Phú Yên: Tin cả làng bỏ đi ăn xin là không đúng

Thời gian qua nhiều trang báo điện tử đưa tin “Phụ nữ, trẻ em cả làng dắt díu đi ăn xin”, phản ánh tình trạng người dân ở các thôn thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bỏ làng dẫn theo con trẻ ra thành phố lang thang xin ăn. Tuy nhiên theo tìm hiểu thực tế của phóng viên TTXVN, hiện tình trạng bỏ làng đi ăn xin ở đây đã giảm.

Xuân Lãnh là một xã thuộc huyện miền núi Đồng Xuân có 2.468 hộ với 9.211 nhân khẩu; trong đó, có 4/8 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống, gồm 3 thôn là đồng bào Chăm H’Roi là Da Dù, Soi Nga, Hà Rai và 1 thôn đồng bào dân tộc Ba Na là Xí Thoại.

Năm 2006, tình trạng bỏ làng đi xin ăn bắt đầu xuất hiện ở 4 thôn này. Các đối tượng lang thang xin ăn chủ yếu tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào thời điểm trước Tết Nguyên đán và mùa hè khi có đông khách du lịch về đây tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hiện tình trạng xin ăn chỉ còn ở 2 thôn.

Xã Xuân Lãnh tập trung mọi giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho bà con. Ảnh: Báo Phú Yên


Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lãnh cho biết: Tình trạng một số đồng bào của xã bỏ làng đi ăn xin là có thật, nhưng đã giảm rõ rệt. Nếu như thời điểm rộ lên vào năm 2008, cả xã có khoảng 35 đối tượng ở 4 thôn có đồng bào dân tộc sinh sống đi ăn xin, đến nay con số này còn khoảng 10 đối tượng tập trung ở 2 thôn là Da Dù và Soi Nga. Chuyện cả làng bỏ đi ăn xin là không đúng.

Tìm về thôn Da Dù, cách trung tâm xã Xuân Lãnh khoảng 4 km, chúng tôi nhận thấy phụ nữ ở đây vẫn mang gùi lên rẫy làm việc; trẻ con đang vui đùa trước cửa nhà chứ không có chuyện "cửa đóng then cài, đầu làng cuối xóm không có bóng dáng trẻ con” như một số trang báo điện tử phản ánh. Ông Mang Nghệ - Trưởng thôn Da Dù, cho biết: Vài năm trước, bà con thôn Da Dù bỏ làng đi ăn xin nhiều chứ bây giờ ít rồi. Ở thôn này, hiện chỉ có những người lười lao động mới không chịu làm rẫy sắn, rẫy mía mà cho thuê đất để đi ăn xin…

Quả thực như lời của ông Hồ Thanh Hải và ông Mang Nghệ, qua hồ sơ tiếp nhận các đối tượng lang thang xin ăn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định và Khánh Hòa gửi về Ủy ban nhân dân xã Xuân Lãnh mà chúng tôi tiếp cận được, các đối tượng lang thang xin ăn chủ yếu thôn Da Dù và Soi Nga. Lật hồ sơ các năm từ 2008 đến nay, vẫn là những “gương mặt thân quen” như Mang Dúp, Mang Chỉ, Mang Cháo, Lê Văn Thủ,… chứ không có đối tượng phát sinh mới.

Những năm qua, để ngăn chặn tình trạng người dân bỏ làng xin ăn, chính quyền các cấp từ huyện, xã đến thôn đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ. Song song với việc phối hợp các tổ chức chính trị đoàn thể, tôn giáo, trường học, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động đồng bào không lang thang xin ăn, chính quyền xã Xuân Lãnh đã huy động các nguồn lực giúp đỡ các đối tượng này có điều kiện phát triển sản xuất.

Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Lãnh cho biết: Từ năm 2008 đến nay, xã đã tạo điều kiện bố trí đất sản xuất cho 20 hộ không có đất sản xuất thuộc đối tượng lang thang xin ăn với diện tích hơn 10 hecta. Bên cạnh đó, các hộ này còn được hỗ trợ bò giống sinh sản để phát triển kinh tế… Nhờ công tác tuyên truyền vận động và các chính sách hỗ trợ tích cực nên đa số các hộ đã yên tâm sản xuất; tình trạng bỏ đi lang thang xin có chiều hướng giảm.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng người dân bỏ làng đi lang thang xin ăn, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục triển khai những giải pháp quyết liệt hơn. Theo đó, nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc đấu tranh ngăn chặn tình trạng bỏ làng đi lang thang xin ăn, trưởng các thôn, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng tổ chức họp dân và xây dựng quy ước hương thôn; trong đó, đưa ra quy định các mức phạt đối với những người này như cảnh cáo trước dân làng hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho các đối tượng này tham gia học nghề và giới thiệu việc làm. Ngoài ra vào dịp hè, các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… tổ chức những hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích để thu hút trẻ em nhằm hạn chế tình trạng đi ăn xin.

Ngoài những giải pháp trên, theo ông Nguyễn Hữu Từ - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, việc triển khai thực hiện mô hình “Mỗi tổ chức giúp đỡ một thôn, buôn khó khăn; mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo” theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy Phú Yên là một giải pháp huy động được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ cùng với địa phương ngăn chặn hiệu quả tình trạng đồng bào bỏ làng đi lang thang xin ăn trong thời gian tới.


Vũ Xuân Triệu (TTXVN)
Xuất hiện bò rừng nghi là bò tót tại Phú Yên
Xuất hiện bò rừng nghi là bò tót tại Phú Yên

Chiều 30/6, ông Đặng Chí Hậu - Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên khẳng định, thông tin bò tót ra khỏi rừng phá hoại mùa màng của dân là chính xác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN