Phát triển giao thông ở thành phố mang tên Bác

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã hiện diện là một thành phố xanh - sạch - đẹp và hiện đại hơn. Trong đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông như các cầu vượt thép trong nội thành, cầu vượt Cát Lái, hầm vượt sông Sài Gòn... cùng các Xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... được xem là một bước đột phá lớn của thành phố.

 

Đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm vượt sông Sài Gòn đã rút ngắn khoảng cách từ đông sang tây của thành phố. Ảnh: Thanh Vũ

 

Đột phá về hạ tầng giao thông cũng là một trong 5 chương trình trọng yếu mà Nghị quyết Đảng bộ thành phố đưa ra nhằm nâng tầm cho thành phố lớn nhất nước; đồng thời, để định hướng xây dựng chính quyền đô thị trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hữu Đức, một người dân “chính gốc Sài Gòn”, hồ hởi: “Sống ở TP Hồ Chí Minh từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến nay mới cảm nhận được hết những thay đổi mạnh mẽ của thành phố, nhất là trong những năm gần đây. Nhiều tòa nhà chọc trời mọc lên; các tuyến đường, hầm vượt, những cây cầu mới khang trang và hiện đại được xây dựng; đặc biệt, đời sống của người dân thành phố được nâng cao hơn rất nhiều”.


 

Cầu Sài Gòn 2 và Xa lộ Hà Nội đã giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông của cửa ngõ phía đông Sài Gòn.

 

Một trong những công trình đã thay đổi bộ mặt của thành phố là cầu Sài Gòn 2 và Xa lộ Hà Nội - cửa ngõ chính phía đông của TP Hồ Chí Minh. Giữ vị trí trọng yếu trong kết nối giao thông với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nhiều năm qua, thành phố quan tâm rất lớn trong việc mở rộng và phát triển tuyến đường này. Hiện, tuyến đường đã được mở rộng đến 12 làn xe (gồm 8 làn ô tô và 4 làn xe máy) kết hợp với các cầu vượt Cát Lái, Thủ Đức, đã giải phóng tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra trên tuyến suốt thời gian dài.


 

Đại lộ Phạm Văn Đồng được xem là tuyến đường đẹp nhất nội đô TP Hồ Chí Minh.

 

Nằm ở hướng đông bắc, tuyến đường được xem là đẹp nhất nội đô mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được đầu tư lên tới 340 triệu USD nhằm giải quyết nhu cầu giao thông cửa ngõ Đông Bắc của TP Hồ Chí Minh và là tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là tuyến đường trong tương lai nối nhà ga sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và sân bay Tân Sơn Nhất.


 

Cầu Phú Mỹ như một biểu tượng của TP Hồ Chí Minh, nằm ở phía nam thành phố. Ảnh: Hoàng Hải

 

Trong khi đó, đại lộ Võ Văn Kiệt nối liền huyện Bình Chánh với các quận 6, 5, 1 được xem là công trình kết nối, giải quyết nhiều vấn đề về giao thông của thành phố và chỉnh trang đô thị. Nhờ tuyến đường này, dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã hồi sinh, những khu nhà ổ chuột trên kênh được thay thế bằng những cao ốc hiện đại, khang trang. Hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 1,49 km - một hạng mục của công trình được người dân thành phố trông chờ nhiều nhất, bởi nó không chỉ là hầm nối bình thường mà được xem là hầm đường bộ dài và hiện đại nhất Đông Nam Á, cũng đã trở thành điểm “hút khách” của thành phố. Đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - đại lộ Mai Chí Thọ (trước đây gọi là đại lộ Đông - Tây) với tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng đã trở thành một trong những con đường hiện đại bậc nhất TP Hồ Chí Minh.


Không xa lắm, về phía nam thành phố, cầu Phú Mỹ sừng sững như một biểu tượng của thành phố. Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7 với tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Cầu được khởi công vào tháng 9 năm 2005, khánh thành vào ngày 2/9/2009. Đây là cây cầu dây văng có 6 làn xe, kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng; nối quận 7 với quận 2 và quận 9. Cầu Phú Mỹ cũng giúp kết nối, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh miền Đông trở ra Bắc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thông qua các tuyến đường vành đai và đại lộ Nguyễn Văn Linh.


Không những vậy, TP Hồ Chí Minh cũng vừa đưa vào sử dụng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và gấp rút triển khai các tuyến đường sắt đô thị (Metro), quy hoạch cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Bến Lức - TP Hồ Chí Minh - Long Thành… Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray cũng như 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong thời gian tới.


M.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN