Phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ phát triển rừng và các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi như: Chính sách trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình 135; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a); các chính sách đặc thù khác như giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng buôn làng là dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng


Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định, bền vững, đóng góp nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển, xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Để làm trụ trồng tiêu, người dân vào sâu trong các cánh rừng của Lâm trường Chư Pả (huyện Ea Súp), nơi giáp ranh tỉnh Gia Lai để khai thác gỗ trái phép. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN


Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, có tác dụng tới công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giảm dần qua các năm. Chính sách đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng, tạo ra nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực chi ngân sách. Từ năm 2013, Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác chính gỗ từ rừng tự nhiên, một số chủ rừng, công ty lâm nghiệp không còn nguồn thu từ khai thác rừng tự nhiên, thì nguồn tiền DVMTR giúp cho các công ty này đứng vững, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng.

Khu vực Tây Nguyên hiện có 55 công ty TNHH MTV lâm nghiệp, trong đó đã có 43 công ty nhận được tiền DVMTR. Từ năm 2011 đến tháng 8/2014, tiền DVMTR đã chi trả cho 43 công ty là 195,5 tỷ đồng. Trong đó, Lâm Đồng giải ngân 96,1 tỷ đồng cho 8 công ty, Gia Lai giải ngân 13,2 tỷ đồng cho 11 công ty, Kon Tum giải ngân được 11,074 tỷ đồng cho 5 công ty, Đắk Nông giải ngân 46,9 tỷ đồng cho 11 công ty, Đắk Lắk giải ngân 9,67 tỷ đồng cho 8 công ty.

Các chính sách trên đã góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng miền núi tăng thu nhập, thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng dân tộc, miền núi gặp rất nhiều khó khăn; còn nhiều hộ nghèo sống dựa vào rừng; một số nơi rừng vẫn bị tàn phá để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, chính sách chưa tạo ra nguồn lực đủ mạnh để có thu nhập ổn định giúp người dân yên tâm bảo vệ, phát triển rừng và sống được bằng nghề rừng.

Nếu như nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng khoảng 29% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp, thì trong 2 năm gần đây nguồn tiền DVMTR đạt bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng 22,3% nguồn kinh phí đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Công tác trồng rừng ở các tỉnh Tây Nguyên trong vài năm trở lại đây tuy có tiến bộ nhưng vẫn không theo kịp với suy giảm tài nguyên rừng. Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng được 11.679 ha rừng tập trung đến năm 2014 trồng được 13.431 ha, đạt 74% kế hoạch năm, trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng từ 280 ha/năm tăng lên 770 ha/năm…

Rà soát diện tích rừng

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng, đất lâm nghiệp. Tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng địa phương, từng tỉnh làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm phát triển bền vững.

Tăng cường kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi, trồng lại rừng. Ngoài việc có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trồng rừng tập trung, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang sử dụng cho mục đích khác, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công thương, Tài chính… tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước… nhằm góp phần quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên rất đồng tình với việc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, cần mở rộng đối tượng cho hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, có sự công bằng giữa đồng bào dân tộc nơi có rừng cũng như nơi không có rừng.

V.T
Chuyển rừng nghèo sang trồng cao su chưa hiệu quả
Chuyển rừng nghèo sang trồng cao su chưa hiệu quả

Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên đất chuyển đổi rừng nghèo ở tỉnh Gia Lai, qua 7 năm triển khai, vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện như dự án bị kéo dài và chưa có cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN