Bao giờ đề tài tốt nghiệp của sinh viên có tính ứng dụng?

Đề tài tốt nghiệp (luận văn, khoá luận, đồ án tốt nghiệp) của sinh viên của nhiều trường đại học hiện nay còn dừng ở tính hàn lâm và đôi khi làm cho có. Tuy nhiên, trong yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay, nhiều trường đại học đi theo hướng ứng dụng, thực hành thì yêu cầu đề tài gắn với thực tiễn phải ưu tiên lên hàng đầu.

Bài 1: Đồ án, luận văn tốt nghiệp đại học chỉ làm cho có

Với nhiều sinh viên được làm đồ án, khoá luận… là một vinh dự, bước đầu tiếp cận với thực tế sau khi kết thúc 4, 5 năm học đại học. Nhưng không ít sinh viên thực hiện việc này chỉ để đối phó, thời gian làm khoá luận, đồ án còn tranh thủ đi… làm thêm.

Cắt, ghép để làm cho có

Mùa làm luận văn, đồ án tốt nghiệp đã khép lại, các cửa hàng photocopy quanh các khu vực trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Giao thông Vận tải, khu vực ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… vắng hoe. Nhưng ở đó, nhân viên đang dọn dẹp lại hàng chồng những khoá luận, đồ án tốt nghiệp của sinh viên để dành… bán cho đợt làm tốt nghiệp sắp tới là vào cuối năm.

Tại một cửa hàng photocopy trên phố Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi chủ cửa hàng biết có nhu cầu xem luận văn tốt nghiệp đã chủ động mở thư mục để tôi lựa chọn. Có hàng trăm đề tài được chỉnh trang cẩn thận. Mỗi khoá luận, luận văn dành cho những sinh viên ngành khoa học xã hội trên dưới 100 trang. Giá giao động từ 500-1000 đồng/trang, tuỳ theo mức độ đề tài. Nhưng điều đáng nói hơn, soi vào những đề tài này mới thấy thực tế chỉ làm… cho có.

Những tên đề tài như “Đổi mới dạy và học trong nhà trường theo chất lượng quốc tế”, “Truyền thông và những vấn đề xung quanh Ảnh báo chí Việt Nam”, “Xã hội học và lý luận thực tiễn”… Hay những đề tài được thể hiện dưới sự ứng dụng của sinh viên như “Báo in và xu thế hội nhập”, “Văn học hiện đại trong đời sống hiện đại”… Người chỉnh trang những luận văn này cho biết: “Thường các em chỉ cần mua tầm 5 quyển cộng với thống kê, tổng hợp từ đợt thực tập là có thể cắt, ghép thành một đề tài riêng cho mình”.

Rất dễ dàng để có cuốn luận văn, đồ án như ý nếu bỏ tiền ra.

Những sinh viên kỳ công hơn đặt làm khoá luận qua internet. Chỉ cần gõ những từ khoá như “làm thuê luận văn”, “làm thuê đồ án” thì ra hàng loạt những trang quảng cáo. Mọi chủ đề từ khoa học kỹ thuật đến khoa học xã hội, công nghệ thông tin. Nếu khoá luận, đồ án cần thêm dấu của doanh nghiệp, đơn vị thực tập nữa thì giá sẽ tăng theo.

Nguyễn Như Quỳnh, một sinh viên năm cuối trường ĐH Lao động và Xã hội Hà Nội cho biết: "Nơi chúng em đến thực tập cũng không mặn mà với sinh viên, hơn nữa việc làm khoá luận đơn giản là có thể tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Em đăng ký đi làm thêm để có tiền trang trải cho nhu cầu cá nhân”.

Nhiều sinh viên chia sẻ, việc đi làm thêm còn thực tế hơn việc kỳ cạch làm luận văn, đồ án mất cả năm trời.

Sự bàng quang của sinh viên với chính khóa luận, luận văn, đồ án tốt nghiệp của một bộ phận sinh viên cũng khiến người hướng dẫn ức chế. Một số giảng viên từng chia sẻ rằng rất hãi hùng khi chấm nháp luận văn, đồ án cho sinh viên bởi sự cẩu thả và làm cho có.

Một giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội từng chia sẻ về việc chữa nháp cho bài tốt nghiệp cho sinh viên như sau: “Tiêu đề bài là “Tình hình kinh doanh vận tải của cty X”, còn nội dung toàn bài là ngành hàng không vận chuyển được bao nhiêu tấn hàng trong năm. Khi tôi hỏi "Em làm kinh doanh sẽ quan tâm bán được bao nhiêu cái IPhone, hay vỏ IPhone?", em sinh viên nhìn tôi bất lực và bảo: “Đây là số liệu công ty cho em, thế có vấn đề gì ạ?”. Theo bạn mình nên trả lời thế nào? Bạn này chuẩn bị tốt nghiệp ngành Kinh tế Đối ngoại, mà khi mình hỏi ký hiệu quốc tế của “tấn” là gì, bạn suy nghĩ một hồi rồi mếu máo: “Để tối về em xem lại”!…”.

Hiện nay, một số giảng viên cho rằng mặc dù nhà trường đã có những hướng dẫn cụ thể trong việc lựa chọn đề tài, thực hiện nhưng kiến thức của sinh viên tốt nghiệp đại học mà không hơn học sinh phổ thông là mấy. Nhưng cũng có một bộ phận sinh viên đã coi việc làm đồ án, luận văn tốt nghiệp là dấu ấn thời sinh viên, cũng như là "tấm vé tốt" để đến với công việc sau này.

Có định hướng từ sớm

Đề tài, đồ án tốt nghiệp được nhìn nhận như dấu ấn của sinh viên sau 4, 5 năm học. Đây cũng là một trong những yếu tố “bắc cầu” cho công việc của các em sau này. Ở nhiều trường đại học, đặc biệt những ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên thì điều này càng thể hiện rõ. Việc làm đề tài, đồ án được một bộ phận các em sinh viên làm khá nghiêm túc.

Em Phạm Đình Nguyện, ngành Cơ kỹ thuật, khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hoá, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những sinh viên vừa tốt nghiệp với đồ án “Phân tích dao động của vỏ nón cụt gia cố bởi ống nano cacbon” được Hội đồng bảo vệ ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá xuất sắc. Hơn thế, đồ án của em được đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI. Đây được xem là nền tảng để Nguyện có thể xin được học bổng đi du học, cũng như là minh chứng với nhà tuyển dụng khi em nộp đơn xin việc.

Em Nguyễn Đình Nguyện chia sẻ: “Để chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp của mình, em đã tham gia vào phòng thí nghiệm của thầy hướng dẫn từ năm thứ 2. Thầy giáo là người giúp em định hướng đề tài, cách thực hiện, báo cáo thường xuyên về các kết quả thực hiện. Đồ án tốt nghiệp hướng tới tiêu chí viết bài đăng trên tạp chí quốc tế. Thật may mắn, trước khi bảo vệ đồ án thì đồ án của em được đăng trên tạp chí Material. Khi bước vào đợt làm đồ án chính thức, em đã giải quyết được những bài toán cơ bản của ngành học”.

Nguyện cũng như nhiều sinh viên ngành khoa học kỹ thuật khi làm đồ án phải giải quyết các bài toán liên quan. Bởi đặc thù của nghiên cứu khoa học cơ bản là chưa ứng dụng được khi chưa đủ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong môi trường nghiên cứu khoa học còn hạn chế về phương tiện như ở Việt Nam.

Chia sẻ về lĩnh vực này TS Trần Quốc Quân, Giảng viên trường ĐH Công nghệ Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Đồ án tốt nghiệp của sinh viên phản ánh rất nhiều quá trình học của các em. Đối tượng nghiên cứu của sinh viên đều mang tính ứng dụng sau này. Ở trường cũng đặt ra những quy định để các em đảm bảo tiến độ thực hiện đồ án. Ví dụ, trong quá trình làm đồ án, mỗi tuần, hướng dẫn viên đều yêu cầu sinh viên báo cáo tiến độ thực hiện. Từ đó, sẽ tháo gỡ những vấn đề còn chưa giải quyết được. Thầy cô tiếp tục hướng dẫn các em để thực hiện. Nếu sinh viên nào không làm được, sao chép, các thầy cô đều biết ngay. Hầu hết những sinh viên này đều không đạt".

TS Trần Quốc Quân cho rằng, việc thực hiện đồ án tốt nghiệp là cơ sở để các em đi vào thực tế làm việc sau này. Với những em có ý định đi du học mà đồ án được công nhận thì rất lợi thế. Bên cạnh đó, nếu xuất sắc, các em có thể bắt tay vào ngay việc nghiên cứu khoa học trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu sau này. Hoặc nhiều em đầu quân cho những đơn vị doanh nghiệp nước ngoài có uy tín của Nhật Bản.

Tuy nhiên, những điều kiện để sinh viên kết nối với nơi thực tập, nhà tuyển dụng hiện nay còn khá lỏng lẻo. Một số lãnh đạo trường đại học chia sẻ hiện nay kinh phí để sinh viên đi thực tế còn khá eo hẹp. Thậm chí, nhiều nơi còn “giữ bí mật” trong việc thống kê, không cung cấp cho sinh viên. Hoặc giữa chương trình giảng dạy và thực tế vẫn còn vênh nhau. Đây là những nguyên nhân khiến việc làm khóa luận, luận văn, đồ án vẫn còn có những "mảng tối" như đã nêu trên.

Bài 2: Vì sao tính thực tế của đề tài còn hạn chế?

HA/Báo Tin tức
Quá nửa sinh viên tốt nghiệp kém tiếng Anh
Quá nửa sinh viên tốt nghiệp kém tiếng Anh

Nếu không chú trọng tiếng Anh thì sinh viên sẽ ít có cơ hội tìm được việc làm tốt trong bối cảnh hội nhập, nhưng tình trạng sinh viên tốt nghiệp không sử dụng thành thạo tiếng Anh đang khá phổ biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN