Phiên chợ vùng cao - tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Điện Biên

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội hoa ban lần VI, "Phiên chợ vùng cao" lần đầu được tổ chức ở thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) là không gian văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ những nét đẹp truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Hoạt động trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Phiên chợ thực sự là nơi giao lưu, tăng cường tinh thần đoàn kết gắn bó của các dân tộc, gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến với du khách trong nước và quốc tế khi đến với mảnh đất Điện Biên.

"Phiên chợ vùng cao" được tổ chức tại khu vực Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ) - nơi mà bất kỳ ai khi đến tham quan, du lịch tại Điện Biên đều không thể bỏ qua. "Phiên chợ vùng cao" với sự tham gia của gần 50 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với gần 70 gian hàng. Quy mô gồm năm khu vực chính gồm: Ẩm thực truyền thống; Trưng bày, bán các sản phẩm nông nghiệp; Trình diễn, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống; Giới thiệu, trình diễn văn hóa, văn nghệ, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc; Tổ chức trò chơi dân gian của các dân tộc. Mỗi địa phương trong tỉnh giới thiệu đến phiên chợ nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của mình mà không bị xen lẫn với nơi nào khác.

Gian hàng của huyện Mường Ảng là cả một không gian văn hóa đặc sắc khèn Mông. Đối với người dân tộc Mông vùng cao chiếc khèn gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày. Khèn mang ý nghĩa sâu sắc, đó là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc. Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn mà không thiếu đi sự lãng mạn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ như bản sắc của núi rừng Tây Bắc. Hiện nay, tại các vùng cao của tỉnh Điện Biên người biết thổi khèn Mông rất nhiều, nhưng để sử dụng điêu luyện khèn Mông thì chỉ còn rất ít, người chế tác khèn Mông đạt chuẩn âm thanh lại càng hiếm. Khi tiếng khèn Mông cất lên vang vọng núi đồi, bản làng, lướt trên những nương đá tai mèo, người nghe có thể cảm nhận được tiếng réo rắt của suối chảy, tiếng chim ca trong rừng xanh và cả những câu chuyện kể về bản mường, tâm tư của người thổi và múa khèn.

Chú thích ảnh
Hoạt động trình diễn các nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đến với "Phiên chợ vùng cao" nghệ nhân Hậu Phái Chính (65 tuổi, dân tộc Mông ở Nậm Pọng, Mường Đăng, Mường Ảng) mang theo nghệ thuật chế tác chiếc khèn Mông. Theo Nghệ nhân Hậu Phái Chính, để làm ra một chiếc khèn có âm thanh khiến người nghe mê mẩn thì người thợ phải thực sự rất công phu và dành tâm hồn cho công việc. Bầu khèn phải là loại gỗ không mối mọt. Bộ phận phối khí của cây khèn là những ống trúc được chọn lọc kỹ càng. Sau khi lấy ở rừng về phải để trong thời gian dài chờ thanh trúc khô lại mới lấy làm ống khèn. Một cây khèn thường có sáu ống được gộp chụm lại với nhau, sau đó người thợ sẽ khéo léo đục lỗ trên mỗi ống. Khó nhất trong các công đoạn làm khèn là chỉnh âm thanh cho thật chuẩn và hay. Du khách đến bản người Mông, thưởng thức nhạc điệu khèn Mông của các chàng trai thổi gọi bạn tình say đắm thì tâm hồn sẽ trở nên dịu nhẹ, quên đi những nhọc nhằng đời thường.

“Tôi bắt đầu làm khèn từ năm 18 tuổi, đến nay cũng đã gần 40 năm. Bây giờ trong bản không có ai làm nghề này, cả huyện Mường Ảng cũng chỉ có vài người. Tôi sợ một ngày nào đó nghề làm khèn sẽ bị mai một. Bởi vậy, tại “Phiên chợ vùng cao” này tôi mong muốn giới thiệu kỹ thuật chế tác khèn Mông đến với bà con trong tỉnh và du khách thập phương. Tôi hy vọng có thể truyền đạt lại cho các thế hệ con cháu nghề này để cùng nhau gìn giữ và bảo tồn chiếc khèn Mông, một nét văn hóa đặc sắc của người Mông nơi vùng cao”, nghệ nhân Hậu Phái Chính chia sẻ.

Anh Giàng A Pháng (bản Nậm Pọng, Mường Đăng, Mường Ảng) cho biết: Những người làm khèn ở Mường Ảng giờ đây cũng đã già, trong khi thế hệ trẻ không mấy ai làm được. Bản thân tôi thích khèn từ khi còn bé, chỉ cần nghe tiếng khèn là tôi muốn nhảy múa theo. Bởi vậy, tôi mong muốn học nghề làm khèn để một ngày nào đó có thể tự chế tạo ra một chiếc khèn. Qua “Phiên chợ vùng cao” lần này tôi mong muốn giới thiệu đến du khách bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời mong muốn các cấp, các ngành có biện phát để bảo tồn và phát huy nghề làm khèn Mông.

Chú thích ảnh
Các vận động viên thi đấu môn ném còn. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Trong không gian văn hóa của "Phiên chợ vùng cao" huyện Điện Biên cũng giới thiệu nghệ thuật thêu hoa văn lên chiếc khăn Piêu của người dân tộc Thái. Trong tâm thức của người Thái Tây Bắc, chiếc khăn Piêu là một biểu tượng tiêu biểu của phụ nữ Thái. Khăn Piêu là sản phẩm thể hiện sự khéo léo, trình độ thẩm mĩ, tài thêu thùa của người con gái Thái. Đây cũng là nét độc đáo tạo nên bản sắc trong trang phục của người Thái Đen. Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn piêu được dệt từ sợi bông sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô thì người phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu những họa tiết hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. 

Chị Lò Thị Toản (dân tộc Thái ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên) cho biết: Khăn Piêu được dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, che nắng, che gió, giữ ấm về mùa Đông. Khăn Piêu còn thường để làm quà của cô dâu ngày cưới tặng nhà chồng. Khăn Piêu dùng làm đạo cụ để biểu diễn văn nghệ, làm vật kỷ niệm tặng bạn trai trong cuộc vui chơi ném còn ngày Tết. Người con gái Thái khi mặc trang phục truyền thống, đội đầu khăn Piêu thì càng tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ.

Đến "|Phiên chợ vùng cao" du khách được chiêm ngưỡng người dân tộc Mông ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà trình diễn “Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa”. Đây là một trong tám loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên. Đó là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc trong cách tạo hoa văn, phối màu trên các sản phẩm vải để tạo nên những trang phục đẹp, độc đáo, tinh tế, nhuần nhị và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông. Các sản phẩm váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác. Những sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú, hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác.

Kỹ thuật tạo hình hoa văn trên vải cho thấy người Mông Hoa phản ánh cá tính, ước vọng của con người trong suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đồng bào dân tộc Mông Hoa quan niệm rằng hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà, ban phát điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hoá của những người nghệ nhân Mông Hoa.

Chú thích ảnh
 Hoạt động trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa các dân tộc. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Ngoài ra, "Phiên chợ vùng cao" còn có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, như: trình diễn, giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng các dân tộc vùng cao; trình diễn, trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống; trình diễn lễ hội truyền thống, giới thiệu nghi thức dân gian, dân ca dân cũ, nhạc cụ truyền thống các dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống các dân tộc như: tung còn, tù lu, giã bánh dày, cà kheo, kéo co, gánh nước …

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức tạo dựng và mô phỏng "Chợ phiên vùng cao" của các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Bà con vùng cao đến với phiên chợ không chỉ mang bán những nông sản đặc trưng mà còn đem theo những nét văn hóa đặc thù của dân tộc mình, khiến cho phiên chợ như một lễ hội nổi bật và hấp dẫn đối với nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách thập phương. Thông qua "Phiên chợ vùng cao", chúng tôi mong muốn phục dựng lại nét đẹp truyền thống của các dân tộc, phục dựng và bảo tồn các lễ hội và các nét văn hóa đặc sắc. Từ đó, phát huy và từng bước phát triển để tạo thành những sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút hấp dẫn du khách đến Điện Biên.

Các hoạt động trong "Phiên chợ vùng cao" sẽ diễn ra liên tục trong suốt quá trình tổ chức Lễ hội hoa ban năm 2019, từ ngày 13/3 đến hết ngày 18/3/2019.

Xuân Tư – Xuân Tiến (TTXVN)
Độc đáo sắc màu Tây Bắc tại 'Phiên chợ vùng cao' Điện Biên
Độc đáo sắc màu Tây Bắc tại 'Phiên chợ vùng cao' Điện Biên

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội hoa Ban lần VI, năm 2019 do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức, “Phiên chợ vùng cao” đã được khai mạc vào tối 13/3, tại khu vực Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN