Khi phụ nữ đi bước nữa giữa làng

Chuyện chị H. đi bước nữa đang là tin “hot” của ngôi làng ven đô quanh năm buôn bán sầm uất này. Người người ra vào đều dạo chuyện bằng một câu: “Đằng ấy biết gì chưa?/ Chuyện nhà cái H. đi lấy chồng ấy”…

Gia đình chị H. vốn là một gia đình làm ăn buôn bán có tiếng ở làng từ nhiều đời nay. Từ con trai, con gái trong gia đình đều là những người nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó làm ăn buôn bán, nối nghiệp gia sản ông bà tổ tiên để lại. Chị H. là trưởng nữ trong gia đình, lấy chồng, chị cũng tay làm nên một cơ sở sản xuất không hề nhỏ. Đủ nuôi cả gia đình và phát lộc khắp nơi mình muốn đến.

 

Chú thích ảnh
Và giữa những khốn đốn của đời thường, những lo toan rất đời của phụ nữ, chị nhận ra mình chưa biết thương mình. Ảnh minh họa

  Con cái đều đã phương trưởng, khi vợ chồng anh chị vẫn đương trung niên. Đùng cái anh mắc bệnh nan y rồi qua đời. Đây như tiếng sét giữa cuộc đời chị cũng như nhiều người biết đến tiếng tăm của anh chị trong làng. Nỗi đau này được người ngoài nhìn vào như thể khôn nguôi và mãi mãi đối với chị và các con.

Người người tiếc nuối vì sự đột ngột của bi kịch bởi cây lâu năm cũng đến ngày hưởng quả ngọt. Bởi không ai trong làng đều không biết chị tần tảo, các con ngoan ngoãn, gia đình ngọt ngào. Chị cũng như nhiều phụ nữ trong làng khác, trải qua những cay đắng, ngọt bùi của kiếp làm dâu, nỗi bi thương khi chồng chơi bời. Nhưng mọi chuyện đã qua như sự đôn hậu, nhẫn nhịn của người phụ nữ đặc trưng làng quê miền Bắc để giữ gia đình êm ấm.

Rồi một ngày, tin chị H. cưới chồng cũng là tiếng sét giữa làng. Vậy là, được thể, các “hội bán than”, “hội bán dưa”… đi đâu cũng hỏi nhau: “Đằng ấy biết gì chưa?”. Chuyện càng thêm nhức tai khi hai bên nội ngoại của gia đình chị H. đều là người trong làng. Người thì lo những đứa con sẽ khổ; Người thì chì chiết, mới thế sau mà đã lấy chồng; Người thì lo kinh tế bao năm làm ăn của chị H. sẽ bị cuỗm mất… Ngày anh người yêu đến thăm bố mẹ chị H. và xin cưới, ông bà đều không biết giấu mặt đi đâu vì xấu hổ với làng xóm. Còn gia đình bên chồng chị H. ra sức tìm cách can ngăn, dè bỉu.

Dường như lường trước được “cơn bão phong kiến” chị H. vẫn chọn sự im lặng. Bởi hơn ai hết, chị biết mình đang thực sự muốn gì. Chị đã từng đi trong những cơn mê của những nhẫn nhịn, chịu nhục để lèo lái con thuyền gia đình. Bao nhiêu năm sống giữa làng, vừa làm ăn kinh tế, vừa đối nhân xử thế hai bên gia đình. Gánh nặng này không phải người phụ nữ nào cũng làm được. Nhưng chị lại làm được. Hơn nữa, những thiếu thốn về tình cảm đã trải qua nhiều năm và chị vẫn âm thầm chịu đựng. Trời biết, đất biết, chị biết. Chị H. làm tất cả để hai con được hưởng cuộc sống đầm ấm của gia đình. Cho đến khi chồng nằm xuống, chị như người mất đi la bàn phải đi tới đâu đến cuối đời. Tuy các con đã phương trưởng nhưng một tay chị vẫn lo về kinh tế, vẫn phải uốn nắn chúng làm ăn. Chưa kể, những người anh em họ nội vẫn lụy về kinh tế của gia đình chị.

Và giữa những khốn đốn của đời thường, những lo toan rất đời của phụ nữ, chị nhận ra mình chưa biết thương mình. Thân phụ nữ gửi phận với đời, với người đã không cho chị có ý nghĩ tự làm điều gì đó mình thực sự muốn. Chị bắt đầu những chuyến đi đến những vùng đất mới, biết chăm sóc những mong mỏi mà bấy lâu vẫn cảm thấy xấu hổ nếu mình thực hiện. Chị tự mua cho mình những bộ quần áo mình thực sự muốn mặc, muốn ăn, muốn hưởng dịch vụ mà mình muốn mà không phải ngước lên nhìn thái độ của người sống bên mình.

Những tụ họp, những gặp gỡ cũng dày lên. Chị nhận thấy mình như được yêu lại từ đầu. Và chuyện gì đến cũng đã đến, chị cũng có người bạn khác giới sánh đôi bên mình trong những chuyến đi. Chị nhận thấy mình được chăm sóc, được quan tâm, được ngọt ngào và hơn cả là có người kiên nhẫn lắng nghe mọi chuyện vui buồn của chị… Đó là những cảm giác mà chị chưa từng được nhận. Rồi bỗng dưng, từ một người sợ sệt tiếng đời, chị nghiễm nhiên cảm thấy tầm phào. Chị mạnh dạn công khai mối quan hệ giữa sự gièm pha.

Chị H. bỗng hiểu thứ mình đang sống chính là mất một người, người đó không còn trong tầm nhìn của chị nữa. Giữa thế gian có hai biểu cảm: một là dường như chán ghét mỗi ngày nhưng lại có thể cùng nhau vượt qua khó khăn để đi đến cuối đời; một tình cảm khác nữa là dù có yêu thương nhau đến mấy, vì nhau đến mấy nhưng khi nhìn lại chỉ có thể hoài niệm trong tiếc nhớ. Giữa hai loại tình cảm ấy chị chọn lối trung dung.

Chị đã từng phiền não, bị trói buộc nhưng cũng từng tự do. Tất cả khi bước qua đều mang lại đủ cảm giác: sống động có, tươi vui có, có người mình yêu, có sự che giấu, có người đẩy mình, có người ôm thật chặt mình… Mọi sự va đập đều đến từ chính sự chống chọi của chính mình. Rồi cũng đã qua.

Đời người như thế, nên ở hiện tại chị cần khiến mình khỏe mạnh, vui vẻ và hạnh phúc. Và ở một lúc nào đó, giữa những chếnh choáng của hạnh phúc, chị cần nắm giữ cho riêng mình. Khi đó, những tạp niệm, hủ tục, sống theo miệng đời không còn đeo bám chị nữa. Mà hiện tại, chị đang sống vì yêu thương chính mình như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã viết trong bài thơ "Tự hát": 

“Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin”.

 

AH/ Báo Tin tức
Phim "Cuộc đời của Yến": Làm dâu từ thuở lên 10
Phim "Cuộc đời của Yến": Làm dâu từ thuở lên 10

Bộ phim “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ có một góc nhìn mới lạ khai thác những yếu tố tâm lý, đi sâu vào số phận của người phụ nữ sống ở làng quê Việt Nam những năm giữa thế kỷ XX.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN