Xây dựng văn hóa trong lòng dân

Để đạt được “thương hiệu” văn hóa, một khu phố tại Vũng Tàu đã vận động bà con giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng giàu, đẩy mạnh hoạt động nhân đạo từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo phát triển y tế, giáo dục, cộng đồng bằng thực tiễn, chứ không phải hô hào chung chung.


Từ 5 năm trở lại đây, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư” thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế, văn hóa, không chỉ thay đổi “bộ mặt” của địa phương, mà còn chuyển biến nếp nghĩ, việc làm của người dân phường 11, TP Vũng Tàu.


“Ba biết” khi dân cần


Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND phường 11 (TP Vũng Tàu), cho biết: Để có khu phố văn hóa, trước hết từng gia đình trong tổ dân phố phải có văn hóa. Muốn từng gia đình đạt danh hiệu này, trước hết từng cán bộ phường, cán bộ khu phố phải quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Biết lắng nghe dân nói, biết trả lời khi dân hỏi, biết giải thích thấu đáo khi dân thắc mắc, tức là phải “ba biết” khi dân cần, phải làm cho dân tin, dân làm theo chủ trương của phường. Người dân không phải ai cũng thông tường đường lối của Đảng, chủ trương của phường, nên cán bộ phường phải biết vận động bà con, hướng dẫn bà con làm theo, đó là cách xây dựng “thương hiệu văn hóa trong lòng dân”. Mặt khác, phải biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết của bà con, nhu cầu việc làm lao động của họ, để có biện pháp giải quyết phù hợp, nhất thiết không để người lao động không có công ăn việc làm, phải lo cho dân, hiểu bụng dân thì mới xây dựng khu phố văn hóa văn minh được.


 

Bộ mặt đô thị phường 11, TP Vũng Tàu ngày càng khang trang.

 

Hiện nay, ở phường 11 thành phố Vũng Tàu có 100% khu phố đạt danh hiệu văn hóa. Xây dựng khu phố văn hóa, phường văn hóa là cả một quá trình gian nan vất vả, dầy công của tập thể cán bộ phường, cán bộ khu phố, nhưng yếu tố quyết định vẫn là nhân dân. Phường 11 là cửa ngõ thành phố, dân nhập cư đông, chủ yếu là buôn bán, lao động tự do như lột da cá bò, làm công nhân trong các xí nghiệp, doanh ngiệp tư nhân may giày da xuất khẩu, hoặc công ty của Đài Loan, Nhật Bản. Thành phần lao động chủ yếu là thanh niên đến từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh… Dân gốc của phường chủ yếu là những người di dân đến Vũng Tàu - Côn Đảo năm 1954, tất cả theo đạo Thiên Chúa Giáo. Nhiều người có tư tưởng “trông chờ vào người thân ở nước ngoài chu cấp”.


Cán bộ là “đầu tàu”


Trước tình trạng ấy, Đảng ủy phường 11 đã có nghị quyết chuyên đề “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cử cán bộ phường xuống thâm nhập vào từng hộ dân, từng khu phố để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con. Biết được nhu cầu của người dân về việc làm, cán bộ phường vận động họ tự lực cánh sinh, không trông chờ ỷ lại vào chu cấp của người thân ở nước ngoài. “Mưa dầm thấm lâu”, một lần dân chưa nghe, hai lần dân chưa hiểu, cán bộ phường kiên trì vận động thuyết phục rồi bà con cũng nhận thấy cái hay, cái lợi, rồi nghe và làm theo. Cứ như thế, hết tổ dân phố này đến tổ dân phố khác, hết khu phố này đến khu phố kia, cán bộ phường đi vận động bà con, đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đối với các hộ có vườn tược, đất đai rộng rãi. Một số thanh niên ở một số hẻm trong khu phố trước đây nghiện ngập ma túy, nay đã từ bỏ và chịu làm ăn nhờ phường có biện pháp vận động tuyên truyền và tạo công ăn việc làm cho họ. Anh Trần Văn Chiến ở khu phố 4 cho biết: “Trước đây, tôi nghiện ngập, nhờ có sự động viên của tổ dân phố bám sát, nay tôi hiểu được tác hại của ma túy nên bỏ dứt điểm. Công này trước hết là do phường và bà con làm công tác xã hội vận động giúp đỡ”.


Bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND phường 11 tâm sự: Tuy gian nan khó nhọc nhưng không thể không làm. Cán bộ khó nhọc một thì dân khó nhọc mười. Vì vậy muốn đạt danh hiệu văn hóa thì trước hết cán bộ phường phải văn hóa, đầu tầu gương mẫu đi trước, làm trước cho nhân dân theo. Xây dựng khu phố văn hóa phải thực chất, tức là người dân phải ấm no, hạnh phúc, lành mạnh văn minh, chứ không phải “xây văn hóa“ trên sách vở, xây trên khẩu hiệu hô hào chung chung. Cán bộ phường cũng phải đổ mồ hôi, thậm chí lăn lưng làm với dân. Muốn làm được điều ấy, phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất tinh thần của dân. Đó là con đường làm nên “thương hiệu văn hóa trong lòng nhân dân của phường chúng tôi”.

Bài và ảnh: Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN