Nở rộ các hoạt động giáo dục kỹ năng, trẻ cần học gì? - Bài cuối: Xây dựng kỹ năng theo lứa tuổi

Việc các bậc cha mẹ và xã hội tập trung hình thành và rèn luyện kỹ năng sống là nhu cầu đúng đắn trong thời điểm hiện tại. Nhưng lứa tuổi nào thì nên giáo dục kỹ năng gì để tránh nhồi nhét, tránh hiện tượng cho trẻ đi học kỹ năng sống một cách tràn lan như hiện nay?

Kỹ năng sống cần ở mọi lứa tuổi

Cần phải khẳng định nhu cầu rèn luyện kỹ năng sống cho các em trong lứa tuổi học sinh phổ thông của cha mẹ là chính đáng. Càng được xây dựng kỹ năng sống, các em có thể đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống và hoàn thiện bản thân mình hơn.

Kỹ năng sống là khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Kỹ năng sống cho học sinh hiểu theo cách đơn giản nhất, gần gũi nhất chính là những kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc, giúp các em tạo dựng khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống.

Có thể nhận thấy giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng hiện còn rất thiếu các kỹ năng sống cần thiết. Việc học tập quá nhiều sức ép khiến các em không có thời gian để trải nghiệm thực tế.

Vì vậy, dễ hiểu việc nhiều học sinh rất lúng túng trong việc tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và vượt qua stress hay khúc mắc về tình cảm.
Đặc biệt, với tuổi vị thành niên (lứa tuổi học sinh phổ thông từ 10-19 tuổi), lứa tuổi có rất nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý, về nhận thức, định hướng cuộc sống chưa rõ ràng, hay bộc phát về hành vi.

Bên cạnh đó, các em đang sống trong một xã hội hiện đại đầy biến động, nhưng vì thiếu kỹ năng sống nên có những biểu hiện hành vi ứng xử không phù hợp, hạn chế với các tình huống trong cuộc sống như: ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp nơi công cộng; thiếu lễ độ với thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn tuổi; chưa có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng…

Để mùa hè của con không thành vô ích

Một mùa hè kín lịch học chắc chắn không phải là lựa chọn của các em. Một mùa hè được cung cấp đầy đủ kỹ năng sống rất cần sự đồng hành của nhà trường và gia đình.

Việc đưa con tới các trung tâm đào tạo kỹ năng học tập một cách tràn lan khi chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, năng lực giáo viên còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản, mà chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm, chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả mỗi nơi dạy một kiểu.  

Cũng trao đổi trong cuộc tọa đàm về đào tạo kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, TS Phùng Khắc Bình - nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - cho biết, kỹ năng sống của các em còn phụ thuộc rất lớn vào gia đình. Nếu bố mẹ không gương mẫu thì học sinh không tiến bộ được. Bản thân gia đình phải có hành vi chuẩn mực và cha mẹ, người thân phải luyện tập đồng hành với con, nếu không đồng hành thì không thể chia sẻ, nói chuyện.

Đồng quan điểm với ý kiến của TS Phùng Khắc Bình, nhưng TS Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh thêm kỹ năng sống phải xuất phát từ gia đình, từ cá nhân chính con người rèn luyện. Chúng ta nên có thời gian để trẻ hoạt động được nhiều hơn. Gia đình lưu ý cần cân đối giữa vui chơi, trẻ em là phải có vui chơi, không thể lúc nào cũng học. Với học tập, nhiệm vụ của các em, tất cả các kỹ năng cùng học sẽ giúp các em học tập tốt hơn, thậm chí là kỹ năng học được khi vui chơi, lao động.

Một thời gian dài, các bố mẹ hiện đại quá bận nên nhiều gia đình (không phải tất cả) thiếu vắng đi những hoạt động chung hằng ngày như nấu ăn cùng nhau, cùng nhau dọn nhà, cùng nhau đi dạo… Chính những lúc “cùng nhau” là lúc bố mẹ dạy cho con rất nhiều về giá trị sống và kỹ năng thực hiện những hoạt động sống từ kho kiến thức của bố mẹ.

Thêm vào đó, theo các chuyên gia giáo dục, học kỹ năng sống cũng giống như học bơi, phải nhảy xuống nước chứ không thể đứng trên bờ nhìn mà biết bơi được.

Trao đổi với phóng viên, giáo viên Nguyễn Thị Thu Hà, trường THCS Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng là một “hot mom” nổi tiếng về phương pháp dạy con hiện đại cho biết, mọi hoạt động giáo dục kỹ năng sống cũng như xây dựng nhân cách không bao giờ tách rời lao động. Lao động hợp lý theo lứa tuổi là biết tự phục vụ bản thân mình hay là phục vụ cộng đồng mà cộng đồng nhỏ nhất là gia đình của mình. Nhiều bố mẹ đã tước đi cơ hội phục vụ gia đình của các con, cho rằng chỉ có học và học thôi, ưu tiên học.

Có thể thấy, kỹ năng sống chỉ được tạo nên bằng cả một quá trình giáo dục, trải nghiệm. Không thể tham gia vài ba khóa học vài ngày hay vài cuối tuần là có thể tạo thành kỹ năng được. Nhu cầu trang bị kỹ năng sống cho học sinh càng tăng cao càng cho thấy sự cần thiết của việc quan tâm đặc biệt đến các em của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Kỹ năng sống khi được quan tâm giáo dục trong nhà trường, được gia đình hỗ trợ phát triển bằng thực tế cuộc sống sẽ tự thân phát triển trong con người, trở thành lối sống của con người đó.

Lê Sơn/Báo Tin tức
Nở rộ các hoạt động giáo dục kỹ năng, trẻ cần học gì?
Nở rộ các hoạt động giáo dục kỹ năng, trẻ cần học gì?

Các bậc phụ huynh đều khẳng định mùa hè là thời điểm để các con nghỉ ngơi sau một năm học tập nhưng lại đẩy con vào ‘ma trận’ các lớp kỹ năng khác như đàn, hát, vẽ, tiếng Anh, kỹ năng sống…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN