tiết các văn bản pháp luật, công tác giám sát thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện một nghiên cứu bài bản về việc chuẩn bị của 63 tỉnh, thành trong công tác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Ủy ban đã chọn ra hơn 10 tỉnh, thành phố để khảo sát thực tế. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, dự kiến trong năm 2025, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động giám sát tối cao trong lĩnh vực môi trường, đây cũng là dịp để rà soát lại những nội dung của công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hoàng Vân (TTXVN)
Phân loại rác - từ cơ chế đến hành động - Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt
Phân loại rác - từ cơ chế đến hành động - Bài 1: Áp lực xử lý rác thải sinh hoạt

Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số dẫn tới phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng tăng cao, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải. Phân loại rác tại nguồn được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN