Rối loạn tâm thần vì xem phim kinh dị

Trẻ còn nhỏ chưa phân biệt được đâu là thế giới thật, đâu chỉ là tưởng tượng. Vì thế, việc xem những bộ phim không phù hợp với lứa tuổi, đặc biệt là phim kinh dị, có thể sẽ khiến trẻ mắc bệnh rối loạn ám ảnh sợ hãi.


Mới đây, khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận bé gái tên là H, 8 tuổi ở huyện Nho Quan, Ninh Bình bị rối loạn tâm thần vì xem phim kinh dị. Bà ngoại của bé kể, cách đây một tháng, khi đi học về bé kêu trống ngực đập thình thịch. Mẹ của bé cho rằng, đó là biểu hiện do bé nghịch, nô đùa nhiều nên bỏ qua. Một tuần sau, đang ngồi xem phim, bé bị nôn khan, trống ngực đập liên hồi, đầu đau dữ dội. Lúc này, bố mẹ mới đưa bé đi khám tại cơ sở y tế gần nhà nhưng bác sĩ không tìm ra nguyên nhân và chuyển bé lên cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai.

Sau 10 ngày điều trị, tâm lý của bé H đã trở lại bình thường.


Kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy, các chỉ số xét nghiệm không đồng nhất. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: “Các chỉ số xét nghiệm của bệnh nhi này lúc rối loạn, lúc bình thường. Tim lúc đập nhanh, lúc chậm. Bé thường nôn và nôn dữ dội nhưng xét nghiệm tiêu hóa lại bình thường còn kết quả điện tâm đồ thì lúc loạn lúc không”.


Trước tình thế đó, các bác sĩ khoa Nhi đã mời các chuyên gia hàng đầu về chống độc, thần kinh, tiêu hóa về hội chẩn. Tuy nhiên, sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm khác, các chuyên gia đều khẳng định bé không bị ngộ độc, hay mắc bệnh thần kinh, tiêu hóa.


Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, khoa Nhi, BV Bạch Mai, người điều trị cho bé H cho biết, những lần lên cơn co giật của bé cũng rất khác thường. Nếu là co giật do bệnh lý động kinh hay sốt cao thì bệnh nhi phải co giật toàn thân, mất ý thức. Nhưng trường hợp này thì khác, bé chỉ có cơn co ở tay hoặc chân. Thậm chí, có lần đứa trẻ cùng giường với H bị sốt cao, lên cơn co giật, bé H lúc đó đang bình thường bỗng dưng cũng lên cơn giật miệng giống hệt bạn.


Căn cứ vào những biểu hiện trên, các bác sĩ khẳng định, H bị rối loạn tâm thần do một tác động nào đó. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, sau vài ngày nói chuyện, bé H đã tiết lộ: “Cháu thường xuyên thấy hiện lên trong đầu, trước mắt cảnh bắn nhau hay máu chảy, người chết trong các phim kinh dị. Mỗi lần như thế, cháu thấy sợ lắm, tim lại đập loạn lên, đầu đau dữ dội”.


Lúc này, các bác sĩ hỏi cặn kẽ người nhà mới biết, ở nhà H xem ti vi nhiều và rất hay xem phim kinh dị. Bác sĩ đã phải kê thuốc an thần để H ngủ vì cứ thức thì tất cả các hoạt động trên phim lại hiện ra trong đầu bé. Rất may, sau 10 ngày điều trị tại khoa Nhi, BV Bạch Mai, sức khỏe của H đã hồi phục.

Xem phim kinh dị = đầu độc


Theo Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, những trường hợp như bé H không phải là hiếm. Có trẻ 5 tuổi chỉ cần nhìn thấy búp bê đã sợ đến phát run lên, mắt mở trừng trừng. Trẻ bị rối loạn ám ảnh vì xem một phim búp bê ma quỷ trước đó. Sợ hãi là một dấu hiệu hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ vì sự nhận thức chưa đầy đủ, sau một thời gian sẽ mất đi; nhưng với một số bé, điều này lại trở thành nỗi ám ảnh. Cảm giác sợ hãi khiến trẻ khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, đau bụng, đau đầu, buồn nôn, toát mồ hôi... Về mặt tâm lý, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn, khóc lóc buồn rầu, căng thẳng cáu kỉnh, hay gặp ác mộng...


Trẻ sợ hãi vì chưa hiểu, nhận thức hết được vấn đề. Vì thế, để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi cần rất nhiều thời gian, thậm chí vài tháng. Khi cảm thấy an toàn, trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi nữa.


PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không nên cho trẻ dưới 3 tuổi xem ti vi. Việc cho trẻ xem ti vi quá sớm có thể khiến não và hệ thần kinh của trẻ bị tổn thương, trẻ ngủ không ngon giấc và có nguy cơ dễ mắc các bệnh tim mạch, tự kỷ. Do đó, các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi xem ti vi hoặc chơi máy tính, điện thoại.


Với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ xem các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi nhưng phải kiểm soát thời gian xem, tốt nhất chỉ cho trẻ xem 30 phút/ngày.


Bài và ảnh: Châu Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN