Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân:

Tạo niềm tin qua công tác tiếp dân

Thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai công tác tiếp công dân tại các sở ban ngành, quận huyện. Thông qua công tác tiếp công dân, Thành phố cũng như chính quyền các địa phương đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, trăn trở, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp.

 

20 phút thay cho 20 năm khiếu kiện

 

Có thể thấy, công tác tiếp dân tại TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Bộ phận tiếp nhận các cấp đã có giấy hẹn ngày tiếp công dân cụ thể. Tại nhiều quận, huyện công việc được chuẩn bị trước một cách chu đáo để có những trả lời thỏa đáng cho dân. Cán bộ tiếp dân, nhất là các vị lãnh đạo chính quyền, cùng các bộ phận tham mưu thực hiện tiếp dân đều khiến người dân khá hài lòng.

 

Việc người dân tới các văn phòng tiếp công dân gửi đơn thư trước sẽ giúp việc lãnh đạo thành phố thực hiện tiếp công dân có hiệu quả hơn.


Mới đây ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trực tiếp gặp người dân để lắng nghe và giải quyết hai vụ khiếu nại kéo dài lâu năm tại TP là một ví dụ. Sau cuộc gặp gỡ đó, người khiếu nại đã hứa rút lại đơn kiện đã gửi ra tòa và chia sẻ 20 phút gặp Bí thư Thành ủy có tác dụng như 20 năm chạy vạy khiếu kiện khắp nơi. Như vậy, có thể thấy tinh thần và trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết sớm khiếu nại ngay từ cơ sở trên địa bàn Thành phố bước đầu đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Không chỉ lãnh đạo cao nhất của TP Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân có hiệu quả theo quy định của Nhà nước, mà hiện tất cả 24 quận, huyện, các sở ban ngành của Thành phố đều triển khai khá hiệu quả công tác này. Quận 1 được xem là một quận có nhiều cải cách trong việc tiếp công dân so với các quận khác của Thành phố.

 

 

Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã ban hành quyết định về tăng cường lãnh đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn. Theo đó, chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu: Các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tăng cường phối hợp tiếp công dân, xử lý các trường hợp nhiều người cùng khiếu nại tố cáo, phản ánh kiến nghị về một nội dung. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước…

Anh Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết, đối với quận 1, việc tiếp công dân đã được thực hiện vào khoảng năm 1990. Đến nay, vẫn được duy trì thường xuyên và đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Qua việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, lãnh đạo UBND quận có thể trực tiếp lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, cũng như những bức xúc, kiến nghị của người dân để kịp thời tháo gỡ, xử lý, yêu cầu các phòng ban liên quan báo cáo lại toàn bộ vụ việc trước sự chứng kiến của người dân, hoặc trực tiếp chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại thủ tục, hồ sơ pháp lý còn vướng mắc để giải quyết cho người dân.

 

Theo đó, thông qua việc tiếp công dân trực tiếp của lãnh đạo UBND quận 1 đã có trên 70% nguyện vọng chính đáng liên quan đến các vụ việc đã được giải quyết triệt để, kịp thời, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong nhân dân. Do vậy không có trường hợp khiếu nại kéo dài vài năm chưa được giải quyết.

 

Ông Võ Đại Thắng, nhà ở phường 11, quận 11 cho hay: Tôi có căn nhà 379 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1. Đây là căn nhà thuộc sở hữu Nhà nước và được bán đấu giá. Tuy nhiên khi tôi yêu cầu cấp giấy chứng nhận (GCN) thì Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) của quận 1 lại đề nghị tôi bổ sung thêm quyết định phê duyệt đấu thầu. Vì vậy, tôi đã gửi đơn khiếu nại đến UBND quận 1 và ngày 28/2, Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã có buổi tiếp xúc và lắng nghe thắc mắc với tôi. Tại đây, lãnh đạo quận 1 đã đối chiếu các quy định và đã yêu cầu Văn phòng ĐKQSDĐ nhanh chóng cấp GCN cho tôi. Tôi rất cảm ơn lãnh đạo UBND quận 1 đã hiểu và giải quyết những thắc mắc chính đáng của những người dân “thấp cổ bé họng” như tôi.

 

Khiếu nại, tố cáo giảm

 

Theo báo cáo của UBND Thành phố, 6 tháng đầu năm 2014, toàn Thành phố đã tổ chức tiếp 21.645 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (đã giảm 12% so cùng kỳ, đạt trên 99%). Tuy nhiên, kết quả xử lý và giải quyết khiếu nại thành công chỉ ở mức 30%, thậm chí có lĩnh vực chỉ giải quyết được hơn 20%.

 

Hiện nay, lĩnh vực gây nhiều khiếu nại, tố cáo nhiều nhất chính là lĩnh vực nhà đất. Lĩnh vực này thường không giải tỏa được bức xúc của người dân vì giải quyết không đúng, thời gian giải quyết kéo dài so với luật định, thậm chí có những trường hợp khiếu nại kéo dài trong vòng 10 năm. Chẳng hạn như vụ việc của 15 hộ dân tại căn nhà số 282 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 10, quận Phú Nhuận. Vụ khiếu nại này kéo dài đến 10 năm mới giải quyết xong. Nguyên dân chủ yếu là do chủ dự án chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Hay như việc dẹp một cổng rào trái phép tại hẻm 15, phường 7, quận Phú Nhuận để thuận tiện giao thông cho nhiều hộ dân, nhưng cũng mất 8 tháng để giải quyết.

 

Một đại diện của Văn phòng tiếp công dân của UBND Thành phố cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người dân vẫn đến các văn phòng tiếp công dân tại các sở ban ngành, quận, huyện để trình bày thắc mắc, khiếu nại. Trước là người dân muốn phát huy quyền dân chủ của công dân, cộng với trình độ dân trí của Thành phố cao, cho nên người dân mới tới gửi đơn thư, khiếu nại, phản ánh đến các cơ quan ban ngành. Thứ hai là chính sách, phương án trong thực hiện các dự án so với thực tế không đồng bộ, ví dụ như bị chậm về thời gian, chậm nguồn tiền, thiếu nguồn tái định cư cho dân hoặc không nghiên cứu các phương án hỗ trợ… khiến người dân bức xúc. Thứ ba là những chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố khi về đến các đơn vị thực hiện vẫn còn chậm, hoặc thực hiện sai nên cũng gây bức xúc cho dân….

 

“Trong khi đó, tại các quận huyện, sỡ dĩ người dân vẫn đến phòng tiếp công dân của quận, huyện để trình bày đơn thư, khiếu nại, thắc mắc với lãnh đạo là do các đơn vị, phòng ban chậm trễ trong việc giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của công dân. Công dân cho rằng việc giải quyết của phòng ban, đơn vị chưa đúng pháp luật. Có thể những kiến nghị, khiếu nại đó đã được các phòng ban, đơn vị giải quyết nhưng chưa đáp ứng theo yêu cầu của công dân. Những vụ việc phức tạp, thời gian xử lý kéo dài cần xác minh, mặc dù đã thông tin cho công dân hoặc những trường hợp đã xin ý kiến của Thành phố nhưng Thành phố chưa có ý kiến cũng tạo bức xúc người dân.”- Anh Hải Hiếu cho biết thêm.

 

Rõ ràng là, việc tiếp công dân nhằm mục đích lắng nghe phản ánh, ý kiến, nguyện vọng cũng như góp ý của công dân, vừa tránh việc khiếu nại kéo dài vừa tăng cường quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo và điều hành, bảo đảm thực thi pháp luật. Tuy nhiên, để hoạt động tiếp công dân có hiệu quả, nhiều đại diện quận huyện cho rằng, cần thực hiện sâu sát từ cơ sở và cần biết trước nội dung để trao đổi với nhân dân.

 

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM:

Lãnh đạo giải quyết không hiệu quả là vi phạm luật

Hiện nay chúng ta đã có Luật Tiếp công dân vì vậy nếu cán bộ, lãnh đạo giải quyết không hiệu quả tức là vi phạm luật và cần xử lý. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là thường trực UBND nên nghiên cứu vấn đề này để xử lý cán bộ thực hiện tiếp công dân nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.

 

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận 1:

Người dân nên cho biết trước nội dung kiến nghị

Nếu công dân có nhu cầu muốn gặp lãnh đạo UBND quận để trình bày những phản ánh, kiến nghị thì nên đăng ký tại Tổ tiếp công dân -Văn phòng UBND quận. Người dân cũng nên cho biết trước nội dung kiến nghị, phản ánh của mình để giúp các phòng ban, đơn vị chuẩn bị tốt hồ sơ, như vậy buổi tiếp công dân sẽ hiệu quả hơn. Việc biết trước nội dung công dân thắc mắc có liên quan đến những đơn vị nào thì sẽ mời các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng tham gia giải quyết. Lãnh đạo các quận huyện, trong quá trình tiếp công dân, nên chú ý đến hiệu quả tiếp xúc chứ không phải là số lần nhằm bảo đảm chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

 

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:

Cần có chế tài trong hoạt động tiếp công dân

Hoạt động tiếp công dân chỉ hiệu quả khi có được thông tin số đơn thư đã giải quyết. Số còn tồn đọng phải phân công trực tiếp lãnh đạo giải quyết theo thẩm quyền, tránh kéo dài. Song song đó, hoạt động tiếp công dân còn giúp người dân biết và giám sát việc giải quyết, không để tồn đọng nhiều. Ngoài ra, cũng cần phải có chế tài trong hoạt động TCD bởi vì từ trước đến nay TCD không hiệu quả hoặc xử lý vụ việc chậm cũng chỉ dừng lại hình thức kỷ luật.

 

Ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM:

Người lãnh đạo phải quyết tâm

Hiện nay, các cấp các ngành không nên kéo dài thời gian giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo làm bức xúc trong nhân dân. Khiếu nại càng cao thì vi phạm càng nhiều, cấp dưới làm không tốt nên người dân phải khiếu nại lên cấp trên. Vì vậy, muốn tiếp công dân có hiệu quả, người lãnh đạo phải thật sự có quyết tâm muốn giải quyết vấn đề của nhân dân. Các đơn vị tham mưu cần thực hiện tốt công tác tham mưu, chuẩn bị hồ sơ cho lãnh đạo tiếp công dân có hiệu quả. Đặc biệt, giải quyết khiếu nại phải bằng quyết định chứ không thể giải quyết bằng công văn mà các sở, ngành áp dụng đại trà như hiện nay.

 

 

Hoàng Tuyết

Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân

Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1722/TTg-V.I về việc chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN