Chiến dịch giảm thiểu vi phạm về rùa biển

Việt Nam là quê hương của năm loài rùa biển quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm: Rùa da, Đồi mồi, Quản đồng, Vích và Đồi mồi dứa.

Năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã triển khai chiến dịch giảm thiểu vi phạm về rùa biển bằng chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về rùa biển trên địa bàn một số đô thị lớn và các tỉnh duyên hải phía Nam. Các khu vực này được biết đến là “điểm nóng” trong hoạt động buôn bán, tiêu thụ rùa biển.

Chú thích ảnh
Khu vực cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã khảo sát tại 434 cửa hàng lưu niệm có nhiều khả năng bán tiêu bản và sản phẩm từ Đồi mồi và Vích như hàng thủ công mỹ nghệ và đồ trang sức tại 5 địa phương thu hút khách du lịch gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang. Các cửa hàng lưu niệm tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (Hà Nội); các Quận 1 và 5 (TP Hồ Chí Minh); thành phố Nha Trang(Khánh Hòa) và thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).

Theo kết quả khảo sát, mặc dù có số lượng cơ sở được khảo sát ít nhất, Kiên Giang là tỉnh có tỷ lệ vi phạm về rùa biển cao nhất với 22% trên số cơ sở được khảo sát. Hà Nội có tỷ lệ vi phạm thấp nhất với 5 cơ sở (chiếm 5,7%). TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 9 cơ sở vi phạm về rùa biển (chiếm 6,5%); và tỷ lệ vi phạm về rùa biển tại Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu cùng ở mức 8%.

Chiến dịch cho thấy các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đi đầu trong nỗ lực xử lý các vi phạm do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên thông báo với 100% các cơ sở có hành vi vi phạm về rùa biển được xử lý thành công, đã tịch thu 72 tiêu bản rùa biển tại một cửa hàng lưu niệm.

Hà Nội đứng thứ hai trong nỗ lực xử lý vi phạm về rùa biển với tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin đạt 80%, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (56%), Khánh Hòa (50%) và Kiên Giang (33%). Tuy nhiên, do số lượng cơ sở có vi phạm về rùa biển được ghi nhận tại mỗi địa phương khá ít nên việc không xử lý được dù chỉ một số lượng nhỏ vi phạm cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về rùa biển.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia vi phạm về động vật hoang dã để cập nhật tất cả các dấu hiệu vi phạm về rùa biển, thông báo đến các cơ quan chức năng có liên quan để xử lý theo thẩm quyền. Sau khoảng 90 ngày kể từ ngày thông báo vi phạm, Trung tâm sẽ khảo sát lần hai tại các cơ sở kinh doanh đã từng ghi nhận có hành vi vi phạm về rùa biển nhằm đánh giá năng lực của cơ quan hữu quan trong công tác này.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, tỷ lệ xử lý thành công các vi phạm về rùa biển trên các địa bàn khảo sát đạt ở mức đáng khích lệ là 56%. Tuy nhiên, Trung tâm hi vọng các cơ quan chức năng địa phương sẽ xử lý hiệu quả hơn nữa các vi phạm liên quan đến rùa biển với mục tiêu đạt kết quả xử lý thành công 90-100%. Mục tiêu này là phù hợp với tình trạng vi phạm về rùa biển không nghiêm trọng như hiện nay, chỉ chiếm khoảng 9% số cơ sở được khảo sát.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã hỗ trợ các cơ quan chức năng địa phương trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan đến rùa biển tại Việt Nam từ năm 2005 với sự ra đời của đường dây nóng 1800-1522. Đó là việc thu giữ hàng trăm cá thể rùa biển còn sống, xóa bỏ các vi phạm về rùa biển tại cơ sở kinh doanh, cung cấp các thông tin có giá trị dẫn đến việc phát hiện, bắt giữ và xử lý thành công một trong những đối tượng cầm đầu mạng lưới buôn bán rùa biển lớn nhất tại Việt Nam với hơn 10 tấn rùa biển bị thu giữ.

Mới đây nhất, năm 2017, Trung tâm đã hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc đưa ra xét xử thành công vụ án khai thác trứng rùa biển trái phép tại Côn Đảo đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm cũng đang tích cực khuyến khích việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm về rùa biển được phát hiện.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Bảo tồn loài rùa biển quý hiếm tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận
Bảo tồn loài rùa biển quý hiếm tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận

Phòng Bảo tồn biển, Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) cho biết, từ năm 2018 đến nay, tại Vườn đã có 37 lượt rùa biển lên bãi đẻ trứng, trong đó có 15 tổ thành công với 1.324 trứng, số rùa con nở thả về biển 969 con, tăng hơn 3 tổ và 215 con so với năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN