Tây Nguyên - hạn hán ngày càng nghiêm trọng

Nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch tổng thể thủy lợi các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.


Thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã xây dựng trên 2.261 công trình thủy lợi, trong đó có 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, 114 trạm bơm và 55 công trình thủy lợi khác bảo đảm tưới cho 202.166 ha. Trong đó, lúa nước 72.801 ha, màu 16.598 ha, cây công nghiệp, chủ yếu là cây cà phê 112.627 ha, so với diện tích cần tưới mới đạt 17,6%. Các hồ chứa trên địa bàn Tây Nguyên đã tạo cho vùng có một dung tích trữ thiết kế đạt 1,12 tỷ m3 nước và dung tích hiệu ích đạt 1,02 tỷ m3.

Vườn cà phê ở huyện Chư Păh (Gia Lai) chết héo vì không có nước tưới. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Nước ngầm là nguồn nước quan trọng trong việc tưới cho cây công nghiệp dài ngày, nhưng việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức để tưới cho cây cà phê dẫn đến mực nước dưới đất, nhất là trong tầng chứa nước bazan đã bị suy giảm đáng kể (vào mùa khô với mức nước tưới trung bình từ 1.500 m3/ha/vụ đến 2.500 m3/ha/vụ. Ngay mùa khô năm 2015 vừa qua, do khai thác quá mức nguồn nước ngầm để tưới chống hạn cho cây cà phê và lấy nước phục vụ sinh hoạt nên mực nước ngầm ở thành phố Buôn Ma Thuột đã bị hạ thấp từ 1,5 - 6 mét. Các giếng khoan khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột bị cạn kiệt, bình quân giảm 15.000 m3/ngày so với những năm trước đây, nhiều phường của thành phố Buôn Ma Thuột đã phải cắt nước luân phiên từ 2 - 3 ngày/tuần trong các tháng 4 và 5, hàng loạt giếng đào của người dân đều cạn kiệt không khai thác được.

Trong khi đó, hàng năm ở một số vùng của các tỉnh Tây Nguyên thường bị ngập úng từ tháng 9 đến tháng 11. Nơi thường bị ngập úng nặng nhất là các vùng ven sông Đắk Bla (Kon Tum), lưu vực sông Sê San, hạ lưu sông A Yun và trung lưu sông Ba thuộc huyện Krông Pa (Gia Lai), vùng Lắk, Buôn Trấp, Krông Búk hạ thuộc lưu vực sông Sêrêpốk (Đắk Lắk), vùng hạ lưu tràn Đơn Dương, Đa Hoai, Đa The (Lâm Đồng)…, với mức độ ngập trên 10.000 ha, độ sâu ngập từ 1 - 3 mét, mỗi đợt lũ ngập trong vài ngày. Còn đối với các công trình tiêu úng ở Tây Nguyên cũng chưa được đầu tư xây dựng nhiều. Hiện nay, mới chỉ đầu tư xây dựng hệ thống kênh tiêu tự chảy Bầu Dài, với nhiệm vụ tiêu úng cho khu vực Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, do chưa có cống đầu kênh nên khi mực nước ngoài sông Krông Ana lên cao, nước sông lại chảy ngược vào kênh nên công trình chưa phát huy tác dụng…

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên quá trình đầu tư phát triển thủy lợi trong thời gian qua chưa tương xứng với quá trình phát triển nông nghiệp. Hệ thống công trình thủy lợi xây dựng đã lâu, không đồng bộ và xuống cấp, nguồn vốn cấp ít không đủ để duy tu bảo dưỡng công trình thường xuyên, hệ thống công trình nội đồng còn thiếu, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố còn nhiều. Các công trình thủy lợi chủ yếu là công trình thủy lợi nhỏ, tưới từ vài ha đến vài trăm ha, thiếu các công trình thủy lợi lớn và vừa, lượng nước ngầm do khai thác quá bừa bãi suy giảm nhanh, có nơi suy giảm đến 50% so với 10 năm trước…

Tầm nhìn dài hạn

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu nước cho ngành nông nghiệp là 4,24 tỷ m3 và đến năm 2030 chỉ tăng lên khoảng 4,29 tỷ m3. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Chính phủ tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên đầu tư nâng cấp 726 công trình thủy lợi, có diện tích tưới tăng thêm 31.860 ha. Đồng thời, xây dựng mới 1.442 công trình nhằm bảo đảm tưới 293.354 ha canh tác.

Như vậy, sau khi bổ sung thêm các công trình thủy lợi, các tỉnh Tây Nguyên sẽ nâng diện tích tưới tăng lên 539.770 ha. Cụ thể, vùng thượng lưu vực sông Sê San và phụ cận hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai sẽ đầu tư nâng cấp 205 công trình hiện có và xây dựng mới 230 công trình để nâng diện tích tưới tăng lên 42.278 ha, tăng gần gấp đôi so với hiện nay. Những diện tích nằm ở các vùng đồi núi, xa nguồn nước chuyển sang các loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn nhằm đảm bảo sản xuất ổn định. Vùng thượng lưu sông Ba và phụ cận tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk tập trung nâng cấp 116 công trình, xây dựng mới 215 công trình vừa và nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới tăng thêm cho 102.808 ha. Vùng thượng lưu vực sông Sêrêpốk và phụ cận tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông nâng cấp 237 công trình, xây dựng mới 470 công trình góp phần đưa diện tích tưới tăng lên 236.671 ha. Vùng thượng lưu vực sông Đồng Nai và phụ cận tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng sửa chữa, nâng cấp 168 công trình, xây dựng mới 527 công trình nâng diện tích tưới từ các công trình thủy lợi tăng thêm đạt 158.013 ha…

Quang Huy
Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát hạn
Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát hạn

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những hậu quả do hạn hán gây ra rất trầm trọng, làm cho hàng ngàn ao hồ sông suối bị cạn kiệt, nhiều vùng dân cư thiếu nước sinh hoạt, dẫn tới nguy cơ cháy rừng cao, đặc biệt làm giảm năng suất cây trồng, thậm chí hạn nặng làm mùa màng bị mất trắng, nhiều vùng đất nông nghiệp bị mất khả năng canh tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN