Những người ‘thổi hồn’ vào pho tượng Phật

7 năm qua với 390 chuyến đi đến những ngôi chùa nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, những thành viên trong nhóm với tên gọi “Đắp y công quả Liên Hoa” đã sửa chữa, phục chế miễn phí hàng ngàn pho tượng.

Vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp đi cùng 20 thành viên của nhóm “Đắp y công quả Liên Hoa” đến một ngôi chùa nhỏ mang tên Linh Sơn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để phục chế lại những pho tượng hư hỏng theo thời gian.


Vừa có mặt ở chùa Linh Sơn, chị Lê Thị Yến Nga, Trưởng nhóm, cùng với các thành viên bắt tay ngay vào việc. Vừa chăm chú pha nước sơn, chị Nga cho biết sau khi nhận được thông tin yêu cầu sửa chữa, sơn lại tượng Phật - thường gọi là “đắp y”, các thành viên trong đoàn lên kế hoạch chi tiết và thường tổ chức đi về trong ngày, vào thứ 2 hàng tuần.

Một thành viên nhóm "Đắp y công quả Liên Hoa" sơn tượng Phật. Ảnh: Lê Vinh

“Những ngôi chùa nào gần Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ đi nhiều tuần liên tục cho đến khi công việc hoàn tất. Còn ngôi chùa nào ở xa, khối lượng công việc nhiều thì chúng tôi sẽ ở lại chùa và cố gắng hoàn thành công việc từ 2 – 4 ngày. Về kinh phí, chúng tôi góp tiền lại với nhau để mua các thiết bị cho việc đắp tượng và sơn. Chỉ xin nhà chùa lo bữa cơm chay”, chị Nga vui vẻ nói.

Dù thành viên trong nhóm có những người tuổi đã cao nhưng vẫn tham gia trong khả năng của mình. Ảnh: Lê Vinh

Theo lời chị Nga, để “đắp y” được một pho tượng, công việc đầu tiên là phải “xả tượng” để bỏ đi lớp sơn cũ. Nếu tượng hư hỏng thì phải làm thêm những công đoạn “đắp” (tay, cổ, bông sen), sau đó mới tiến hành sơn lót, dặm màu… Những tượng cần những chi tiết màu vàng, thì sẽ có công đoạn “đắp vàng”.

Chăm chút từng nét cọ với mong muốn mang lại nét đẹp cho những bức tượng Phật hư cũ theo thời gian. Ảnh: Lê Vinh

Có nhiều việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng khi bắt tay vô làm mới thấy công việc rất công phu. Ảnh: Lê Vinh

Đang thực hiện công đoạn “đắp vàng” cho tượng. Ảnh: Lê Vinh

Người "thợ vẽ" phải có tính kiên nhẫn mới hoàn thành tốt được tác phẩm. Ảnh: Lê Vinh

Chăm chút cho từng đường nét. Ảnh: Lê Vinh

Điều đáng nói là những thành viên trong đoàn không phải là những “tay chuyên” nhưng những tác phẩm sau khi phục chế trông rất đẹp mắt.

Tượng được khoác lên một tấm áo mời từ đôi bàn tay tỉ mỉ của các “thợ”. Ảnh: Lê Vinh

“Nhiều năm trước đây, tôi tham gia vào những nhóm “đắp y” và được các anh chị đi trước chỉ dạy cặn kẽ. Những năm sau này, khi tự thành lập nhóm, tôi cùng một vài thành viên khác tiếp tục chỉ cho những thành viên mới. Tùy theo khả năng của mình để chọn phần việc phù hợp. Ví dụ những thành viên tham gia lâu năm sẽ phụ trách phần việc khó như: vẽ tóc, mắt... làm sao cho tượng Phật nhìn có hồn”, chị Nga chia sẻ thêm.

Vẽ mắt cho tượng Phật là công đoạn khó, đòi hỏi người vẽ phải có kĩ thuật. Ảnh: Lê Vinh

Công đoạn này chỉ dành cho những thành viên có nhiều năm gắn bó với công việc "đắp y". Ảnh: Lê Vinh

Nhắc đến công việc thiện nguyện này, chị Minh Châu, thành viên của nhóm cho biết, ban đầu tham gia chỉ với mục đích vui thôi nhưng càng đi càng thấy có ý nghĩa. Chị cười nói: “Chuyến đi nào tôi cũng tham gia hết. Các thành viên trong nhóm dù bộn bề công việc riêng nhưng rất hăng hái tham gia vì đây là một việc làm thầm lặng và có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời”.

A.Đ - Lê Vinh/Báo Tin Tức
20 năm mang giá vẽ đi... 'hầu đồng'
20 năm mang giá vẽ đi... 'hầu đồng'

“Đã có những lúc nản lòng vì tranh vẽ xong chỉ vứt đấy, không bán được, không được tham gia triển lãm, hay trưng bày, đã có một thời gian tôi ngừng vẽ…”, họa sĩ Trần Tuấn Long tâm sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN