Cấp thiết đồng bộ việc quản lý người hiến máu

Hiện nay lượng người hiến máu ngày càng nhiều song việc quản lý chưa có sự đồng bộ, hệ thống chung.

Chú thích ảnh
Người hiến máu tích cực tham gia hiến nhắc lại.

Còn “mạnh ai nấy làm”, thiếu thống nhất

Những năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhờ đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu máu trong điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi lượng người hiến máu ngày càng tăng nhanh, thì tỷ lệ người hiến máu thường xuyên ngày càng cao. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất trong quản lý người hiến máu để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác hiến máu, dự trữ, phân phối và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn máu điều trị.

Vừa qua, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã triển khai ứng dụng di động quản lý hiến máu nhằm mục tiêu chăm sóc, tạo trải nghiệm thú vị cho người hiến máu, vận động người dân tham gia hiến máu nhắc lại thường xuyên. Ứng dụng này cho phép người hiến máu có thể tra cứu các thông tin về hiến máu, địa điểm hiến máu, nhu cầu máu của các bệnh viện, đăng ký hiến máu thuận tiện, theo dõi chi tiết lịch sử các lần hiến máu của bản thân… Việc tải ứng dụng và cài đặt sử dụng cũng khá dễ dàng. Theo thống kê của Viện, đến nay đã có hơn 80.000 người tạo tài khoản trên ứng dụng này, giúp việc quản lý người hiến máu khá thuận tiện, hiệu quả.

Bên cạnh việc triển khai ứng dụng quản lý người hiến máu trên điện thoại, với hệ thồng phần mềm quản lý hoạt động truyền máu, đến nay Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cũng đã quản lý được tổng số khoảng 2,5 triệu người hiến máu trên hệ thống này.

Việc ứng dụng các công cụ để quản lý người hiến máu đã cho thấy những hiệu quả rất lớn trong quản lý thông tin sức khoẻ, số lần hiến máu, nhắc lịch hiến máu thường xuyên… để hướng tới tăng cả về số lượng và chất lượng của nguồn máu điều trị.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay việc quản lý người hiến máu trên cả nước vẫn chưa có sự đồng bộ, các Trung tâm máu còn đang hoạt động riêng lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Ông Nguyễn Chí Tuyển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, nguyên Phó tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhận định: “Thực tế, hiện nay chưa có báo cáo nào thống kê cụ thể được Việt Nam đang quản lý tổng số bao nhiêu người hiến máu, số người hiến máu hàng năm là bao nhiêu. Chưa kể đến việc chưa có sự phân loại theo hệ thống có bao nhiêu người hiến máu mới, số người hiến nhắc lại theo số lần hiến máu, tỷ lệ giới tính, độ tuổi người hiến… để có các chính sách hoạt động phù hợp, nâng cao chất lượng hoạt động vận động hiến máu tình nguyện”.

Theo đó, hiện Việt Nam cũng chưa thống kê được cả nước có bao nhiêu câu lạc bộ, nhóm máu hiếm, có bao nhiêu người thuộc nhóm máu hiếm  và phân loại  theo nhóm, giới. Trong khi đó, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã có các câu lạc bộ nhóm máu hiếm hoạt động mạnh và đã cứu được nhiều người bệnh hiểm nghèo khi được kêu gọi đi hiến máu kịp thời.

TS.BS Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm máu Quốc gia cũng cho rằng: “Hiện tại chúng ta đã có các phần mềm quản lý người hiến máu. Tuy nhiên hoạt động này mới chỉ triển khai đơn lẻ ở các trung tâm, các trung tâm cũng chưa nối kết thành hệ thống chung. Chính vì vậy, người hiến máu có thể có hồ sơ ở trung tâm này nhưng khi đến trung tâm khác lại không được quản lý. Đơn cử như việc người hiến máu có thể vẫn được lấy máu khi chưa đủ thời gian hiến nhắc lại; hay những trường hợp không đủ điều kiện sức khoẻ để hiến máu ở chỗ này nhưng đến điểm khác có thể bị bỏ sót và vẫn được lấy máu, hoặc các trung tâm cùng tổ chức hiến máu nhưng lại không nắm được số lượng người hiến của nhau… dễ tạo sự chồng chéo”.

Không chỉ về vấn đề quản lý hồ sơ, việc chăm sóc sức khoẻ cho người hiến máu nhắc lại nhiều lần cũng còn nhiều bất cập. Như việc tặng gói quà xét nghiệm cho người hiến máu để bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo chất lượng nguồn máu hiến đang được Bộ Y tế khuyến khích triển khai; tuy nhiên hoạt động này cũng chưa nhận được sự chủ động hưởng ứng rộng rãi. Theo thống kê của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, bình quân mỗi đợt hiến máu mới chỉ có 10-15% các đơn vị tổ chức chọn quà theo hình thức tặng gói xét nghiệm. Nhiều đơn vị khi kết hợp tổ chức các hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn chưa muốn áp dụng mà muốn tự chuẩn bị quà hiện vật để tặng; hoặc chính người hiến máu cũng chưa quan tâm đến gói quà này. Thậm có nhiều đơn vị thu nhận máu đã đi học hỏi mô hình tặng quà gói xét nghiệm nhưng chưa làm được vì khi triển khai còn vướng nhiều chính sách rào cản. 

“Có thực tế này vì vấn đề tặng gói xét nghiệm, kiểm tra sức khoẻ cho người hiến máu hiện nay mới dừng lại ở việc khuyến khích các đơn vị thực hiện, chưa có quy định hoặc các đơn vị chưa được giao trách nhiệm thực hiện”, TS.BS Trần Ngọc Quế cho biết.

Ứng dụng công nghệ là giải pháp then chốt

Với sự phát triển của công nghệ 4.0, cần phải hướng tới quản lý người hiến máu bằng phần mềm và có hệ thống trên toàn quốc.

“Chúng ta cần phải có cách tổ chức, tuyên truyền vận động, quản lý để người hiến máu có thể hiến máu thường xuyên một cách an toàn. Khi người dân tham gia hiến máu phải được quản lý một cách chặt chẽ, cách tốt nhất là bằng các công cụ như: Phần mềm quản lý, các ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ tất cả thông tin của người hiến. Với các phần mềm hiện nay, thậm chí người hiến máu có thể dễ dàng kiểm tra xem họ đã hiến máu bao nhiêu lần, các lần hiến máu sức khoẻ như thế nào, máu của họ đã được sử dụng cho mục đích gì, khi cần có thể dễ dàng mời họ hiến máu. Đặc biệt, điều này cũng thuận lợi cho việc tôn vinh, khuyến khích, chăm sóc người hiến máu, đảm bảo quyền lợi hoặc bồi hoàn cho người hiến máu khi cần. Như hiện nay, người hiến phải có thẻ mới được chứng nhận nhưng khi triển khai được hệ thống trên toàn quốc thì bất kể ở đâu cũng có thể chứng nhận họ đã hiến máu bao nhiêu lần để đảm bảo quyền lợi cho họ. Thậm chí việc quản lý hồ sơ điện tử cũng giúp các nhà quản lý biết được tình trạng sức khoẻ của từng người tham gia hiến máu để có những tư vấn cụ thể ngay trực tiếp trên hồ sơ của họ hoặc qua thư điện tử” TS.BS Trần Ngọc Quế cho biết.

Với thực trạng các trung tâm máu của Việt Nam vẫn đang hoạt động đơn lẻ, Việt Nam cần học tập mô hình của nhiều nước phát triển. Đơn cử như ở Pháp có Trung tâm máu quốc gia là đơn vị quản lý chung các trung tâm máu trong cả nước, điều phối chung tất cả các khâu từ hiến máu, đến điều phối máu đi điều trị...

Việc có phần mềm thống nhất toàn quốc giúp Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và ngành y tế trong đó có các trung tâm máu thực hiện quản lý đồng bộ  các dữ liệu. Đây cũng là “mắt xích” rất quan trọng  để các Trung tâm máu  sớm hoàn thiện  các tiêu chuẩn quốc gia theo chuẩn của WHO, hướng tới hệ thống truyền máu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn WHO-GMP .

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện cũng cần có quy định tổng thể, nhất là với hoạt động quản lý người hiến máu vì các Trung tâm máu, các Viện, Bệnh viện có chức năng chủ yếu là làm công tác chuyên môn, điều trị, khó có thể “đảm đương” được hết các công việc này. Các chính sách về chăm sóc sức khoẻ cho người hiến máu như: Tặng gói xét nghiệm, khám sức khoẻ… cho người hiến máu cần được “quy định hoá” để mở rộng thực hiện hơn nữa.

Nghiên cứu của Viện Huyết học- Truyền máu cho thấy, với những người hiến máu nhắc lại thường xuyên, nhất là ở nữ khi hiến máu đến lần thứ 4- 5 trở lên thì các chỉ số huyết học và hóa sinh của người hiến máu có sự thay đổi các chỉ số như: Sắt và Ferritin. Do vậy, cơ quan quản lý cần có kế hoạch với những người hiến máu là nữ nên cho họ kiểm tra sắt và Ferritin để kịp thời, tư vấn dinh dưỡng và bổ sung viên sắt cũng như vitamin cần thiết cho họ.

 

Bài, ảnh: Tạ Nguyên/báo Tin tức
Người nhóm máu hiếm và những cuộc chạy đua thần tốc hiến máu cứu người
Người nhóm máu hiếm và những cuộc chạy đua thần tốc hiến máu cứu người

Chỉ cần một cuộc điện thoại kêu gọi, các thành viên của Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm sẵn sàng gạt hết mọi công việc, lên đường hiến máu cứu người. Hơn ai hết, họ là người hiểu nhất giá trị của những đơn vị máu quý giá ấy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN