Phòng, chống đuối nước cho trẻ, cần giải pháp đồng bộ - Bài 2: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Để hiểu rõ nguyên nhân, thực trạng và các giải pháp đẩy lùi tình trạng trên, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Chú thích ảnh
Trường THCS Trần Quang Diệu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) triển khai dạy bơi cho học sinh. Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN

Thưa bà Vũ Thị Kim Hoa, bà có thể thông tin rõ hơn về tình hình đuối nước trẻ em ở nước ta trong thời gian gần đây?

Trong giai đoạn vừa qua, với sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta đã giảm so với giai đoạn trước.

Năm 2010, tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước là 3.300 nhưng đến năm 2015 đã giảm xuống còn 2.600 em và đến năm 2020, con số này là khoảng 2.000 em. Như vậy, trung bình mỗi năm, nước ta giảm từ 3-5%, tương đương khoảng 100 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tuy nhiên, đuối nước hiện vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam. Vấn nạn này gặp nhiều ở trẻ em trai hơn trẻ em gái; ở vùng nông thôn nhiều hơn các vùng thành thị và gặp nhiều ở các gia đình nghèo. Đặc biệt, đuối nước thường xảy ra vào các dịp trước và trong thời gian trẻ em nghỉ hè. Thời gian gần đây, vấn đề tử vong do đuối nước ở trẻ em lại bắt đầu nổi lên. Điều đáng nói, có những vụ rất thương tâm như nhiều em cùng đuối nước một lúc, hoặc các em tử vong cùng là anh em ruột trong một gia đình.

Dù nhiều giải pháp đã được triển khai trong thời gian qua, song tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta vẫn luôn ở mức cao. Vậy theo bà nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Theo tôi, nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn còn ở mức cao là do kiến thức, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Trẻ còn thiếu các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước; số lượng trẻ hiện nay biết bơi ở nước ta chưa cao, chỉ khoảng hơn 30%; số lượng trẻ biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cũng chưa nhiều.

Vấn đề quản lý, giám sát trẻ cũng chưa được tốt. Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra gần đây đều do các em tự ý đi chơi, đi bơi ở những nơi không được phép, không có người lớn đi cùng.

Hơn nữa, môi trường sống hiện nay cả ở gia đình và cộng đồng vẫn còn chưa an toàn như: Nhiều vũng nước sâu, nguy hiểm chưa được cắm biển báo; các ao, hồ, sông ngòi chưa được rào chắn; nhiều gia đình để lại nước trong các dụng cụ chứa nước không đổ đi khiến trẻ ngã vào gây đuối nước.

Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất, các hướng dẫn viên dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho các em còn thiếu. Một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; đầu tư kinh phí cho việc triển khai này còn rất hạn hẹp; đồng thời việc chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy cũng còn hạn chế…

Bà có thể thông tin rõ hơn về nhận thức của các cấp, các ngành trong triển khai công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em?

Có thể nói trong thời gian qua nhận thức của các cấp, các ngành về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em đã được nâng lên. Thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, trong đó có các mục tiêu liên quan đến giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em; tăng tỷ lệ trẻ em được dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước cho các em và  bố trí kinh phí cho việc thực hiện công tác này tại địa phương. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí tại một số nơi vẫn còn hạn hẹp; việc đầu tư cơ sở vật chất vẫn chưa được nhiều.

Công tác phối hợp liên ngành cũng như việc phân công trách nhiệm cụ thể của các ngành, đoàn thể, các tổ chức tại địa phương, đặc biệt là tại cấp xã trong việc rà soát các nơi nước sâu nguy hiểm để cắm biển báo, quản lý các em chưa được cụ thể.

Theo bà, để giảm thiểu các vụ việc đau lòng do đuối nước trẻ em, các cơ quan liên quan cần triển khai các giải pháp như thế nào?

Theo tôi, chúng ta cần triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ, đa ngành, đa lĩnh vực. Trước hết, chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm toàn bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; ban hành các kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cũng như thực hiện tốt việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, rà soát cả những nơi nước sâu nguy hiểm để lập bản đồ, cắm biển báo, thực hiện việc cảnh giới… nhằm tạo môi trường an toàn cho các em. 

Chính quyền địa phương cũng phải chủ động triển khai công tác truyền thông tới từng thôn, xóm, hộ gia đình, từng trẻ em… để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ về các nguy cơ và các biện pháp phòng, tránh đuối nước trẻ em; quan tâm đầu tư, triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ; đồng thời tăng cường việc triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại địa bàn; chỉ đạo các cơ sở tư nhân về thể dục thể thao tăng cường việc dạy bơi và kỹ năng cho trẻ em; xử lý nghiêm tất cả các vi phạm liên quan dẫn đến đuối nước ở trẻ. Đặc biệt, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tử vong do tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ.

Các bậc cha, mẹ phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho con em trong gia đình; tự tìm hiểu, trang bị các kỹ năng về phòng, chống đuối nước để có thể chủ động bảo vệ con em; chủ động rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ tại gia đình. Cụ thể: Các chum, vại, bể nước, ao hồ cần có nắp đậy, rào chắn; làm cửa và móc an toàn tại các khu vực nguy hiểm. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ phải tích cực, chủ động đưa con đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; thường xuyên hướng dẫn trẻ các kỹ năng về phòng, chống đuối nước, không cho trẻ đi chơi, đi bơi ở các vùng nước sâu nguy hiểm hoặc tự bơi khi không có người cứu hộ hoặc người lớn đi.

Các bộ, ngành cùng phối hợp, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc dạy bơi, dạy kỹ năng, cung cấp trang thiết bị dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Trong dịp nghỉ hè, gia đình, nhà trường, chính quyền, các cấp bộ Đoàn, các cán bộ bảo vệ trẻ em địa phương, các tổ chức cần phối hợp trong việc bàn giao, quản lý, tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ trong dịp hè. Tăng cường việc triển khai xây dựng môi trường an toàn cho trẻ ở cả gia đình và cộng đồng, trong đó tập trung vào thực hiện các tiêu chí quy định về “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toan” đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ban hành để có thể loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ…

Bài cuối: Nhiều mô hình phổ cập bơi hiệu quả

Minh Huệ (TTXVN)
Phòng, chống đuối nước cho trẻ, cần giải pháp đồng bộ - Bài 1: Phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn
Phòng, chống đuối nước cho trẻ, cần giải pháp đồng bộ - Bài 1: Phổ cập bơi cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn

Dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN