Say cùng điệu hát soọng cô

Ở Vĩnh Phúc, nếu người Cao Lan có điệu sình ca, người Dao có điệu páo dung thì người Sán Dìu tự hào có điệu soọng cô - điệu hát giao duyên đậm đà bản sắc dân tộc.

Để có được sinh hoạt độc đáo này phải kể đến công lao của ông Lê Đại Năm, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông lặn lội khắp nơi có người Sán Dìu sinh sống, sưu tầm những bài hát soọng cô cổ từ các nghệ nhân rồi biên dịch ra tiếng phổ thông.

Hát giao duyên.

Từ những hạt nhân đầu tiên là những người yêu văn hóa dân tộc, ông phục dựng trang phục nam đúng với phong cách truyền thống, mỗi ngày 16 âm lịch hàng tháng ông mời các câu lạc bộ trong xã, các câu lạc bộ của tỉnh bạn về giao lưu, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Từ năm 2010 đến năm 2015 câu lạc bộ của xã Đạo Trù đã đón 80 đoàn về giao lưu và tổ chức 70 lần đi giao lưu với các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh.

Chính nhờ lòng say mê và cách làm việc khoa học nên những điệu hát ngày một phong phú và nhuyễn, như ngọn lửa truyền tới mỗi người dân Sán Dìu Đạo Trù. Lúc mới thành lập, câu lạc bộ chỉ có 20 nghệ nhân, trong đó 60% có độ tuổi từ 55 đến 60 thì nay đã có 35 nghệ nhân, trong đó 40% có độ tuổi từ 55 đến 60, còn lại 60% có độ tuổi dưới 55, đội ngũ đã được trẻ hóa.

Ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tặng hoa cho câu lạc bộ hát soọng cô chợ tình xã Đạo Trù (ông Lê Đại Năm nhận).

38 bài hát truyền thống do ông Lê Đại Năm dày công sưu tầm và biên dịch đã trở thành tài sản vô giá của người Sán Dìu xã Đạo Trù. Đây là bài “Soi Cô”:

Cây vừng ra qủa đom đóm soi
Hát bài dân ca trước đi gọi
Hát bài dân ca gọi chủ nhà
Chủ nhà gọi nàng hãy dậy đi
Ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng thơ như khơi nguồn, đầy ẩn ý. Còn đây là bài giao duyên, lời ngỏ:
Bát hoa rót nước tạo ánh vàng
Lá chè còn ở bát đáy trong
Nàng có thật tâm uống một bát
Mát tận đáy lòng nhớ đến chàng
Lời ngỏ nào đẹp và ý nhị đến thế. Còn đây là lời đáp:
Uống nước bát hoa nhớ bát hoa
Uống nước từ chum nhớ chum đựng
Uống phải một bát nước chè thơm
Giờ nào cũng nhớ đến công người

Bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, mỗi bài hát long lanh sắc màu, làm cho tâm hồn mỗi con người trong sáng, thánh thiện hơn. Những bài hát soọng cô được cất lên trong những buổi giao lưu, trong chợ tình hòa cùng âm thanh của đại ngàn, ngân mãi bản tình ca bất diệt.

Bên cạnh những bài hát cổ, ông Lê Đại Năm còn sáng tác những bài hát mới ca ngợi cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng những bản tình ca để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó phai. Đây là trích đoạn lời bài: “Chợ tình”:

Chợ tình gặp bạn ngỏ lời
Suối ngập ngừng chảy quanh nơi ta ngồi
Hương hoa đượm thắm bờ môi
Mắt em đã nuốt hồn tôi mất rồi
Lời trao như núi chẳng trôi
Còn non, còn nước, còn trời, còn ta
Mượn rừng muôn sắc ngàn hoa
Tặng em cho thỏa ngày xa tháng gần
Giao duyên mỗi tháng một lần
Vực Chuông cá suối cũng tần ngần bơi
Rất hiện đại nhưng cũng rất dân tộc, để rồi khi chia tay âm hưởng lời ca còn mãi trong lòng mỗi người, mỗi dân tộc:
Páo dung giữ nhớ thả thương
Sình ca rẽ núi tìm đường gặp nhau
Soọng cô bền chặt trước sau
Giao duyên kết bạn tình sâu nghĩa nồng
Ra về lưu luyến nhớ mong
Sông dài bến đợi lòng không quên đò

(Vĩnh Phúc bến đợi)

Dự trọn lễ kỷ niệm, ông Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cùng các văn nghệ sĩ đang dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo cho rằng: “Câu lạc bộ hát soọng cô chợ tình xã Đạo Trù không chỉ góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc mà còn là một mô hình cần nhân rộng”.
Trần Vân Hạc
Then, điệu hát của thần tiên truyền lại
Then, điệu hát của thần tiên truyền lại

Then là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Trong gần một thập kỷ qua, Then luôn là đối tượng được nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa quan tâm tìm hiểu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN