Phản hồi loạt bài 'Lãng phí chất xám thạc sĩ, tiến sĩ':

'Tính trì trệ và bảo thủ cản trở các tiến sĩ'

TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Viện nghiên cứu và phát triển Viettel: Thích nghi với môi trường mới để phát huy khả năng

 

Sau khi cầm tấm bằng tiến sĩ ngành kỹ thuật Cơ khí, chuyên ngành khoa học Nano của ĐH Michigan ở Ann Arbor (top 25 trường ĐH của Mỹ - PV), tôi trở về Việt Nam làm việc. Quyết định này không mấy khó khăn dù tôi đứng trước một số lời mời làm việc hấp dẫn của một số công ty ở Mỹ như TRW (công nghiệp ô tô), Capgemini (tư vấn kinh doanh)... Trước khi đi du học, tôi xác định sẽ trở về và cống hiến cho đất nước; khi về nước, tôi mong muốn làm việc cho Nhà nước hoặc công ty của Nhà nước. Vậy nên, tôi đã quyết định đầu quân cho Viettel bởi muốn đóng góp vào tham vọng xây dựng một thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế của công ty. Trong 2 tháng làm việc ở Viettel, tất nhiên đã có rất nhiều điều mới mẻ đối với tôi, từ công việc cho tới phong cách làm việc. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy ý nghĩa trong công việc và tin tưởng mình sẽ hòa nhập tốt với môi trường làm việc mới.

 


Ở bất cứ môi trường làm việc nào cũng cần có sự thích nghi, đây là thử thách cần thiết để vượt qua. Tôi cho rằng, một trong những thước đo của người giỏi chính là ở khả năng thích nghi với môi trường mới để phát huy bản thân. Bởi chúng ta chỉ có thể lựa chọn và tự thích nghi với môi trường làm việc để đạt được mục tiêu của mình. Nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp buộc phải lựa chọn môi trường làm việc không phù hợp, dẫn đến lãng phí chất xám như: Bố trí không đúng công việc, các tiến sĩ không được tạo điều kiện để làm việc, không có điều kiện tối thiểu để họ thích nghi... Trong những trường hợp này thì đòi hỏi cá nhân phải chủ động tìm được môi trường làm việc phù hợp. Ngay trong khu vực nhà nước, khu vực mà nhiều người vẫn nghĩ không phù hợp với du học sinh, cũng có những môi trường tương đối tốt. Cần phải năng động mở ra các hướng khác để đạt được mục tiêu của mình, chứ không nên phàn nàn về môi trường đang làm việc, bởi đó là lựa chọn của chính bản thân mình.


Theo tôi, vấn đề có nên trở về Việt Nam làm việc sau khi đi du học hay không là một lựa chọn cá nhân, cũng như quyết định đi du học vậy. Mỗi chúng ta đều có những mục đích và ước mơ riêng. Việc quyết định ở đâu và làm gì trước hết phải phục vụ những mục đích và ước mơ cá nhân đó. Ở lại nước ngoài làm việc hay về Việt Nam đều có những ưu và nhược điểm riêng. Quan trọng là môi trường đó có phục vụ cho mục tiêu của chúng ta hay không.

 

ThS N.A, Viện Goethe Hà Nội: Tính trì trệ và bảo thủ cản trở các tiến sĩ


Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học tại Đức, tôi muốn trở về Việt Nam làm việc để được gần gũi gia đình. Tôi cũng rất muốn được đầu quân trong khu vực nhà nước nhưng để có một vị trí phù hợp thật khó khăn; không phải kỳ thi công chức nào ở Việt Nam cũng bảo đảm tính minh bạch.


Tôi không hài lòng lắm về môi trường làm việc, đặc biệt là tại các cơ quan nhà nước. Tính trì trệ và bảo thủ trong các cơ quan này rất cao. Không ít nhân viên, dù biết ý kiến của cấp trên chưa đúng nhưng muốn góp ý cũng phải lựa lời, để ý thái độ, nhiều khi không dám đưa ra ý kiến riêng. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp cũng khá phức tạp, môi trường làm việc chưa năng động, tính sáng tạo bị hạn chế.


Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn tìm được làm việc trong môi trường năng động, được tự do sáng tạo, đưa ra các sáng kiến mà không phải e ngại. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu có thể được đưa vào thực tiễn làm việc. Thời gian tới, tôi sẽ tìm công việc phù hợp hơn với ngành đào tạo trước đây, tôi muốn có cơ hội nhiều hơn để cống hiến kiến thức mình đã học.

 

Ông H.N.L, làm việc tại Nokia Siemens Networks: Không chọn môi trường nhà nước dù rất muốn cống hiến


Sau khi học tập và làm việc thời gian dài tại Đức, tôi muốn trở về để được cống hiến những kiến thức đã học tập cho quê hương, đồng thời tôi cũng muốn được về với gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó tôi không chọn môi trường làm việc ở khu vực nhà nước dù bản thân rất mong muốn được cống hiến; nơi làm việc tôi muốn hướng tới là làm cho một công ty nước ngoài hoặc tổ chức phi Chính phủ, nơi có điều kiện làm việc gần với môi trường học tập ở nước tôi đã từng theo học và làm việc.

 
Tôi đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia vì vậy không gặp nhiều khó khăn trong môi trường làm việc. Môi trường ở đây tuy áp lực nhưng rất năng động, thoải mái và không khác nhiều so với trước đây tôi làm việc tại Đức. Tôi rất hài lòng với môi trường làm việc hiện tại. Với những kiến thức được học tại Đức và sự nỗ lực của bản thân, tôi đã có một vị trí cao trong công việc, được đồng nghiệp tôn trọng. Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ, lương, thưởng cũng rất tốt.


Lê Vân - Ánh Tuyết

Phản hồi bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ”
Phản hồi bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ”

Loạt bài viết “Lãng phí chất xám tiến sĩ, thạc sĩ” và bài “Những đề án tiến sĩ đi đâu, về đâu” đăng báo Tin Tức ngày 4 và 15/8 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN