Tăng cường giám sát, không để bệnh sởi lây lan thành dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch

* Ngày 18/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị khẩn về việc chủ động phòng, chống dịch sởi năm 2014. Theo đó, Chỉ thị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phạm Đăng Quyền ký yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế tại các địa phương và đơn vị. Các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo cơ số thuốc, vắc-xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch sởi, đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch tễ, nhằm phát hiện sớm ngay từ ca bệnh đầu tiên để triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, không để lây lan bùng phát thành dịch.

Đại diện Bộ Y tế cung cấp thông tin phòng, chống dịch sởi cho báo chí ngày 18/4. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Tới đây, Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp đến tận người dân những điều cần biết về phòng chống dịch sởi, cũng như lợi ích của việc tiêm phòng vắc-xin sởi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách hiệu quả. Cũng theo chỉ thị này, ngành y tế Thanh Hóa phải phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin sởi để triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin sởi bổ sung, đồng thời phân vùng có nguy cơ cao để phối hợp với các huyện có các giải pháp tích cực theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là kế hoạch tiêm vắc-xin sởi.

Sở Y tế tỉnh sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra công tác triển khai kế hoạch phòng chống dịch tại các địa phương, đảm bảo không để sởi bùng phát thành dịch, không để lây chéo với các bệnh khác và phấn đấu không để xảy ra tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay tỉnh đã ghi nhận 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 9 bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với vi-rút sởi ở 7 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, Thanh Hóa chưa có bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi.

* Ông Đặng Đình Thoảng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nam chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ca mắc sởi tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng nhằm xử lý kịp thời không để bệnh sởi lây lan, bùng phát thành dịch.

Sở yêu cầu bệnh viện đa khoa huyện, thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị tích cực cho bệnh nhân, hạn chế thấp nhất biến chứng và tử vong do sởi. Sở cũng có kế hoạch tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các trạm y tế xã, phường và y tế tư nhân trên địa bàn về chẩn đoán, điều trị bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thành phố tổ chức rà soát thống kê số trẻ chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi theo quy định để tổ chức tiêm vét ngay trong tháng 3 - 4/2014, tránh bỏ sót đối tượng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm bổ sung, tiêm vét vắc-xin sởi cho gần 10.000 trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực tiếp qua đội ngũ y tế thôn được đẩy mạnh nhằm hướng dẫn cho người dân cách phát hiện, cũng như các biện pháp dự phòng sởi tại cộng đồng. Cán bộ ngành Y tế cũng vận động nhân dân trong xã, phường, thôn, xóm hàng tuần tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn uống bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, hợp vệ sinh và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ.

Đến nay, Hà Nam đã ghi nhận 29 ca mắc sởi, trong đó 22 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, các trường hợp còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chưa có biến chứng.

* Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện 45 ca bệnh lâm sàng nghi mắc sởi, không có chùm ca bệnh. Sau khi gửi mẫu các ca bệnh lâm sàng đi xét nghiệm, cơ quan chuyên môn chỉ phát hiện có 2 ca dương tính với virus sởi.

Ngành y tế Thái Nguyên chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn không chủ quan với bệnh sởi, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ y tế về phòng chống bệnh sởi, đảm bảo tỷ lệ trẻ tiêm phòng sởi đạt 95%. Hiện các trạm y tế cơ sở đang thực hiện chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi cho trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi. Đến nay đã có 6/9 huyện, thành, thị trên địa bàn hoàn thành công tác này và dự kiến đến hết tháng 4, toàn tỉnh sẽ hoàn thành việc tiêm vét vắc-xin sởi cho trẻ. Cùng với những cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh, ngành y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh sởi phải được cách ly, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan trong cộng đồng. Điều quan trọng nhất, để tránh mắc bệnh sởi, các phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ...

* Ngày 18/4, Bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, bắt đầu từ ngày 20 đến 25/4, chiến dịch tiêm vét vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9-24 tháng tuổi sẽ được triển khai tại tất cả các điểm tiêm vắc-xin ở các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện ngành y tế Đồng Nai đã làm việc với trung tâm y tế dự phòng 11 huyện, thị, từ đó tổng hợp số trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi để tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung trong tháng 4 này. Dự kiến, đợt tiêm vét này sẽ tiêm cho 37.000 trẻ sinh từ ngày 1/1/2012 đến 30/6/2013 chưa tiêm vắc-xin sởi đủ mũi theo lịch tiêm chủng mở rộng. Trong đó có khoảng 15.154 trẻ chưa được tiêm mũi 1 và 21.600 trẻ chưa được tiêm mũi 2.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 234 ca được chẩn đoán nghi mắc bệnh sởi, trong đó 33 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi. Các địa phương có ca nghi mắc sởi cao nhất là thành phố Biên Hòa (với 92 ca) và các huyện: Trảng Bom (38 ca), Long Thành (35 ca) và Xuân Lộc (23 ca).

* Tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành tiêm vắc-xin sởi bổ sung cho trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Ninh Thuận, toàn tỉnh có 5.383 đối tượng cần được tiêm vắc-xin sởi bổ sung với tổng số 8.110 liều vắc-xin. Đến nay, tỉnh đã tổ chức tiêm cho 4.512 đối tượng tại 6 huyện/thành phố .

Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 25 trường hợp nghi sởi và có 11 ca xác định dương tính với sởi. Trong số những trẻ mắc sởi, có 5 trường hợp dưới 9 tháng tuổi, số còn lại từ trên 9 tháng đến 17 tháng tuổi, đa số chỉ mới tiêm một mũi hoặc chưa tiêm mũi vắc-xin sởi nào. Tính đến ngày 17/4, số bệnh nhân nghi sởi đang nằm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh là 10 ca, trong đó có 8 ca nằm phòng bệnh nặng.

Theo Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc, nguyên nhân khiến năm nay dịch sởi bùng phát là do nhiều người dân còn chủ quan, chưa thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin sởi cho trẻ. Số ca tiêm phòng sót trong cộng đồng hàng năm dồn lại khiến bệnh sởi bùng phát và lây lan. Vì vậy, Trung tâm khuyến cáo mọi người dân cần tham gia phòng chống dịch bệnh sởi bằng cách đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ. Các Trạm Y tế xã, phường sẽ tổ chức tiêm vét cho những đối tượng bị ốm hay không có mặt ở địa phương trong đợt tiêm chủng này để đảm bảo mọi đối tượng đều được tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ. Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng như sốt, phát ban, viêm đường hô hấp, phù niêm mạc mắt thì gia đình hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị thích hợp, tránh tình trạng gây biến chứng nặng.


Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi

Bộ Y tế đã có quyết định số 1327/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN