Giao dịch bất động sản cuối năm dự báo tăng mạnh

Thị trường bất động sản quý 4/2018 dự báo sẽ có lượng giao dịch tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với quý 4/2017.

Chú thích ảnh
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh phát triển tương đối nhanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Ảnh: Hải Yên

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại buổi lễ công bố báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý 3/2018 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, trong quý 4/2018, thị trường bất động sản cả nước sẽ đón nhận nhiều lượng hàng hóa mới từ các dự án phát triển bất động sản trên cả nước. Giá cả hàng hóa cũng sẽ không biến động nhiều và dự báo tăng so với quý 3/2018 từ 0,5% - 1%.

Trong quý 4, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận đa dạng chủng loại sản phẩm. Nhu cầu về nhà ở và đầu tư vẫn khả quan. Cùng với đó, nền kinh tế được dự đoán tiếp tục ổn định và tăng trưởng tốt. Nguồn vốn FDI có thể tiếp tục được đổ vào Việt Nam bởi các nhà đầu tư đang có xu hướng rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đây cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn vốn kiều hối mạnh nhất trong năm, trong khi đó tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ… thì bất động sản được xem như là kênh đầu tư tốt.

Trong quý 3/2018, hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển với tốc độ ổn định. Các dự án bất động sản tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục tung ra thị trường. Trong quý này, hai địa phương trên đưa vào thị trường trên 20.000 sản phẩm mới với cơ cấu sản phẩm rất hợp lý.

Giá bất động sản tại hai khu vực này không tăng, ổn định so với quý 2 và đã có gần 13.000 sản phẩm được giao dịch thành công, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt 63,5% (mặc dù trong quý có tháng ngâu và mùa khai giảng). Người mua nhà phần lớn xuất phát từ nhu cầu thực, cho thấy không có biểu hiện của thị trường ảo hoặc bong bóng bất động sản.

Tại Hà Nội, cơ cấu sản phẩm giao dịch, loại sản phẩm bình dân chiếm 54% sản phẩm giao dịch. Ngược lại, tại TP Hồ Chí Minh, sản phẩm cao cấp lại chiếm ưu thế với 40,5%, tiếp đến là trung cấp với 36,5%.

Ngoài sự ổn định và phát triển bền vững từ hai thị trường lớn trên, phát triển bất động sản còn được nhận thấy ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, riêng phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong quý này ghi nhận sự sụt giảm cả nguồn cung và lượng giao dịch.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khuyến nghị đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các dự án đã và đang triển khai cần tập trung hoàn thành dự án để đưa vào khai thác kinh doanh, đáp ứng các mục tiêu đề ra ban đầu và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bích Hồng (TTXVN)
Doanh nghiệp sợ khó nếu ngân hàng giảm nguồn vốn cho vay bất động sản
Doanh nghiệp sợ khó nếu ngân hàng giảm nguồn vốn cho vay bất động sản

Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung, từ ngày 1/1/2019 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì 45% như trước đây. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lo ngại khó khăn vì nguồn vốn cho vay BĐS sẽ bị hạn chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN