Xây dựng nông thôn mới khó khăn vì... tiêu chí văn hoá

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên do nhiều địa phương không đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.


Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Yên, đối chiếu với quy định của Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh chỉ có 15 xã đạt tiêu chuẩn này; còn lại 73 xã không đạt do thiếu diện tích đất và thiếu số chỗ ngồi trong hội trường.

Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các huyện, thị xã tiếp tục điều chỉnh lại quy hoạch nông thôn mới nhằm đáp ứng tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa. Một trong những nội dung quan trọng là các địa phương khi xây dựng hội trường cần “kèm” thêm công năng tổ chức các hoạt động văn hóa. Như vậy, vừa tiết kiệm được diện tích đất, giảm bớt kinh phí đầu tư xây dựng, vừa khai thác hết công suất của hội trường vì trên thực tế hàng tháng chỉ tổ chức một số cuộc hội họp là lãng phí.

Tại huyện miền núi Sơn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Phạm Đình Phụng, cho biết: Trên cơ sở kinh phí chương trình nông thôn mới được phân bổ 10 tỷ đồng, huyện sẽ ưu tiên thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trong đó sẽ xây dựng 8 hội trường kết hợp nhà văn hóa tại các xã Sơn Nguyên, Suối Trai, Sơn Định, Sơn Xuân và Sơn Hà. Kinh phí đầu tư xây dựng được xã hội hóa theo tiêu chí trung ương hỗ trợ 50%, huyện 20%, xã và nhân dân đóng góp 30%.

Tỉnh Phú Yên hiện có 34 trong số 88 xã có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - thể thao và 405 thôn, buôn có nhà văn hóa hoặc khu thể thao. Tuy nhiên, các cơ sở văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đều xây dựng trước khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, nên khi đối chiếu theo Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL đa số đều không đạt chuẩn quy định như diện tích đất khu nhà văn hóa từ 500 m2 trở lên vùng đồng bằng và 300 m2 trở lên vùng miền núi, khu thể thao từ 2.000 m2 trở lên vùng đồng bằng và 1.500 m2 trở lên vùng miền núi, hội trường nhà văn hóa từ 100 chỗ ngồi trở lên ở đồng bằng và 80 chỗ ngồi trở lên ở miền núi.

Cần sớm nâng cấp nhà rông ở Phú Yên để đảm bảo tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới.


Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 98 nhà rông văn hóa thôn, buôn, nhưng hầu hết diện tích mỗi nhà rông văn hóa khoảng 40 m2, đa số đều lợp tôn không phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc nên không huy động được sức dân đóng góp. Hiện nay, nhiều nhà rông văn hóa xây dựng từ năm 2005 trở về trước đã và đang xuống cấp; nhiều nhà rông văn hóa không còn sử dụng.

Trước thực tế này, nhiều huyện trong tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên nên xem xét đầu tư mỗi nhà rông văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp từ nguồn hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu Quốc gia.


Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN